Dòng sự kiện:
ĐBQH tranh luận với ý kiến 'án tử hình không còn cần thiết'
27/05/2025 13:00:44
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) đề nghị khi xây dựng luật hình sự, cần có sự cân bằng giữa việc bảo vệ quyền lợi của phạm nhân và nạn nhân.

Theo ông Nghĩa, "án tử hình không còn cần thiết" là lập luận chưa hoàn toàn chính xác.

Luật bảo vệ ai và ưu tiên bảo vệ ai?

Sáng 27/5, góp ý thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) cho biết, có ý kiến cho rằng, nhiều trường hợp pháp luật quy định hình phạt tử hình nhưng trên thực tế lại không được áp dụng, từ đó cho rằng "án tử hình không còn cần thiết". Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng cách lập luận đó chưa hoàn toàn chính xác.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP.HCM). Ảnh: Media Quốc hội

"Vì sao không nghĩ rằng chính sự tồn tại của án tử hình đã tạo ra tác dụng răn đe mạnh mẽ, khiến các đối tượng phạm tội hành động dưới mức dẫn đến tử hình và do đó tòa không tuyên án tử hình. Tại sao chúng ta không nghĩ theo chiều đó?", ông Nghĩa nêu câu hỏi và nhấn mạnh, việc giữ lại hình phạt tử hình, trong nhiều trường hợp, chính là để đảm bảo hiệu lực răn đe, từ đó góp phần phòng ngừa tội phạm. Đây là một điều cần cân nhắc kỹ. 

Đại biểu đoàn TP.HCM cũng đề nghị khi xây dựng luật hình sự, cần có sự cân bằng giữa việc bảo vệ quyền lợi của phạm nhân và nạn nhân.

"Trong một số trường hợp, nạn nhân chỉ là một hoặc vài cá nhân; nhưng cũng có những trường hợp nạn nhân là hàng vạn, hàng triệu người, trong đó có trẻ em, người già, người bệnh và nhiều nhóm yếu thế khác.

Rất nhiều người trong xã hội, đặc biệt là người yếu thế, không có điều kiện để tự bảo vệ mình. Họ đặt niềm tin vào pháp luật và vào Nhà nước. Do đó, khi thiết kế luật pháp, nhất là luật hình sự, chúng ta phải trả lời rõ ràng câu hỏi: Chúng ta bảo vệ ai? Và ưu tiên bảo vệ ai? Đây là cách tiếp cận mà tôi cho là hợp lý và nên được xem xét", ông Nghĩa bày tỏ quan điểm.

Giải trình từ Chính phủ

Giải trình ý kiến các ĐBQH nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, tại phiên thảo luận tổ ngày 20/5 đã ghi nhận 109 ý kiến phát biểu. Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 27/5, đã có 21 lượt phát biểu của 20 đại biểu Quốc hội liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Đa số các đại biểu cơ bản đồng tình với nội dung do Chính phủ trình, đồng thời tập trung góp ý kiến sâu vào những vấn đề trọng tâm. Bên cạnh đó cũng có những ý kiến không hoàn toàn đồng thuận với một số đề xuất cụ thể, trong đó có đề xuất bỏ án tử hình đối với một số tội danh.

Phó Thủ tướng cho biết, dự thảo cố gắng căn chỉnh các quy định trong Bộ luật để phù hợp với thực tiễn, luật pháp quốc tế và yêu cầu quản lý. Một yếu tố quan trọng khác là sự tham gia góp ý và thực tiễn áp dụng từ các cơ quan tố tụng như Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, giúp đưa ra các đề xuất sát thực tiễn.

Cụ thể, với đề xuất bỏ án tử hình với 8 tội danh, Phó Thủ tướng cho biết, theo tổng hợp đến năm 2024, 142/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã bỏ án tử hình trên phương diện luật định hoặc thực tiễn (tức là luật vẫn có nhưng không áp dụng).

"Nếu Quốc hội thông qua việc bỏ 8 tội danh nữa, thì số tội còn lại có mức hình phạt tử hình sẽ giảm từ 18 xuống còn 10. So với con số 44 tội có án tử hình trong Bộ luật Hình sự năm 1985, rồi 29 tội trong luật năm 1999, và 18 tội sau sửa đổi năm 2015 (bổ sung 2017) thì đây là một bước tiến dài, thể hiện sự thay đổi căn bản trong quan điểm chính sách hình sự của nước ta, đặc biệt là với hình phạt nghiêm khắc nhất: tước quyền sống của con người", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long giải trình ý kiến các đại biểu nêu. Ảnh: Media Quốc hội

Về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, trong quá trình soạn thảo, cơ quan chuyên môn đã thảo luận rất kỹ. Trường hợp nếu vận chuyển phục vụ trực tiếp cho buôn bán hoặc sản xuất ma túy, thì vẫn có thể xử lý theo hai tội danh còn giữ hình phạt tử hình là "mua bán" và "sản xuất". Tức là vẫn bảo đảm xử lý nghiêm các trường hợp nghiêm trọng, có tổ chức.

Về việc tái hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, dự thảo cũng đã cân nhắc tới việc phân loại rạch ròi. Việc tái hình sự hóa chỉ áp dụng cho những trường hợp người đang cai nghiện hoặc đã cai nhưng tái nghiện, thất bại chứ không áp dụng một cách tràn lan, không có phân loại.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ, cụ thể, kèm theo các số liệu, lập luận, dẫn chứng rõ ràng, để trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ 10.

Đồng thời, Chính phủ cũng đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

 Tác giả: Lê Hoàng

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến