Dòng sự kiện:
Đầu tư SCIC muốn thoái sạch vốn khỏi MBBank
15/12/2019 01:40:55
Hiện SIC đang nắm giữ gần 1.8 triệu cổ phiếu MBBank, tương đương tỷ lệ sở hữu vốn là 0.077%. Nếu giao dịch thành công, SIC sẽ không còn là cổ đông của MBBank.

Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC) vừa thông báo đăng ký thoái sạch vốn khỏi Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, HOSE: MBB) từ ngày 12/12 đến ngày 10/1/2020.

Giao dịch theo mục đích đầu tư tài chính theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Hiện SIC đang nắm giữ gần 1.8 triệu cổ phiếu MBBank, tương đương tỷ lệ sở hữu vốn là 0.077%. Nếu giao dịch thành công, SIC sẽ không còn là cổ đông của MBBank.

Tuy nhiên, công ty mẹ của SIC là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hiện vẫn đang là cổ đông lớn của MBBank khi nắm 227.3 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu vốn là 9.58%.

Hiện cổ phiếu MBBank đang được giao dịch ở mức giá 21,300 đồng/cổ phiếu (trong phiên sáng 10/12), tăng 21.35% so với hồi đầu năm 2019. Với mức giá này, ước tính SIC sẽ thu về số tiền khoảng hơn 38 tỷ đồng sau khi thoái sạch vốn khỏi MBBank.

MBBank cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 với lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 6.142 tỉ đồng, tăng 27,9%.

Trong ba quý đầu năm, tất cả mảng kinh doanh của MBBank đều ghi nhận sự tăng trưởng. Cụ thể, nguồn thu chính của ngân hàng là thu nhập lãi thuần tăng 25,7% so với cùng kì, đạt 13.111 tỉ đồng; thu nhập từ dịch vụ tăng 37%, đạt 2.313 tỉ đồng; thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần tăng 37% mang về 59 tỉ đồng.

Lãi thuần hoạt động kinh doanh ngoại hối và kinh doanh chứng khoán tăng trưởng 56,4% và 50,7% lần lượt mang về 472 tỉ đồng và 424 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh khác cũng tạo ra khoản lãi thuần 1.579 tỉ đồng, tăng 46,3%.

Huy động tiền gửi khách hàng của MBBank tăng 5,9% đạt 254.130 tỷ đồng. Đáng chú ý, nguồn tiền gửi "giá rẻ" tại MBBank sụt giảm rõ rệt. Cuối tháng 9, tiền gửi không kỳ hạn tại MBBank là 70.709 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Tiền gửi vốn chuyên dùng cũng giảm hơn một nửa xuống còn 2.194 tỷ đồng. Tiền gửi ký quỹ giảm 22% xuống 12.134 tỷ. Theo đó, ước tính tỷ lệ CASA của ngân hàng giảm từ mức 41% hồi đầu năm xuống còn 33% cuối tháng 9.

Trong một dự báo gần đây, VDSC cho rằng những "ông lớn" như Vietcombank và MBBank sẽ vấp phải những cạnh tranh về CASA ngày càng lớn dần do nhiều ngân hàng tư nhân khác "chạy đua" khuyến mãi dịch vụ, miễn phí giao dịch thanh toán,…

Tổng hợp các mảng kinh doanh, thu nhập hoạt động của MBBank trong 9 tháng đầu năm đạt 17.957 tỉ đồng, tăng gần 30% trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng 20,8%. Qua đó giúp lợi nhuận thuần của ngân hàng tăng mạnh 36% so với cùng kì năm trước.

Mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng mạnh tuy nhiên chi phí dự phòng rủi ro của MBBank cũng tăng tới 60,5% lên mức 3.676 tỉ đồng. Sự tăng nhanh của chi phí dự phòng đã kéo giảm tốc độ tăng của lợi nhuận trước thuế xuống mức 26,6% với 7.616 tỉ đồng.

Tại ngày 30/9, nợ xấu của MBBank hợp nhất là 3.703 tỷ đồng, tăng 29% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng tới 40% lên 1.348 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,33% lên 1,54%.

Trong khi đó, theo BCTC riêng lẻ, nợ xấu tại ngân hàng mẹ cuối tháng 9 là 3.112 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm. Như vậy, ước tính nợ xấu tại công ty con MCredit là khoảng 590 tỷ đồng.

Tổng dư nợ cho vay cuối tháng 9 của MBBank hợp nhất là 240.211 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay của ngân hàng riêng lẻ là 230.143 tỷ, 2.564 tỷ cho vay tại MBS. Như vậy, ước tính, dư nợ cho vay khách hàng của MCredit là khoảng 7.504 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ xấu của MCredit theo tính toán lên tới khoảng 590 tỷ đồng, chiếm đến 7,9% tổng dư nợ cho vay khách hàng của công ty tài chính này. Tỷ lệ này tăng khá mạnh so với mức hồi đầu năm - chỉ xấp xỉ 6%. 

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến