Tiếp tục “tự động hóa” thu phí không dừng
Theo quy định mới nhất, từ ngày 5/5 tới, tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thực hiện thí điểm áp dụng thu phí không dừng với toàn bộ các trạm thu phí trên toàn tuyến. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên ở nước ta thực hiện nội dung này.
Hệ thống thu phí tự động của VDTC có tỷ lệ khách hàng sử dụng thường xuyên đạt hơn 75%.
Theo dự kiến, bắt đầu từ 0h ngày 5/5, toàn bộ các dịch vụ thu phí khác ngoài ETC như thu phí một dừng (MTC), thu phí bằng thẻ trả trước - Touch and Go (TNG) trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dừng hoạt động.
Thay vào đó, chỉ những phương tiện tham gia giao thông đủ điều kiện thu phí điện tử không dừng như xe phải dán thẻ và đảm bảo số dư trong tài khoản mới được lưu thông qua các trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, trong thời gian qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng phương án tổ chức giao thông, phương án xử lý tình huống trong quá trình thí điểm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ có thu phí không dừng để trình Bộ GTVT xem xét.
Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau khi hoàn thiện thí điểm, các tuyến cao tốc do VEC quản lý sẽ chỉ có thu phí không dừng. Ngoài ra, trong thời gian tới, khi tiến hành sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, đơn vị soạn thảo luật sẽ bổ sung quy định xe chạy trên cao tốc phải dán thẻ thu phí không dừng. Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để “tự động hóa” toàn bộ làn thu phí trên cả nước.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, Tổng cục đã thống kê số lượng phương tiện đã và chưa dán thẻ của từng tỉnh, thành phố.
Theo quy định mới nhất, từ ngày 5/5 tới, tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thực hiện thí điểm áp dụng thu phí không dừng với toàn bộ các trạm thu phí trên toàn tuyến.
Tổng cục cũng đã có văn bản gửi UBND 63 tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GTVT và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động, yêu cầu chủ phương tiện giao thông trên địa bàn thuộc đối tượng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ phải dán thẻ đầu cuối và sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng để lưu thông qua các trạm thu phí.
Đồng thời, các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới dán thẻ đầu cuối khi chủ phương tiện đến đăng kiểm phương tiện.
Thừa nhận để đạt mục tiêu đến tháng 6/2022, tối thiểu 90% phương tiện được dán thẻ và sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng là không dễ dàng, song ông Thắng cũng khẳng định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ nỗ lực phối hợp với các bên để phấn đấu đạt được tỷ lệ theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT.
Mục tiêu 4,5 triệu xe ô tô dán thẻ thu phí tự động có khả thi?
Thống kê mới nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, sau 6 năm triển khai dán thẻ ETC cho phương tiện ô tô, hiện cả nước mới có khoảng 2,7 triệu trên tổng số gần 5 triệu phương tiện được dán thẻ thu phí không dừng. Tính riêng trong năm 2022, tới thời điểm này, các nhà cung cấp dịch vụ mới dán thêm thẻ cho khoảng 200.000 xe.
Đánh giá về tình hình dán thẻ ETC cho phương tiện trong thời gian qua, ông Tô Nam Toàn - Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ, môi trường và Hợp tác quốc tế của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tốc độ dán thẻ ETC trong thời gian qua vẫn còn chậm.
Phương tiện đi vào làn thu phí không dừng.
Ngoài tốc độ dán thẻ chậm, tình trạng những phương tiện đã hoàn thành dán thẻ ETC nhưng tỉ lệ nạp tiền vào tài khoản mới chỉ đạt 60%. Đây là vấn đề đáng quan ngại, bởi phương tiện dù đã dán thẻ mà không nạp tiền để sử dụng dịch vụ thì thu phí tự động cũng không phát huy hiệu quả.
Các chuyên gia cho rằng, vấn đề tốc độ dán thẻ ETC chậm cũng như tỉ lệ nạp tiền vào tài khoản ETC để sử dụng chưa cao đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong thời gian qua, song vẫn chưa thể khắc phục.
Đáng nói, điều này vẫn xảy ra bất chấp việc các cơ quan quản lý và nhà cung cấp dịch vụ đã nỗ lực hoàn thiện hạ tầng, đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ người dùng. Điều này cho thấy “nút thắt” vấn đề nằm ở chỗ khác chứ không hoàn toàn ở câu chuyện chất lượng dịch vụ, hạ tầng hay công tác tuyên truyền.
TS Nguyễn Xuân Thủy – Chuyên gia giao thông cho rằng, rào cản lớn nhất của thu phí không dừng hiện nay chính là sự tồn tại của các dịch vụ thu phí ngoài ETC, mà cụ thể là MTC và TNG.
Theo ông Thủy, muốn đẩy nhanh tiến độ dán thẻ ETC cho các phương tiện, chúng ta phải đảo ngược cách làm hiện nay. Đó là đóng toàn bộ làn thu phí thủ công để các phương tiện không còn lựa chọn nào khác ngoài phải sử dụng làn ETC. Có như vậy chủ phương tiện mới chủ động dán thẻ ETC và nạp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ.
Sẽ tích hợp nhiều tiện ích vào thẻ thu phí không dừng
Sau hơn 1 năm chính thức khai trương và đưa vào vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng, Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC), thành viên Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), đã có hơn 1 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ ePass.
Hệ thống ePass của VDTC giúp làm giảm thời gian xử lý giao dịch giảm 3 lần so với trước đây, từ 0,6 giây xuống 0,2 giây.
Hệ thống ePass của VDTC giúp làm giảm thời gian xử lý giao dịch giảm 3 lần so với trước đây, từ 0,6 giây xuống 0,2 giây. Hệ thống có tỷ lệ nhận dạng biển số xe là 99,8, vượt 8,8% so với KPI của cơ quan quản lý Nhà nước. Tỷ lệ nhận dạng thẻ đầu cuối đạt 98,48%, vượt 0,48% so với KPI của cơ quan quản lý Nhà nước. So với hình thức thu phí một dừng, thời gian vận chuyển của khách hàng qua trạm giảm đến 60 lần, góp phần giảm thiểu ùn tắc trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ.
Ông Bùi Trình, Tổng giám đốc VDTC nhấn mạnh: Viettel xác định tham gia không phải vì mục tiêu kinh doanh mà nhằm thực hiện sứ mệnh đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động được Chính phủ, Quốc hội và nhân dân tin tưởng giao phó. Đó cũng là trách nhiệm của một Tập đoàn trụ cột của quốc gia.
Với hệ sinh thái công nghệ viễn thông không doanh nghiệp nào có được, Viettel đã đưa vào hệ thống thu phí tự động không dừng của VDTC công nghệ hiện đại nhất theo tiêu chuẩn của các quốc gia phát triển trên thế giới. Đó là công nghệ nhận diện hình ảnh quang học (OCR), giúp cho việc đăng ký sử dụng dịch vụ của khách hàng chỉ tốn khoảng 3 phút.
Tương lai, khách hàng ePass không chỉ sử dụng để thanh toán dịch vụ khi tham gia giao thông trên tuyến cao tốc, quốc lộ mà còn có thể sử dụng trong nội đô, di chuyển bằng xe buýt, đường sắt trên cao, sân bay, bến cảng.
Theo ông Trình, hiện nay nhiều nước đã thu phí không còn barie, chỉ sử dụng trạm thu phí ảo, công nghệ của họ vẫn cho xe chạy qua và thu tiền sau. Làm như vậy, chủ phương tiện dù không muốn cũng phải dán thẻ và sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, tại Việt Nam muốn làm được điều này cần hoàn thiện quy định của pháp luật liên quan.
Ông Trình cho biết, sau thành công bước đầu của hệ thống thu phí không dừng, chúng tôi đã nhận khá nhiều nhiệm vụ từ Bộ GTVT trong công cuộc xây dựng thông minh ở Việt Nam. Đường bộ chỉ là bước đầu. Sắp tới là đường thủy, hàng không. Để làm được những việc đó, Tập đoàn chắc chắn sẽ đầu tư nguồn lực cả về con người, cả về vật chất, cả về những công nghệ hiện đại nhất.
Theo kế hoạch của VDTC, trong vòng 2-5 năm tới, ePass sẽ trở thành ứng dụng đa dịch vụ cho người tham gia giao thông. Khách hàng ePass không chỉ sử dụng để thanh toán dịch vụ khi tham gia giao thông trên tuyến cao tốc, quốc lộ mà còn có thể sử dụng trong nội đô, di chuyển bằng xe buýt, đường sắt trên cao, sân bay, bến cảng.
Nhờ đó, chủ phương tiện hoàn toàn nắm được thông tin hành trình một cách chủ động, tức thời, biết rõ tình hình lưu thông, thời tiết, các sự cố bất thường đã/đang xảy ra tại đâu để đưa ra lộ trình phù hợp từ đó dễ dàng trong việc tham gia giao thông dưới nhiều hình thức với thời gian ngắn nhất.
Có thể thấy, càng gần đến mốc thời gian “về đích”, thu phí không dừng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ.Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này không đơn giản. Bởi hiện nay, thu phí không dừng vẫn đang bị mắc kẹt với nhiều “nút thắt”. Trong đó, “nút thắt” lớn nhất là tỉ lệ phương tiện dán thẻ và nạp tiền vào tải khoản ETC vẫn đang thấp hơn kỳ vọng./.
Tác giả: Phi Long
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy