Dòng sự kiện:
Đầu tư cho con người để thu hút kiều hối
01/11/2019 14:01:07
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra dự báo, kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2019 sẽ đạt khoảng 16,7 tỷ USD và Việt Nam sẽ đứng thứ 9 trong 10 quốc gia thu hút nhiều kiều hối nhất thế giới.

Ảnh minh hoạ

Cũng theo ước tính của WB, năm 2019 thu hút kiều hối của Ấn Độ sẽ đạt 82,2 tỷ USD, Trung Quốc 70,3 tỷ USD, Mexico 38,7 tỷ USD, Philippines 35,1 tỷ USD, Ai Cập 26,4 tỷ USD, Nigeria 25,4 tỷ USD, Pakistan 21,9 tỷ USD, Bangladesh 17,3 tỷ USD, Việt Nam 16,7 tỷ USD, Ukraine 15,9 tỷ USD…

Kiều hối nhiều năm qua đã trở thành nguồn vốn vàng của đất nước, không chỉ hỗ trợ đời sống cho người dân, mà Nhà nước có thêm một luồng ngoại tệ từ kiều hối để đảm bảo ổn định thị trường ngoại hối và kinh tế vĩ mô.

Thời kỳ đầu đổi mới, kiều hối chủ yếu được chuyển về từ người Việt định cư ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Pháp, Úc, Canada… Tuy nhiên, những năm gần đây hoạt động xuất khẩu lao động ra nước ngoài tăng nhanh, nên nguồn kiều hối từ xuất khẩu lao động cũng đang tăng dần theo thời gian, chủ yếu từ các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia… chuyển về Việt Nam.

Mặc dù vậy, trong cơ cấu kiều hối chuyển qua các TCTD những năm qua thì kiều hối từ thân nhân định cư ở Mỹ vẫn chiếm một tỷ trọng cao. Dù rằng có những thời điểm kinh tế thế giới khó khăn, tiền gửi ngoại tệ trong nước không có lãi suất, nhưng kiều hối từ Mỹ chuyển về vẫn tăng; trong đó lượng kiều hối chuyển về TP.HCM hàng năm luôn chiếm khoảng 45-50% tổng lượng kiều hối chuyển vào Việt Nam.

Tuy nhiên, không phủ nhận một thực tế là thế hệ Việt kiều ngày một lớn tuổi và người thân ở trong nước cũng giảm dần nên tính kết nối hỗ trợ về mặt tài chính trong tương lai sẽ dần giảm bớt. Chưa kể, hiện đời sống trong nước cũng ngày càng được nâng cao nên nhu cầu chuyển kiều hối về trong nước để hỗ trợ cũng giảm dần.

Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, để lượng kiều hối chuyển về nước bền vững, Nhà nước cần có chính sách thúc đẩy xuất khẩu lao động, đặc biệt là những lao động có kỹ năng cao để làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia. TS. Nguyễn Ngọc Thao - Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, kiều hối từ nguồn lao động quốc tế của người Việt hiện nay còn rất khiêm tốn so với kiều hối của các nước. Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xuất khẩu lao động, khuyến khích người Việt trong nước ra nước ngoài học tập, tạo nhiều cơ chế cho doanh nghiệp ra nước ngoài đầu tư mà người Việt có thế mạnh.

Có một thực tế hiện nay xuất khẩu lao động của Việt Nam chủ yếu là lao động phổ thông, như làm các nghề đánh cá, công nhân dệt may, giúp việc nhà, lắp ráp điện tử trong các nhà máy… nên thu nhập rất thấp.

Theo đó, thời gian tới bên cạnh chính sách tín dụng cho xuất khẩu lao động những năm qua hệ thống ngân hàng đã hỗ trợ rất lớn, cần có thêm chính sách hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ, đào tạo nghề, đào tạo chuyên môn kỹ thuật… cho người Việt Nam khi tham gia thị trường lao động quốc tế. Cần thay đổi tư duy không làm được việc gì thì đi làm giúp việc, không kiếm được việc ở trong nước thì đi ra nước ngoài hy vọng có công việc và tìm kiếm chênh lệch đồng tiền giữa các quốc gia phát triển với Việt Nam.

Theo TS. Thao, hiện nay các tập đoàn Viettel, VietJet, Hoàng Anh Gia Lai, TH True Milk, BIDV… đã ra nước ngoài đầu tư, cũng cần thu hút một lượng lao động từ trong nước tham gia các vị trí quan trọng để điều hành và có thu nhập chuyển về nước. Ngoài ra, khu vực Đông Âu người Việt rất thuận nghề kinh doanh ẩm thực, khách sạn, nhà hàng cần tạo mọi điều kiện cho người Việt đầu tư thêm vào nguồn nhân lực phục vụ cho các nhà hàng Việt ở nước ngoài.

Đặc biệt, cần thay đổi tư duy du học sinh đi nước ngoài cứ phải về đất nước phục vụ trong xu hướng toàn cầu hóa, mà cần phải có nhìn nhận người Việt đi học ở nước ngoài và làm việc cho thị trường lao động quốc tế là một sự thành công. Quan điểm này cần thay đổi đối với cả những giảng viên trong các trường đại học trong nước đi tu nghiệp ở nước ngoài bằng ngân sách, hay những người nhận học bổng của Chính phủ ra nước ngoài học tập. Nếu những người này ở nước ngoài vẫn chuyển tiền về cho thân nhân trong nước và sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm quốc tế về nước sẽ rất tốt cho Việt Nam.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến