Dòng sự kiện:
ĐBQH đau lòng khi gợi nhắc về những vụ bạo hành trẻ em
22/05/2022 09:47:30
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đã có những trăn trở với Người Đưa Tin về dự án luật mà bà sẽ cho ý kiến đóng góp tại kỳ họp thứ 3 tới đây.

NĐT: Thưa Đại biểu, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tới đây sẽ xem xét thông qua 5 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật, đại biểu đặc biệt quan tâm đến dự án luật nào?

ĐBQH Việt Nga: Trong số các dự án luật được xem xét trong kỳ họp thứ 3 sắp tới thì tôi đặc biệt quan tâm đến Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

NĐT: Lý do mà đại biểu quan tâm đến Luật này đó là gì?

ĐBQH Việt Nga: Qua hơn 10 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, trong quá trình thi hành luật các cấp, các ngành đã nỗ lực để giảm thiểu vấn đề bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo hành phụ nữ và trẻ em.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn, nhất là trong thời gian gần đây các vụ bạo hành trẻ em diễn ra liên tiếp, đối tượng bạo hành trẻ em chủ yếu là những người thân thiết với các em, đây là một dạng cực kỳ nguy hiểm của bạo lực gia đình.

Bởi, trẻ em là một đối tượng yếu thế, không có năng lực chống trả và tự vệ. Vì thế, gây nên nhiều bức xúc trong xã hội và gây ra nhiều hệ lụy.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga quan tâm đến đối tượng yếu thế là trẻ em bị bạo hành gia đình.

NĐT: Như đại biểu nêu, thời gian gần đây trẻ em là đối tượng bị bạo hành do chính người thân của các em gây ra. Vậy, đâu là nguyên nhân khiến cho việc bạo hành, bạo lực gia đình chưa được cải thiện?

ĐBQH Việt Nga: Nguyên nhân khiến cho bạo lực gia đình chưa thuyên giảm, mặc dù chúng ta rất nỗ lực là do các quy định của luật còn bất cập. Đặc biệt là các quy định về hành vi bạo hành, các giải pháp để giảm thiểu bạo hành vẫn còn nhiều hạn chế.

Tôi lấy ví dụ quy định về các hành vi bạo hành vẫn còn chưa quy định, chưa bao quát hết được các hình thức bạo hành, như mới chỉ liệt kê được một số hình thức bạo hành, còn những hình thức khác như bạo lực về tinh thần chưa thực sự được quan tâm.

Bên cạnh đó, các yêu cầu để xử lý những người gây ra bạo hành còn quy định rất vô lý, khiến cho việc triển khai luật còn vướng mắc nhiều.

NĐT: Bà có cho rằng chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe?

ĐBQH Việt Nga: Đối với Luật phòng chống bạo lực gia đình tôi thấy có một số vấn đề:

Thứ nhất, với luật hiện hành, đang quan tâm nhiều hơn đến chống bạo lực gia đình mà chưa quan tâm đúng mức đến việc phòng, bởi, công tác phòng ngừa bao giờ cũng quan trọng nhất. Công tác phòng ngừa làm tốt thì sẽ nhẹ hơn trong việc chống. Trong luật sửa đổi cần quan tâm, rà soát để làm tốt hơn việc phòng bạo lực gia đình.

Biện pháp để phòng ngừa có rất nhiều biện pháp khác nhau, có những cái không quy định được trong dự án luật vì quá chi tiết thì phải quy định ở các văn bản dưới luật.

Nhưng, rõ ràng việc vội vã kết hôn, vội vã ly hôn, gia đình ly tán ảnh hưởng rất nhiều đến việc trẻ em trong gia đình sẽ không có được một gia đình hạnh phúc, dễ trở thành đối tượng bị bạo hành.

Có thể thấy, nhiều vụ bạo hành trẻ em man rợ xảy ra gần đây, thậm chí có những cái chết rất thương tâm đều ở trong hoàn cảnh các cháu có gia đình không được toàn vẹn (bố đi lấy vợ mới, mẹ đi ở với người khác con đi theo…).

Sự việc em Nguyễn Thái V.A. (8 tuổi) ở Tp.HCM bị “dì ghẻ” và cha ruột bạo hành tử vong khiến dư luận phẫn nộ, đau xót.

Một trong những biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình đó là cần phải giáo dục tiền hôn nhân kỹ lưỡng và nhiều giải pháp khác nhau…

Nếu những bậc làm cha làm mẹ thận trọng hơn trong việc quyết định kết hôn, ly hôn thì tôi nghĩ đã bớt được một mối nguy lớn.

Thứ hai, trong luật hiện hành, chưa thực sự chú trọng đến đối tượng trẻ em, cho nên các giải pháp đưa ra đều không tính đến đối tượng bị bạo hành là trẻ em nên toàn là giải pháp cho người lớn.

Ví dụ: Cần phải viết đơn trình báo, đề nghị, có lời khai, yêu cầu người bị bạo hành tạm lánh khỏi nhà… những điều này phù hợp với đối tượng người lớn chứ không phải trẻ em. Thậm chí, các em còn rất nhỏ không thể viết đơn trình báo được, đặc biệt đối tượng bạo hành là bố mẹ thì các em càng không có cơ hội tố cáo…

Tôi rất muốn sửa đổi luật lần này, nên rà soát kỹ hơn đến đối tượng là trẻ em và có các biện pháp để sàng lọc sớm bạo hành trẻ em từ các cơ sở y tế xã, phường. (Bởi, nhiều vụ bạo hành thời gian qua là do trẻ nhập viện có những biểu hiện bất thường và được các y, bác sĩ phát hiện, báo cơ quan chức năng).

NĐT: Tại kỳ họp thứ 3 sắp diễn ra tới đây, đại biểu mong muốn điều gì đối với dự án luật mà mình đang rất quan tâm?

ĐBQH Việt Nga: Tôi hy vọng, khi xem xét Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3 thì phải xem xét một cách toàn diện, phải đưa ra được những giải pháp để khắc phục bất cập của luật hiện hành. Một xã hội văn minh là một xã hội phải giảm thiểu được tối đa vấn đề về bạo lực gia đình.

NĐT: Xin cảm ơn đại biểu.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 5 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết gồm: Luật cảnh sát cơ động; Luật điện ảnh (sửa đổi); Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ.

Các nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Quốc hội cho ý kiến 6 dự án luật gồm: Luật dầu khí (sửa đổi); Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật thanh tra (sửa đổi); Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tần số vô tuyến điện; Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Tác giả: Hoàng Thị Bích

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến