Dòng sự kiện:
ĐBQH: Ngành Y phải ổn định hơn nữa về tinh thần, thái độ, tư tưởng
11/02/2024 07:18:44
ĐBQH Nguyễn Anh Trí kỳ vọng năm 2024, toàn ngành, cử tri, nhân dân sẽ đồng hành cùng ngành y tế vượt qua những thách thức hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Kỳ vọng vào sự thay đổi về y đức của cán bộ ngành y

Những hệ quả từ năm 2022 – khi đại dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành khá nặng nề, chưa chấm dứt, cùng với đó sự đứt gãy về thuốc men, trang thiết bị hay loạt cán bộ ngành y dính vào lao lý dẫn đến năm 2023 phải gánh chịu.

Bước sang năm 2023, ngành y tế tiếp quản những khó khăn đó. Song, trong công tác tổ chức có một sự thay đổi rất lớn, mang tính quyết định của toàn ngành đó là thay đổi cán bộ từ Thứ trưởng lên đến Bộ trưởng, thậm chí điều động một Bí thư Tỉnh ủy về làm Bộ trưởng- điều chưa từng có tiền lệ.

“Đặc biệt, Luật Khám bệnh chữa bệnh (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV ngày 9/1/2023, cho thấy Quốc hội thấu hiểu về sự cần thiết ban hành Luật này. Đồng thời cũng kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân”, ông Trí nói.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí.

Năm 2024, ông Trí cho rằng ngành y vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, cán bộ được bổ nhiệm nhưng vẫn chưa dám làm, vì có nhiều lý do như: Chưa quen việc, chưa quen với quy định mới của Luật, chưa quen cơ chế.

“Điều này đặt trong bối cảnh chung là nhiều lĩnh vực, bộ ngành khác cũng tương tự, chờ đợi, nghe ngóng… Vấn đề cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm cũng đã được nhiều ĐBQH lên tiếng tại Nghị trường Quốc hội vừa qua”, ông Trí đánh giá.


Bên cạnh đó, vị đại biểu cho rằng, tình trạng thiếu thuốc men, sinh phẩm y tế vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để; lòng tin của người bệnh đối với ngành y tế vẫn chưa được như trước đây.

Đặc biệt, khó khăn lớn nhất vẫn là tiếp tục ổn định tổ chức, ổn định tâm tư tình cảm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tìm kiếm được những cán bộ “7 dám: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”.

“Ngành Y tế phải tiếp tục ổn định hơn nữa về tinh thần, thái độ, tư tưởng, bình tĩnh và quyết tâm và phải thấy được Đảng và Nhà nước bên cạnh xử lý những sai sót thì đã tạo điều kiện hết sức”, ông Trí nói.

Bên cạnh đó, ông Trí kỳ vọng vào sự thay đổi về y đức của cán bộ y tế, thay đổi tốt hơn nữa để lấy lại tình cảm của người bệnh, của nhân dân.

“Nhân dân, cử tri, bệnh nhân chia sẻ, đồng hành cùng với ngành y tế để tháo gỡ khó khăn. Các cán bộ lãnh đạo các cấp chính quyền phải đồng hành, vào cuộc cùng ngành y tế”, ông mong muốn.

Đặc biệt, ông Trí cũng kỳ vọng vào sự lãnh đạo của Bộ Y tế, bên cạnh những việc đã làm tốt nhưng làm sao tận dụng được hết sức mạnh của đội ngũ các chuyên gia ngành y, những người có kinh nghiệm, đây là điều rất quan trọng. Bởi, ngành Y là ngành đặc thù.

“Tôi rất tin tưởng ngành Y năm 2024 sẽ ngày càng phát triển, tiếp tục giải quyết những khó khăn, bất cập của ngành Y. Đồng thời, nâng cao công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân”, ông Trí nhấn mạnh.

Năm 2024 sẽ không thiếu vắc-xin

Để giải quyết căn cơ, lâu dài thực trạng “cạn kiệt” vắc-xin tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó cho phép bố trí ngân sách Trung ương để đảm bảo kinh phí mua vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo đó, dự kiến hoàn thành trong tháng 1/2024.

Theo ông Dương Đức Thiện-Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), về mua sắm theo hình thức đặt hàng, với kinh nghiệm trong 2 năm 2022 và 2023, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để xây dựng lại toàn bộ khung kỹ thuật cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Bộ Y tế khẳng định, năm 2024 sẽ không thiếu vắc-xin.

Theo đó, tính đúng, tính đủ giá vắc-xin. Trong năm 2024 có thể sớm đặt hàng được vắc-xinvà đáp ứng ngay nhu cầu tiêm chủng mở rộng.

Ông Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết, trước yêu cầu thực tiễn, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định số 104 theo hướng bố trí kinh phí của Trung ương để mua vắc-xin.

“Việc sửa đổi Nghị định 104 đang được thực hiện nhanh nhất và đang được thẩm định qua Bộ Tư pháp. Đồng thời, thực hiện mua 10 vắc-xin sản xuất trong nước, trong đó đã thực hiện bước cuối cùng là xác định giá tối đa với Bộ Tài chính. Sau đó, Bộ Y tế sẽ ban hành giá và ký hợp đồng. Tất cả các công ty đã sẵn sàng cung ứng, vắc-xin đã sẵn sàng… Như vậy, khi có sự đồng bộ về cơ sở pháp lý, đồng bộ về tài chính thì từ năm 2024 trở đi sẽ không còn tình trạng thiếu vắc-xin”, ông Đức nóii.

Tác giả: Hoàng Thị Bích

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến