42.800 liều vaccine Moderna (liều 0,25ml) đã được Bộ Y tế cấp cho tỉnh Nam Định để triển khai tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)
Đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; xây dựng kế hoạch tiêm phòng mũi vaccine thứ 4; khắc phục hạn chế, bất cập trong khai báo điện tử tại các cửa khẩu, sân bay; bảo đảm an toàn trong vận chuyển, xử lý, thu gom rác thải y tế, nhất là rác thải trong phòng, chống dịch... là một số nội dung đáng chú ý phòng, chống dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế trong tuần qua.
Xây dựng phương án phòng, chống dịch phù hợp
Tại họp báo thường kỳ tháng 4/2022, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc "Việt Nam đã coi COVID-19 là bệnh lưu hành chưa?" Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay, trên thế giới chưa có quốc gia nào coi COVID-19 là bệnh lưu hành, nhưng có một số nước nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, không bắt buộc cách ly đối với người tiếp xúc gần hoặc không đeo khẩu trang nơi công cộng, như ở Anh, Đan Mạch, Thuỵ Điển.
Hoặc một số nước thông báo dần dần coi COVID-19 trở thành bệnh lưu hành như Thái Lan, Australia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Họ căn cứ trên cơ sở và chỉ số tử vong thấp, hoặc tỷ lệ bệnh nặng phải nhập viện và đặc biệt là độ bao phủ vaccine cao.
Việt Nam đã kiểm soát dịch rất tốt. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo vẫn có thể xuất hiện các biến chủng mới. Chúng ta đang trong giai đoạn giữa đại dịch và bệnh lưu hành.
Căn cứ Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ đã ban hành chương trình phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đang xây dựng phương án ứng phó để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp như điều chỉnh định nghĩa các ca bệnh, hướng dẫn biện pháp cách ly với người tiếp xúc gần.
Bộ cũng đã có hướng dẫn tạm dừng không áp dụng khai báo y tế tại các cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu hàng không.
“Như vậy, dù dịch đã được kiểm soát tốt nhưng trong bối cảnh nước ta có độ bao phủ vaccine lớn, song độ mở cửa của chúng ta cũng rất lớn, trân trọng đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền, vận động người dân không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch,” Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Đối với việc thực hiện 5K trong phòng, chống dịch, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết ngay từ đầu, Bộ Y tế đưa ra thông điệp không cứng nhắc, rất linh hoạt, để bảo đảm hiệu quả.
Trước hết, thường xuyên đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn, xà phòng. Đây là 2K cần thực hiện thường xuyên. 3K còn lại linh hoạt hơn, ví dụ như khai báo y tế, không tập trung đông người. Do vậy, trong từng hoạt động cụ thể, đặc thù của từng địa phương, từng đơn vị, từng lĩnh vực, từng bộ, ngành để thực hiện cho phù hợp.
Hiện nay, Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa, đã cho học sinh đến trường. Tại doanh nghiệp, công nhân đã trở lại làm việc, du lịch và lễ hội bắt đầu hoạt động. Đặc biệt, Việt Nam đã cho phép các chuyến bay thương mại hoạt động trở lại. Ngoài biện pháp 5K, vẫn duy trì, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, Thứ trưởng nêu rõ.
Bảo đảm an toàn tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em
Tính đến ngày 30/4, cả nước 63 tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-dưới 12 tuổi, bảo đảm chu đáo, an toàn, với gần 1,4 triệu liều vaccine đã được tiêm.
Số liều vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho trẻ từ 5-dưới 12 tuổi đến hết ngày 29/4 là là 1.456.641 liều (mũi 1). Đây là số liệu báo cáo của tất cả 63 tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm và báo cáo về Bộ Y tế hàng ngày.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 11 đến dưới 12 tuổi tại Trường Trung học cơ sở Yên Định, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)
Như vậy, sau nửa tháng triển khai tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi này, tính từ ngày 14/4 khi Quảng Ninh tiến hành tiêm cho gần 200 trẻ đầu tiên học lớp 6 trường Trung học cơ sởTrần Quốc Toản (thành phố Hạ Long), đến nay tất cả 63 tỉnh, thành phố triển khai tiêm.
Liên quan đến công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, tại hội nghị trực tuyến quán triệt việc "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng COVID-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 do liên Bộ Y tế-Bộ Công an tổ chức kết nối đến hơn 11.000 điểm cầu trên toàn quốc đã diễn ra mới đây, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương phải đẩy nhanh tiêm cho trẻ từ 5-dưới 12 tuổi. Hiện nay tốc độ tiêm đang chậm.
Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho thấy cả nước có hơn 11,8 triệu trẻ từ 5-dưới 12 tuổi, trong đó 3,6 triệu trẻ đã mắc COVID-19 thuộc đối tượng trì hoãn tiêm sau 3 tháng kể từ ngày mắc (dự kiến sẽ tiêm khoảng tháng Bảy, tháng Tám tới), 8,2 triệu trẻ còn lại bắt đầu tiêm từ ngày 14/4 và trong quý 2/2022 sẽ tiêm xong 2 mũi cho trẻ.
Công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế trong năm 2022.
Theo tài liệu "Hướng dẫn triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-dưới 12 tuổi" do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia xây dựng, mặc dù khi mắc COVID-19, các triệu chứng ở trẻ em đa phần là nhẹ, nhưng cũng có những trường hợp phải nhập viện và để lại di chứng kéo dài.
Hơn nữa, nếu trẻ không may nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây lan trong môi trường lớp học từ đó lây lan trong cộng đồng. Việc tiêm phòng cho trẻ em là rất cần thiết để giảm nguy cơ nhiễm bệnh; giảm nguy cơ trở nặng nếu nhiễm và giảm khả năng lây bệnh cho người khác.
Hiện nay, trên thế giới đã có hơn 60 quốc gia cho phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-dưới 12 tuổi tại Châu Mỹ như Mỹ, Châu Âu, một số quốc gia châu Á như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Philippines, Malaisia; Campuchia...
Xây dựng kế hoạch tiêm vaccine mũi 4
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4.
Theo đó, ngày 25/4, Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine Bộ Y tế đã họp để xem xét các nội dung về việc triển khai tiêm vaccine trong đó có việc tiêm vaccine phòng COVID-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4).
Đối tượng tiêm mũi nhắc lại thứ 2 -mũi 4 vaccine phòng COVID-19 là người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19, cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp.
Tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 mũi tăng cường cho các đối tượng theo quy định của Bộ Y tế. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)
Tại cuộc họp, Hội đồng đã thống nhất kết luận đối với việc tiêm mũi 4 là:
Đối tượng tiêm: Người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19: cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp.
Vaccine sử dụng: Vaccine mRNA (vaccine do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất); vaccine do Astra Zeneca sản xuất; vaccine cùng loại với mũi 3. Khoảng cách: Ít nhất là 4 tháng sau mũi 3.
- Người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi 3: Hoãn 3 tháng sau khi mắc COVID-19.
Theo đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có trách nhiệm rà soát, cập nhật thông tin về mũi 4 và xây dựng kế hoạch tiêm mũi 4 vaccine phòng COVID-19 gửi Bộ Y tế.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 26/4 về vấn đề 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng COVID-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 do liên Bộ Y tế-Bộ Công an tổ chức kết nối đến hơn 11.000 điểm cầu trên toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đã họp các hội đồng chuyên môn, sẽ có hướng dẫn về tiêm mũi 4. Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Liên quan đến việc tiêm mũi 4, trong Thông báo 114/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp lần thứ 14 Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương, Thủ tướng giao Bộ Y tế và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 cho các đối tượng trong chỉ định tiêm, nhất là các đối tượng rủi ro cao như người cao tuổi, người có bệnh nền, người lao động tại các khu công nghiệp, đô thị lớn.
Theo Bộ Y tế, xác định vaccine phòng COVID-19 vẫn là vũ khí chiến lược, là "lá chắn" quan trọng nhất trong phòng, chống dịch, là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả. Vì vậy, cần đẩy mạnh thần tốc hơn nữa việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng theo chỉ định. Bộ Y tế bảo đảm cung ứng đủ vaccine, các địa phương tổ chức tiêm chủng an toàn, khoa học, hiệu quả.
Tháo gỡ bất cập trong khai báo điện tử tại các cửa khẩu
Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc gửi ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về việc tạm dừng áp dụng khai báo y tế tại tất cả các cửa khẩu của Việt Nam đối với người nhập cảnh kể từ 00 giờ 00 phút ngày 27/4/2022.
Văn bản của Bộ Y tế gửi đến các ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế: Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Kon Tum, Khánh hòa, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Tây Ninh, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Điện Biên, Tiền Giang, Quảng Bình, Quảng Nam, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa, Long An, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng tàu, Phú Yên, Kiên Giang, Lai Châu, Nghệ An, Đồng Tháp, Nam Định, Bình Phước, Sơn La, Cà Mau, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắc Lắc, Bình Dương, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan duy trì giám sát hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu theo quy định tại Nghị định số 89/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới; chủ động cập nhật các tài liệu truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình hiện nay và chủ động đưa tin kịp thời. Bộ sẽ tiếp tục cập nhật, cung cấp thông tin về hình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước để có các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Kiểm dịch Y tế Quốc tế tỉnh Lạng Sơn kiểm tra giấy tờ xét nghiệm COVID-19 đối với lái xe ra vào cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)
Trước đó, chiều 25/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong cấp phép nhập khẩu, cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế; tháo gỡ bất cập hiện nay về điều kiện nhập cảnh, khai báo y tế điện tử tại sân bay.
Liên quan đến việc giải quyết những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục cấp phép nhập khẩu, chứng nhận đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế trong bối cảnh có dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Tư pháp khẩn trương thống nhất ý kiến để tháo gỡ các vướng mắc hiện nay, bảo đảm tiếp cận được các trang thiết bị y tế hiện đại, mặt khác tạo thuận lợi cho sản xuất trong nước; đồng thời, không được để ách tắc, thiếu thuốc, trang, thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Trường hợp cần thiết, phải trình Chính phủ ngay để tháo gỡ.
Về tình trạng ùn tắc tại khu vực xuất nhập cảnh ở một số sân bay quốc tế do nhiều hành khách khi đến nơi mới khai báo y tế, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, Bộ đang lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan liên quan về vấn đề này.
Hiện, dịch COVID-19 vẫn là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A nên giống như các nước trên thế giới, tất cả những người nhập cảnh đều phải khai báo y tế. Hiện, các nước đang ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để đơn giản thủ tục này.
Ngày 26/4, đoàn công tác liên bộ (Y tế, Giao thông vận tải, Công an) đã làm việc với Cảng hàng không Tân Sơn Nhất để bàn bạc giải pháp nhằm xử lý tình trạng ùn tắc ở khu vực làm thủ tục xuất nhập cảnh, đặc biệt giải pháp tăng cường khai báo y tế điện tử đối với hành khách nhập cảnh.
Bộ Y tế sẽ cập nhật những điều kiện, hướng dẫn khai báo y tế điện tử đối với người nhập cảnh vào Việt Nam lên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, đồng thời, Bộ Công an đưa lên website của Cục Quản lý xuất nhập cảnh để những người xin thị thực nhập cảnh biết và thực hiện việc khai báo y tế điện tử.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao sẽ đưa hướng dẫn điều kiện nhập cảnh, khai báo y tế điện tử lên website của tất cả các cơ quan đại diện, lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài. Các Bộ: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công an khẩn trương thống nhất các ứng dụng khai báo y tế được khuyến nghị để người nhập cảnh vào Việt Nam sử dụng.
Thực hiện hiệu quả các biện pháp thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải y tế
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện có 38 tỉnh, thành phố thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế lây nhiễm tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Tuy nhiên, lượng chất thải phát sinh tại trạm y tế xã rất ít, trong khi cơ sở y tế quy mô nhỏ, phân tán nên chi phí thu gom, vận chuyển cao.
Đáng chú ý, vẫn còn 25 tỉnh, thành phố chưa ban hành kế hoạch hoặc chưa bố trí kinh phí thu gom vận chuyển, xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm, gây khó khăn, lúng túng cho các cơ sở y tế trong việc tìm đơn vị để chuyển chất thải đưa đi xử lý.
Các nhân viên Công ty Cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương (Biwase) thu gom rác thải y tế ở các khu điều trị bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, thực tế, quá trình chống dịch đã xuất hiện tình trạng quá tải chất thải y tế, chất thải lây nhiễm tại nhiều cơ sở thu dung, cách ly, điều trị người mắc COVID-19, do không được đưa đi xử lý.
Hiện, có khoảng 87% ca mắc COVID-19 được điều trị tại nhà, nơi lưu trú, khiến phát sinh lượng lớn chất thải lây nhiễm, nhưng việc thu gom, xử lý còn nhiều hạn chế. Thậm chí, nhiều gia đình chưa phân biệt, phân loại chất thải này với chất thải sinh hoạt.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thượng Hiền thông tin thêm, toàn quốc hiện có hơn 80 cơ sở xử lý chất thải có chức năng xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm.
Bên cạnh đó là hệ thống các cơ sở xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm cơ sở y tế đủ năng lực xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm liên quan đến COVID-19. Song, việc thu gom, vận chuyển chất thải y tế, chất thải lây nhiễm của F0 điều trị tại nhà không được giám sát đầy đủ do thiếu nhân lực, phương tiện thu gom.
Chỉ đạo tại cuộc họp về giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, nhất là chất thải lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ: Y tế, Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện rà soát tổng thể các văn bản quy định và thực tiễn tổ chức thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế, nhất là chất thải lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
Trên cơ sở đó, tổ chức sửa đổi, bổ sung và đề xuất các giải pháp, phương án cho phù hợp yêu cầu, tình hình thực tế theo tinh thần nâng cao hiệu quả công tác này, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, kể cả dịch bệnh mới hoặc do biến chủng mới của SAR-CoV-2; trường hợp cần thiết đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Y tế tiếp tục tổ chức quán triệt đến các địa phương; chỉ đạo việc bảo đảm các điều kiện để tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, nhất là chất thải lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, lưu ý tiếp thu ý kiến của các tổ chức, nhân dân với tinh thần hết sức cầu thị, bám sát thực tiễn; chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xử lý chất thải y tế, nhất là chất thải lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19./.
Tác giả: P.V
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy