Sau đề xuất của Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy về việc nên đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nội dung này đang nhận được nhiều quan tâm từ xã hội.
Anh Nguyễn Tuấn Minh (Ba Đình, Hà Nội) có 2 con đang học bậc tiểu học và THCS cho rằng, việc học thêm tồn tại từ nhiều năm nay. Nếu như trước đây, thế hệ đầu 8x như anh, việc học thêm rất hiếm, gần như không có, thầy cô chỉ phụ đạo những học sinh có học lực yếu kém, còn lại là tự học, thì ngày nay nhà nào cũng đua nhau cho con học thêm.
Nhiều phụ huynh cho rằng nếu không học thêm, học sinh khó có thể vượt qua các kỳ thi. (Ảnh minh họa)
Anh Minh chia sẻ, con gái thứ 2 của anh đang học lớp 2, nhưng lịch học thêm đã gần như kín tuần, 3 buổi tối học thêm tiếng Anh, 2 buổi học thêm các môn Toán, Tiếng Việt với gia sư tại nhà.
“Chương trình học của các con rất nhiều kiến thức, nếu không đi học thêm sẽ rất vất vả để theo kịp. Hơn nữa ở nhà bố mẹ không có kỹ năng sư phạm nên sẽ khó kèm con học. Có thể nói việc học thêm là nhu cầu có thực. Học sinh muốn bổ sung kiến thức, giáo viên đáp ứng nhu cầu và được làm thêm chính đáng. Song thực tế hiện nay có những trường hợp dù không muốn cho con học thêm, nhưng vì nể giáo viên, nhà trường phụ huynh vẫn đành “tự nguyện” viết đơn xin cho con đi học”, anh Minh nói.
Từ thực tế trên, phụ huynh này cho rằng, cần có những quy định rõ ràng về việc dạy thêm, học thêm. Nếu dạy thêm được quy định là một nghề kinh doanh có điều kiện, sẽ cần có những quy định rõ ràng, kiểm định chất lượng. Bên cạnh đó các quy định cũng cần làm sao để tránh tình trạng các trường tự tổ chức các lớp học liên kết, giáo viên vận động học sinh học thêm tại nhà…
Chị Nguyễn Anh Thư (Đống Đa, Hà Nội) có con đang học lớp 9, chuẩn bị thi vào lớp 10 cũng cho rằng, chương trình được cho là giảm tải, nhưng nếu không học thêm thì gần như không thể cạnh tranh vào các trường THPT công lập, trừ khi học sinh đó rất giỏi.
Theo chị Thư, việc quản lý dạy thêm, học thêm tránh tràn lan, tiêu cực là điều cần làm. Nếu đưa dạy thêm vào danh mục nghề kinh doanh có điều kiện cần quy định sao cho khắc phục được tình trạng giáo viên trên lớp dạy cắt xén giờ học, dành kiến thức đó cho dạy thêm. Bên cạnh đó cũng cần có quy định xử lý những trường hợp tiêu cực, gây áp lực ép học sinh học thêm hay các lớp học thêm liên kết trong nhà trường kém hiệu quả.
Ở một góc nhìn khác, phụ huynh này cũng cho rằng, một mặt cần quản lý việc dạy thêm học thêm, song cũng cần nhìn lại chương trình học: “Ngành giáo dục cần đặt ra câu hỏi, tại sao học sinh nào cũng phải gồng mình, chạy đua học thêm? Chương trình giảm tải, nhưng đã thực sự giảm tải, giảm áp lực cho học sinh hay chưa?”
Trao đổi về nội dung này, TS Đặng Văn Cường, giảng viên Luật (ĐH Thủy lợi) cho rằng, vấn đề dạy thêm, học thêm tác động trực tiếp đến nhiều hộ gia đình, nhiều bậc phụ huynh khi có con em ở tuổi đến trường. Không ít những trường hợp chi phí cho việc học thêm và gánh nặng đáng kể cho kinh tế gia đình của nhiều phụ huynh là người lao động phổ thông hoặc những người có thu nhập thấp.
Dạy thêm, học thêm là vấn đề khá nóng và nhạy cảm thời gian qua. Nhu cầu học thêm của học sinh là rất lớn, tuy nhiên quy định trong thông tư của Bộ GD-ĐT không phải ai muốn học thêm, dạy thêm cũng được. Do đó cần đánh giá ở nhiều góc độ đồng thời lắng nghe ý kiến nguyện vọng của phụ huynh, của giáo viên, của xã hội đối để đánh giá sự cần thiết và vai trò của cơ quan chức năng trong công tác quản lý.
Theo TS Đặng Văn Cường, hiện nay có nhiều trung tâm bồi dưỡng văn hóa, công ty giáo dục được thành lập, nhóm này theo quy định của pháp luật đã có chứng chỉ hành nghề, đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, trình độ, năng lực của giáo viên, cán bộ quản lý... Bên cạnh đó, hoạt động dạy thêm còn tồn tại dưới mô hình các lớp học. Với nhóm này cần quy định cụ thể về chương trình học, điều kiện giáo viên được đứng lớp như trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp. Với những giáo viên hoạt động trong khu vực công, đang là viên chức còn cần thêm một số điều kiện khác.
Còn theo PGS.TS Trần Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, bản chất của việc dạy thêm, học thêm không xấu, phụ huynh, giáo viên có nhu cầu bồi dưỡng thêm kiến thức, kỹ năng sống... trong khi đó đời sống giáo viên hiện nay còn nhiều khó khăn, bản thân họ cũng cần có cơ hội làm thêm chính đáng.
Tuy nhiên, cũng cần triệt để, nghiêm cấm tình trạng giáo viên dạy "nửa vời" trên lớp, để dành kiến thức cho các buổi dạy thêm kiếm tiền.
Ủng hộ đề xuất quy định dạy thêm là nghề kinh doanh có điều kiện, song theo nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, giáo dục là lĩnh vực đặc biệt, cần có những quy định rất rõ ràng như giáo viên được dạy những nội dung gì, điều kiện giảng dạy ra sao, học phí... Những cơ sở, lớp học đáp ứng đủ các điều kiện mới được cấp phép giảng dạy, khi đó việc xử lý những vi phạm sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Tác giả: Nguyễn Trang
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy