Trong khi quốc gia đi đầu của loại hình kinh doanh này thì đang vật lộn với những hậu quả xấu mà nó để lại cho nền kinh tế sau 10 năm phát triển “vô pháp”.
Từ FinTech đến các loại cho vay trực tuyến
FinTech (Financial Technology) xuất hiện lần đầu khoảng đầu năm 2013 (có tài liệu nói 2014). Thuật ngữ này mô tả sự đổi mới trong dịch vụ tài chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn.
Khoảng 10 năm trước khi FinTech ra đời, thuật ngữ “Internet Finance” đã được sử dụng ở Trung Quốc. Một số nhà nghiên cứu cho rằng FinTech có gốc từ Trung Quốc do nhu cầu phục vụ đông đảo cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa - những người bị bỏ rơi khi hệ thống tài chính truyền thống vốn chủ yếu phục vụ cho doanh nghiệp nhà nước. Đó cũng là lý do khu vực ngân hàng/tài chính phi chính thức (shadow banking) nước này có quy mô rất lớn và tại sao cho vay ngang hàng bùng nổ khủng khiếp trong 15 năm qua.
Mặc dù các ngân hàng và tổ chức tín dụng truyền thống liên tục đầu tư lớn vào áp dụng công nghệ, nhưng FinTech thường dùng để mô tả các ý tưởng xuất hiện bên ngoài khu vực đó. Các dịch vụ FinTech thường mang đến giải pháp thay thế, kiểu như Uber/Grab là một lựa chọn thay thế cho taxi truyền thống vậy.
Một trong những giải thay thế trong lĩnh vực FinTech chính là cho vay trực tuyến (online lending). Người muốn vay giờ đây có thể không cần đến ngân hàng nữa, mà chỉ cần ngồi nhà với máy tính nối Internet là có thể vay được.
Nhiều người lầm tưởng cho vay trực tuyến và cho vay ngang hàng là một. Thực ra cho vay trực tuyến có nhiều loại/mô hình, trong đó có cho vay ngang hàng (P2P lending/ Marketplace lending). Đặc điểm của mô hình này là công ty công nghệ cung cấp các dịch vụ cho vay trực tuyến (công ty FinTech) không huy động vốn mà chỉ làm cầu nối cho nhà đầu tư và người vay giao dịch với nhau và thu phí.
Ngoài ra, có một loại công ty FinTech khác được huy động vốn rồi cho vay lại (Online balance sheet lender). Loại này gần giống với các trung gian tài chính truyền thống ứng dụng công nghệ hiện đại để cải tiến hoạt động cho vay.
Trong thời gian đầu thử nghiệm quy chế pháp lý mới, Việt Nam nên tập trung vào duy nhất cho vay ngang hàng vì có vẻ loại này phổ biến, được báo chí nói đến nhiều nhất.
Cho vay ngang hàng là dịch vụ gì?
Một trong những cái khó cho nhà quản lý Việt Nam là không biết xếp cho vay ngang hàng vào loại dịch vụ gì trong khung pháp lý hiện có. Chính vì thế mà rất nhiều công ty đang hoạt động đăng ký kinh doanh với dịch vụ tư vấn tài chính, đầu tư..., vốn không phản ánh đúng bản chất cho vay ngang hàng.
Trước hết hãy xem Trung Quốc quy định như thế nào. Nếu như khoản vay trực tuyến đầu tiên do zopa.com thực hiện ở Anh năm 2005 thì chỉ một năm sau creditease.cn xuất hiện ở Trung Quốc. Cho vay trực tuyến từ đó bắt đầu phát triển theo cấp số nhân trong tình trạng... “vô pháp”. Đúng 10 năm sau, ngày 17-8-2016 một khung pháp lý tạm thời mới được ban hành lần đầu tiên với tên gọi “Những biện pháp tạm thời về quản lý hoạt động kinh doanh cho vay ngang hàng” (Interim Measures on Administration of the Business Activities of Peer-to-Peer Lending Information Intermediaries).
Theo điều 2 của văn bản trên thì vai trò của công ty FinTech bị giới hạn chỉ là một trung gian cung cấp dịch vụ thông tin tài chính chuyên về cho vay ngang hàng (Peer-to-Peer Lending Information Intermediaries) như tìm kiếm, phát hành, trao đổi thông tin, xếp hạng tín dụng và khớp nối giao dịch. Nói cách khác, công ty FinTech không thể hoạt động như một trung gian tài chính truyền thống.
Chính vì thế nên việc đăng ký thành lập công ty cho vay ngang hàng tương đối dễ dàng. Việc đăng ký và lấy giấy phép không bao gồm yêu cầu vốn tối thiểu, vốn dự trữ, năng lực của ban giám đốc hay mức độ tuân thủ... Điều đó cho thấy cách tiếp cận “nhẹ nhàng” của chính quyền đối với ứng dụng FinTech này. Trung Quốc muốn các lực lượng thị trường sẽ quyết định số phận của những công ty đó.
Khác với Trung Quốc, luật của Úc coi cho vay ngang hàng là dịch vụ tài chính. Do đó công ty FinTech phải lấy giấy phép cung cấp dịch vụ tài chính để được quyền hoạt động. Thêm nữa, nếu hoạt động cho vay ngang hàng có liên quan đến khoản vay tiêu dùng thì công ty FinTech còn cần “giấy phép cấp tín dụng” theo đạo luật bảo vệ người vay tiêu dùng.
Với hai loại giấy phép đó, công ty FinTech gần như bị trói rất chặt vào khuôn khổ pháp lý sẵn có vốn rất hiện đại của Úc. Lấy ví dụ, luật yêu cầu các công ty có giấy phép cấp tín dụng phải tuân thủ quy định “cho vay có trách nhiệm”. Quy định này yêu cầu hai bước: (1) Thực hiện việc đánh giá và xác minh một cách hợp lý tình hình tài chính cũng như nhu cầu và mục đích vay của người tiêu dùng; (2) Dựa trên kết quả đó, đánh giá xem khoản vay có “phù hợp” với người đó không. Khoản vay bị coi là “không phù hợp” nếu người vay không thể/ rất khó tuân thủ các điều kiện của hợp đồng (ví dụ thu nhập không đủ trả gốc và lãi định kỳ) hoặc khoản vay không đáp ứng được yêu cầu hay mục tiêu của người vay.
Quản lý (dòng) tiền cho vay ngang hàng
Trước khi ban hành “Những biện pháp tạm thời”, các công ty cho vay ngang hàng ở Trung Quốc quản lý toàn bộ tiền cho vay/thu nợ của khách hàng (nhà đầu tư và người vay) như tiền của chính họ. Điều đó đã dẫn đến những vụ bê bối lớn khi các ông chủ ẵm trọn số tiền đó rồi bỏ trốn, gây thiệt hại nặng nề và trước tiên cho nhà đầu tư.
Vì thế Trung Quốc nay quy định công ty cho vay ngang hàng phải tách bạch tài khoản dùng cho giao dịch cho vay ngang hàng với tài khoản của chính công ty mình. Những tài khoản đó phải được mở tại một ngân hàng độc lập và ngân hàng này thực hiện dịch vụ quản lý tiền cho nhà đầu tư và người vay. Công ty cho vay ngang hàng phải ký hợp đồng với từng nhà đầu tư, từng người vay và với ngân hàng để quản lý tiền hiệu quả và tránh rủi ro.
Giới hạn số tiền giao dịch và những hành vi bị cấm
Cho vay ngang hàng được coi là có độ rủi ro tín dụng rất cao. Một cách để hạn chế rủi ro là quy định giới hạn số tiền vay. Trung Quốc đặt giới hạn số tiền được vay của một cá nhân tại một công ty cho vay ngang hàng là 200.000 nhân dân tệ (29.770 đô la Mỹ) và tổng số tiền vay tại nhiều công ty là 1 triệu nhân dân tệ. Mức áp dụng cho người vay là công ty tương ứng là 1 triệu và 5 triệu nhân dân tệ.
Trung Quốc không quy định giới hạn số tiền cho vay của một nhà đầu tư. Tuy nhiên Việt Nam có thể nên quy định giới hạn này (ít nhất cho nhà đầu tư cá nhân) trong thời gian thí điểm vì trong “cuộc chơi” cho vay ngang hàng, người phải gánh rủi ro cuối cùng chính là nhà đầu tư.
Để hạn chế rủi ro, Trung Quốc cấm công ty cho vay ngang hàng thực hiện 13 hành vi, trong đó có: i) nhận tiền gửi; ii) chứng khoán hóa tài sản; iii) bảo đảm hoàn trả tiền gốc và lãi cho nhà đầu tư; iv) bán dịch vụ quản lý tài sản; v) tham gia vào kế hoạch Ponzi (Ponzi scheme - một kiểu lừa đảo, là trò vay tiền của người đến sau để trả cho người đến trước). Hầu hết những hành vi bị cấm này phản ánh quan điểm coi công ty FinTech chỉ là đại lý cung cấp thông tin và tách bạch chúng với các định chế tài chính truyền thống.
Minh bạch, công bố thông tin và giải trình
Công bố thông tin từ lâu luôn được coi là quan trọng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Thông tin đầy đủ và rõ ràng sẽ giúp ngăn ngừa gian lận, giảm thiểu khả năng tín dụng đen núp bóng cho vay ngang hàng, giúp thị trường hoạt động hiệu quả hơn. Hơn nữa, nhà đầu tư cần có cơ hội nắm rõ thông tin và hiểu đầy đủ về công ty cho vay ngang hàng trước khi quyết định tham gia. Ngoài ra, cơ quan nhà nước cần được báo cáo đầy đủ để thực hiện chức năng giám sát và quản lý của mình.
Trung Quốc dành hẳn một chương trong “Những biện pháp tạm thời...” để quy định về công bố thông tin. Công ty cho vay ngang hàng phải công bố trên trang web của mình thông tin thích hợp về người vay, các dự án vay vốn, đánh giá mức độ rủi ro... Có ba cơ chế nhằm đảm bảo chất lượng thông tin công bố, bao gồm: i) kiểm toán định kỳ; ii) cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra/đánh giá; iii) người quản lý của công ty cho vay ngang hàng thực hiện nhiệm vụ của mình một cách trung thực và mẫn cán.
Bài học cho Việt Nam
Trung Quốc đã rất thành công với quan điểm “phát triển trước, điều chỉnh sau” nhưng có vẻ họ hơi chậm chân trong việc điều chỉnh cho vay ngang hàng. Mười năm “vô pháp” gây ra không ít hệ lụy. Theo “những biện pháp tạm thời”, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương phải đảm bảo các công ty cho vay ngang hàng hoặc tuân thủ quy định hoặc đóng cửa trong vòng 12 tháng, tức tháng 8-2017.
Tuy nhiên mốc thời gian đã phải giãn ra đến tháng 6-2018 để các công ty có thêm thời gian thực hiện. Có đến hơn 2.000 công ty thấy rất khó tuân thủ quy định mới. Những điều đó cho thấy khung pháp lý của Trung Quốc hiện tại quá chật hẹp so với thực tiễn. Các công ty FinTech đã tự do sáng tạo ra quá nhiều mô hình kinh doanh đa dạng, vượt khỏi tầm nhìn và khả năng kiểm soát của cơ quan quản lý.
Cho vay ngang hàng dù sao cũng chỉ mới có ở ta đôi ba năm nay. Bài học Trung Quốc cho thấy Việt Nam nên nhanh chóng ban hành quy định tạm thời để điều chỉnh hoạt động này. Chúng ta không mong đợi một văn bản luật hoàn chỉnh ngay, mà nên theo hướng ném đá dò đường, vừa làm vừa học. Điều quan trọng là cơ quan chức năng lắng nghe thực tế cuộc sống và phản ứng kịp thời, không để xảy ra tình trạng “thả gà ra rồi đuổi bắt lại” như ở Trung Quốc.
Cần nhấn mạnh FinTech luôn hàm ý tính đổi mới sáng tạo, nên các loại hay mô hình vay trực tuyến cũng liên tục thay đổi không ngừng. Đó là ưu điểm của FinTech nhưng là thách thức thực sự cho nhà quản lý.
Thời báo kinh tế Sài Gòn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy