Dòng sự kiện:
ĐB Phạm Xuân Thăng: Đề nghị ban hành chính sách cho cán bộ dôi dư sau sáp nhập
31/05/2019 10:21:40
ĐB Phạm Xuân Thăng cho rằng, chúng ta còn thiếu cơ chế chính sách cho đội ngũ dôi dư. Ông đề nghị Chính phủ, Quốc hội đẩy nhanh quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này.

Sáng nay (31/5), Quốc hội tiếp tục thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019.

Thảo luận về vấn đề sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ trong cải cách hành chính, từ đó đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Đầu mối bên trong các cơ quan giảm, một số địa phương đã mạnh dạn hợp nhất một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, ở cấp huyện cũng đã sắp xếp một số đơn vị có chức năng tương đồng, đồng thời bố trí kiêm nhiệm nhiều chức danh.

Những kết quả đó đã giúp tinh giản biên chế, giảm nhiều đầu mối tổ chức và đội ngũ lãnh đạo, đồng thời, giảm chi ngân sách cho bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy. Nhấn mạnh đây là chủ trương đúng, là sự đòi hỏi cấp thiết từ khách quan, đại biểu tỉnh Hải Dương cho rằng cần phải đẩy mạnh. Ông cũng điểm một số khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương)

Trước hết, ông Thăng cho rằng đây là vấn đề vừa lớn, vừa khó khăn, phức tạp và nhạy cảm vì liên quan trực tiếp đến đời sống, tâm tư tình cảm của cán bộ. Trong khi đó, chúng ta còn thiếu cơ chế chính sách cho đội ngũ dôi dư. Ông đề nghị Chính phủ, Quốc hội đẩy nhanh quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này. Đặc biệt, cần tạo sự thống nhất cao về cách thức trong sáp nhập bộ máy, không sáp nhập bằng mọi cách mà phải tính và cân nhắc đến nhiều yếu tố. Mục tiêu sau sáp nhập bộ máy phải hoạt động hiệu quả hơn, đảm bảo sự ổn định.

“Sáp nhập không đơn giản chỉ là tinh giản biên chế, giảm cấp lãnh đạo mà quan trọng hơn là nâng cao trách nhiệm, kỷ cương công vụ và trình độ cán bộ”, ông Thăng nói và lưu ý việc tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ và nhân dân.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) khẳng định cần có giải pháp cụ thể để xử lý mối quan hệ sau sáp nhập là chủ trương đúng, hợp lý và cần thiết nhằm giảm đầu mối, tinh giảm biên chế kể cả chuyên trách và không chuyên trách.

Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của Chính phủ trong khi còn nhiều vướng mắc nảy sinh như việc kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị, vấn đề sắp xếp lại cán bộ trong đội ngũ công chức và cán bộ không chuyên trách của tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các hội đoàn thể, việc xử lý cán bộ dôi dư và chế độ chính sách đối với họ.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề liên quan đến quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, giấy tờ công dân và các nguồn lực khác để giải quyết các vấn đề phát sinh khi sáp nhập lại các đơn vị hành chính, nhất là nguồn lực tài chính và giải quyết chính sách đối với cán bộ.

Đặc biệt, đại biểu cho rằng cần có giải pháp cụ thể để xử lý mối quan hệ sau sáp nhập khi các đơn vị được sáp nhập có những điều khác biệt. Ví dụ như khi sáp nhập 3 xã hợp nhất thành 1 xã. Đại biểu nêu giả thiết, khi hợp nhất 3 xã thành 1, trong đó có 1 xã nông thôn mới, 1 xã trung bình, 1 xã đang hưởng chính sách 135 thì thực hiện chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ và người dân nơi đây như thế nào.

Theo ông, điều này đang rất cần phải có văn bản hướng dẫn và quy định thống nhất cho các địa phương trong cả nước. Nếu không giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, dễ tạo bức xúc, thậm chí thành điểm nóng.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể giải quyết những vướng mắc nói trên, mặt khác cần có văn bản hướng dẫn việc sắp xếp các sở, ngành, phòng, ban ở cấp tỉnh, cấp huyện để các địa phương sớm thực hiện.

Tại phiên thảo luận ngày 30/5, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân cũng đã giải trình làm rõ các nội dung về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Theo Bộ trưởng, những nơi đã rõ, thuận lợi thì làm trước, không phải sắp xếp bằng mọi giá các đơn vị hành chính mà không đảm bảo các yếu tố thuận lợi và gây xáo trộn lớn, làm mất ổn định về chính trị - xã hội.

Trong giai đoạn 2019-2021, đặc biệt năm 2019 là năm vừa rà soát các quy định pháp luật có liên quan vừa thực hiện cơ bản việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã chưa đạt 50% cả 2 tiêu chí về quy mô dân số và diện tích tự nhiên, ngoài ra cũng khuyến khích các địa phương tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính khác chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Về lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, sẽ thực hiện trong giai đoạn 2019- 2021. Tuy nhiên, để sớm ổn định cho các đơn vị cấp huyện, xã tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ và các bộ ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch sắp xếp phải cơ bản hoàn thành trong năm 2019.

Theo người đứng đầu Bộ Nội vụ, đợt này sắp xếp 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% cả 2 tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Ly Na (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến