Sau cuộc hội đàm ngày 27/6 giữa Tổng thống Putin và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, Trợ lý phụ trách chính sách đối ngoại của Điện Kremlin Yuri Ushakov thông báo hai bên đã đạt được sự đồng thuận về thời gian và địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Nga.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Nga có khiến các đồng minh của Washington quan ngại. Ảnh:Austin County News Online.
Ông Putin và ông Trump từng gặp nhau nhiều lần, như cuộc gặp bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở thành phố Đà Nẵng tháng 11/2017. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo này chưa từng tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh chính thức kể từ khi Tổng thống Mỹ Trump lên cầm quyền tháng 1/2017.
Chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Putin lần đầu tiên có thể bao gồm vấn đề quan hệ song phương, các cuộc khủng hoảng Syria, Ukraine và cuộc chiến chống khủng bố. Giới chức Mỹ cho biết hai nhà lãnh đạo nhiều khả năng sẽ không nhắc tới việc Nga bị tình nghi can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Ngày 28/6 Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg lên tiếng hoan nghênh Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ, khi cho rằng sự kiện này phù hợp với chính sách của NATO duy trì đối thoại với Nga trong khi vẫn đảm bảo tiềm lực quốc phòng mạnh.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định cuộc gặp Trump-Putin có thể khiến một số đồng minh của Washington khó chịu. Một cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước Nga-Mỹ có thể chọc giận các đồng minh của Mỹ, trong đó có những người đang muốn cô lập Tổng thống Putin như Anh, hoặc những người cảm thấy bất an khi Tổng thống Mỹ thể hiện thái độ thân thiện với nhà lãnh đạo Nga.
Đối với những người lâu nay hoài nghi cam kết của Tổng thống Trump với NATO, thì hội nghị này rõ ràng là một bước thụt lùi và họ khó chịu trước mong muốn của ông Trump tái xây dựng các mối quan hệ với Moskva.
Quan hệ của Moskva với một số đồng minh châu Âu của Mỹ đã xấu đi trong thời gian qua liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và mới đây nhất là vụ bê bối đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal, châm ngòi cho việc trục xuất hàng loại nhân viên ngoại giao của nhau.
Trong bối cảnh đó, sự kiện Tổng thống Trump và Tổng thống Putin lần đầu gặp nhau, đối thoại trong khoảng vài giờ, khiến nhiều đồng minh châu Âu của Washington “đứng ngồi không yên”. Thậm chí, họ còn cho rằng các nước phương Tây cảm thấy đang bị bỏ rơi và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Nga sẽ thúc đẩy mục tiêu chiến lược của Nga là làm suy yếu quan hệ liên minh giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Theo một quan chức NATO, lo lắng này là hoàn toàn có cơ sở sau khi các đồng minh chứng kiến cách hành xử của ông Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh G-7 ở Canada. Quan chức này cho biết Tổng thống Trump đã nói với các nhà lãnh đạo G-7 rằng Bán đảo Crimea có lẽ nên thuộc về Nga bởi vì tất cả người dân tại đó nói tiếng Nga.
Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Putin không chỉ khiến các đồng minh phương Tây của Washington quan ngại, cuộc gặp này cũng khiến chính giới Mỹ thấy bất an. Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons cho rằng “Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ hoàn toàn có tiềm năng đạt kết quả xây dựng, song tôi vô cùng quan ngại Tổng thống Trump sẽ một lần nữa bất hòa với các đồng minh thân cận nhất của chúng tôi tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào tháng tới, sau khi ông thể hiện cách hành xử tương tự ở Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-7) tại Canada”.
Nhật Bản có vẻ là đồng minh hiếm hoi bày tỏ ủng hộ Nga và Mỹ tiến hành Hội nghị thượng đỉnh. Hãng thông tấn Tass dẫn lời một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 28/6 cho biết chính phủ nước này ủng hộ ý tưởng đối thoại giữa Nga và Mỹ.
Quan chức này nêu rõ Nga là một nhân tố quan trọng trên trường quốc tế, do vậy Tokyo đánh giá đối thoại giữa Nga và Mỹ có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề cấp thiết của thế giới, như vấn đề Triều Tiên, Syria và cuộc chiến chống khủng bố.
Tuy nhiên, quan chức ngoại giao này không trả lời câu hỏi của báo giới về khả năng Nga gia nhập trở lại Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Theo TTXVN
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy