Dòng sự kiện:
ĐBQH: Đường sắt lạc hậu, ý thức con người vẫn còn rất lạc hậu...
28/05/2018 20:40:17
Bên hành lang Quốc hội sáng 28/8, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có những trao đổi liên quan đến vấn đề tai nạn giao thông đường sắt thời gian gần đây.

Nói về nguyên nhân xảy ra liên tục các vụ tai nạn đường sắt, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đưa ra 3 nguyên nhân. 

Một là, hệ thống quy định đảm bảo vận hành đường sắt của chúng ta chưa hoàn thiện. Đây là vấn đề hàng đầu phải hoàn thiện ngay. Cái này có nguyên nhân là chúng ta duy trì quá lâu các quy định cũ từ thời bao cấp đến giờ. Nó chậm đổi mới.

“Từ máy tàu, đoàn tàu, hệ thống đường sắt vẫn đang vận hành ở thời kỳ mông muội. So sánh với hệ thống đường sắt thế giới thì thấy đây là hệ thống đường sắt lạc hậu bậc nhất trong khi nền kinh tế của chúng ta phát triển vài chục năm nay”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Ảnh Vietnamnet)

Hai là hạ tầng cơ sở kỹ thuật đường sắt chúng ta quá thấp kém từ các đoàn tàu, máy tàu cho đến hệ thống đường sắt hiện nay vẫn vận hành từ thời kỳ mông muội. Có thể nói khi so sánh với hệ thống đường sắt trên thế giới thì đây là hệ thống lạc hậu bậc nhất. Trong khi nền kinh tế xã hội chúng ta đã phát triển mấy chục năm nay mà hệ thống hạ tầng còn rất thấp kém.

Ba là ý thức tuân thủ của cán bộ cũng như người dân trong quá trình vận hành, tham gia giao thông rất thấp. Ngay ở xung quanh thủ đô Hà Nội, nơi có tuyến đường sắt hết sức nham nhở, hệ thống kiến trúc lộn xộn, việc đi lại, tham gia giao thông của nhiều cá nhân liên quan các đường ngang đường sắt nhiều vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nhưỡng, các nguyên nhân vẫn phải do cơ quan có thẩm quyền xem xét. 

Ngoài ra, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa quan điểm, củng cố hệ thống đường sắt là phải củng cố từ thể chế cho đến hạ tầng kỹ thuật công nghệ và ý thức tuân thủ pháp luật, thậm chí cả vấn đề đạo đức xã hội.

Nói về trách nhiệm của Bộ trưởng GTVT, đại biểu Nhưỡng khẳng định đây là trách nhiệm của trưởng ngành. 

"Bộ trưởng cần thiết phải lên tiếng, phải vào cuộc ngay lập tức. Đây chính là vấn đề có tính chất nhạy cảm về mặt chính trị xã hội. Ngoài việc động viên thăm hỏi thì phải xem xét, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền báo cáo.

Tôi biết Bộ trưởng đã có chỉ đạo rồi, tuy nhiên cần phải công bố những vấn đề này cho báo chí, cho người dân biết để cùng tham gia. Việc xây dựng hệ thống giao thông an toàn của đất nước chúng ta là nhiệm vụ chung chứ không phải vấn đề bí mật của ngành đường sắt hay là của Bộ GTVT."

Để hạn chế những vụ tai nạn đường sắt thương tâm, đại biểu Nhưỡng cho rằng, trong quá trình rút kinh nghiệm này, ngành đường sắt nói riêng, Bộ GTVT nói chung phải chủ trì, phối hợp với các bộ ngành để nghiên cứu đề án khả thi báo cáo Chính phủ về việc củng cố giao thông đường sắt. Phải làm thế nào đó nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, nâng cao quy định, ý thức công dân.

Tường Vy (T/H)


 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến