Dòng sự kiện:
Đầu tư công tăng tốc
30/11/2020 18:39:11
Tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư công 11 tháng mới đạt gần 80% kế hoạch năm, nhưng tốc độ tăng là cao nhất giai đoạn 2011-2020.

Tổng cục Thống kê cho biết, vốn đầu tư công thực hiện tháng 11 ước tính 54.500 tỷ đồng, tăng 37% cùng kỳ năm 2019. Lũy kế 11 tháng, vốn đầu tư công thực hiện 406.800 tỷ đồng, tăng 34% và bằng 79,3% kế hoạch năm. So với 11 tháng năm 2019, tiến độ thực hiện vốn đầu tư công theo kế hoạch chỉ tương đương, nhưng xét về tốc độ tăng thì tiếp tục đạt cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.

Về giải ngân, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tới 31/10 cho biết, ước thanh toán vốn đầu tư công trong 10 tháng đạt hơn 321.500 tỷ đồng, bằng 68,3% kế hoạch. So với năm trước, tiến độ giải ngân tính trên kế hoạch cao hơn khoảng 14%.

Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua TP HCM tháng 12/2019. Ảnh: Như Quỳnh.

Trong đó, riêng với giao thông, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến cuối tháng 10 đã giải ngân được hơn 7.300 tỷ đồng, đạt gần 78%. Các dự án hạ tầng giao thông thành phần khác giải ngân từ 75% đến 84%.

Ngược lại, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành mới giải ngân lũy kế đến cuối tháng 10 được 20% kế hoạch, riêng kế hoạch vốn năm 2020 mới giải ngân được 224 triệu đồng.

Chênh lệch giữa vốn thực hiện và giải ngân là do nguyên tắc tính toán dựa trên khối lượng thực hiện, hoàn thành hạng mục nào thì thanh toán hạng mục đó. Tuy nhiên, công tác này là một chuỗi các thủ tục liên hoàn mà chỉ cần một khâu gặp trục trặc sẽ kéo theo cả quá trình giải ngân bị đình trệ.

Ngay từ đầu năm, khi những dự báo kinh tế có thể chịu ảnh hưởng mạnh từ đại dịch, đầu tư công đã được nhắc đến như một giải pháp tích cực nhất thay thế cho các trụ cột tăng trưởng chịu ảnh hưởng.

Các chuyên gia đánh giá đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là giải pháp cấp bách và hiệu quả nhất để kích thích nền kinh tế. Trong đó, phần sụt giảm từ những ngành bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có thể được bù đắp khi hàng loạt dự án hạ tầng bằng vốn đầu tư công bắt đầu lan tỏa sang các thành phần kinh tế.

Agriseco từng nhận xét, đầu tư công là "công cụ phù hợp nhất", bởi nguồn vốn này tác động trực tiếp lên nhiều lĩnh vực như xây dựng, hạ tầng, vật liệu xây dựng, và gián tiếp lên các thành phần kinh tế khác. Ngoài ra, đầu tư công còn là giải pháp bù đắp sự thiếu hụt của dòng vốn tư nhân và FDI.

Dù vậy, dòng vốn này cũng chỉ thực sự tăng tốc từ giữa năm nay, khi Chính phủ và Thủ tướng liên tục đốc thúc, các Bộ, ban đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Nhiều hội nghị trực tuyến, các đoàn công tác để "gỡ khó" cho giải ngân vốn đầu tư công được thực hiện liên tục trong giai đoạn tháng 7, 8.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính tới cuối tháng 10, có 13 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 70%; 18 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương giải ngân dưới 45%. Trong đó, có 8 bộ, cơ quan và 1 địa phương giải ngân dưới 20%.

Tác giả: Minh Sơn

Theo: Vnexpress
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến