Đồng thời cũng sẽ quản lý chặt chẽ hơn hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính.
Các công ty tài chính (CTTC) được lập nên để phục vụ phân khúc khách hàng không thể tiếp cận được nguồn tín dụng từ ngân hàng, chủ yếu là những người có hiểu biết không sâu về tài chính, có nguồn thu nhập không ổn định và có nhu cầu tài chính cấp bách. Một số chuyên gia và các CTTC đều cho rằng, sự phát triển của các CTTC giúp đẩy lùi tín dụng đen, nhưng thực tế có phải như vậy?
NHNN đã ban hành những quy định cụ thể để quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng
Điều kiện vay ngày càng dễ
Khi vừa ra đời, các CTTC chủ yếu cài nhân viên phục vụ tại các cửa hàng điện thoại, điện máy, xe máy để cung cấp các khoản vay trả góp mua hàng hóa của khách hàng. Thủ tục nhanh chóng và đơn giản hơn rất nhiều lần khi đi vay từ ngân hàng. Chẳng hạn, chỉ cần CMND/bằng lái xe và hộ khẩu, chỉ sau nửa tiếng là khách hàng đã có thể mang món hàng về nhà.
Tuy nhiên, với sự ra đời của ngày càng nhiều CTTC, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn và các CTTC cũng tự cho rằng mình có kinh nghiệm với thị trường, nên phần nào nới lỏng hơn các quy định cho vay với khách hàng.
Cụ thể, nếu trước đây khách hàng cần phải có hộ khẩu cho khoản vay trả góp mua món hàng trên 10 triệu đồng, thì trong khoảng 1 năm trở lại đây, những CTTC lớn như FE Credit và Home Credit chỉ cần khách hàng cung cấp CMND cho các khoản trả góp mua hàng trên 10 triệu đồng.
Tuy nhiên, mảng cho vay trả góp mua hàng điện máy, điện tử mà các CTTC lớn liên tục quảng cáo có sản phẩm lãi suất 0%, thực chất chỉ là công cụ để các công ty này tiếp cận với những khách hàng tốt nhất trong số các khách hàng “dưới chuẩn”, không đáp ứng tiêu chuẩn vay ngân hàng, để mời vay tiền mặt. Mà sản phẩm vay tiền mặt thì làm gì có mức lãi suất 0%, mà dao động khoảng 3% - 5%/tháng, tương đương từ 36% - 60%/năm. Cũng có công ty đưa ra mức lãi suất ưu đãi khi vay tiền mặt khoảng 1%/tháng, nhưng con số này không lớn, chủ yếu cho các khách hàng có “lịch sử tín dụng tốt”, tức đã vay nhiều lần và trả nợ tốt, không trễ tháng nào.
Mảng cho vay tiền mặt nói gì thì nói cũng đang là mảng chủ lực nuôi sống các CTTC. Do vậy, không chỉ cho vay có lãi suất, mà ngày càng phải mở rộng thêm nhiều khách hàng, phát triển thêm các sản phẩm để khách vay tiền thật dễ dàng. Đó chính là khi các CTTC cho ra đời sản phẩm thẻ tín dụng, cấp sẵn một hạn mức với các khách hàng đã vay tiền, để sau này chỉ cần có bất kỳ nhu cầu tài chính nào, họ đều có thể “quẹt” thẻ. Ngược với ngân hàng khi cấp thẻ tín dụng cho khách hàng, cần rất nhiều giấy tờ như hợp đồng lao động, sao kê lương 3 tháng gần nhất, hộ khẩu...; nhiều công ty còn cấp miễn phí thẻ tín dụng, cho nhân viên phát đến tận nhà của khách hàng. Tiền có sẵn trong tay, có ai lại từ chối sử dụng?
Nhưng điều quan trọng là đa số các khách hàng của CTTC là những người có hiểu biết không nhiều về tài chính, chưa từng đi vay các tổ chức tín dụng, mà không tìm hiểu kỹ càng các điều khoản khi vay tiền mặt hoặc quẹt thẻ tín dụng của CTTC. Những người này thường có tâm lý hôm nay đến hạn thì 2-3 ngày nữa trả cũng không có vấn đề gì, mà không biết rằng khoản vay sẽ phát sinh phí phạt.
Siết chặt quản lý
Cho vay dễ dàng, nhưng đòi nợ kiên quyết, thậm chí đến mức “đeo bám” là đặc trưng của không ít CTTC. Mỗi CTTC lớn đều đang nuôi một đội ngũ nhân viên đòi nợ lên đến hàng ngàn người, mỗi ngày phải chia ca đến công ty gọi điện thoại đòi nợ hàng trăm khách hàng đang có khoản nợ trễ hạn hoặc chỉ đơn giản là nhắc nợ với khách hàng.
Các nhân viên này không chỉ có chỉ tiêu về số cuộc gọi mà còn có chỉ tiêu về số nợ thu hồi được từ các khách hàng mình đã gọi. Việc buộc các nhân viên này giữ thái độ lịch thiệp đúng mực với các khách hàng “dưới chuẩn” mà vẫn đảm bảo chỉ tiêu thu hồi nợ là điều không hề dễ dàng. Do vậy, điều mà các CTTC bị phản ánh nhiều nhất chính là việc nhân viên đòi nợ gọi điện cho người vay hàng chục cuộc mỗi ngày, có khi làm phiền đến những người thân, bạn bè của người vay tiền.
Theo TS. Cấn Văn Lực trong một buổi tọa đàm trực tuyến với CafeF, ước tính quy mô của tín dụng phi chính thức ở khoảng 15-20% tổng tín dụng của nền kinh tế. Trong đó, quy mô tín dụng đen chiếm khoảng 30-35% tổng tín dụng phi chính thức, tương đương khoảng 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong khi đó, tín dụng cung cấp bởi các CTTC tiêu dùng vào khoảng 18% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Hiện nay, ngày càng nhiều các CTTC được thành lập, nhưng do thị trường cho vay trả góp mua hàng như điện máy, điện tử, xe máy đã gần như bão hòa, các công ty này đang buộc phải chen chân vào thị trường cho vay tiền mặt. Mặc dù không phủ nhận những mặt tích cực mà các CTTC mang lại, song trên thực tế cũng có không ít những lời than phiền về lãi suất cho vay hay cách đòi nợ của các CTTC.
Cũng chính bởi vậy, mới đây NHNN đã ban hành một Thông tư riêng hướng dẫn về hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC (Thông tư 43/2016/TT-NHNN). Trong đó quy định rõ, cho vay tiêu dùng là việc CTTC cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại CTTC đó không vượt quá 100 triệu đồng. Mức tổng dư nợ quy định tại khoản này không áp dụng đối với cho vay tiêu dùng để mua ôtô và sử dụng ôtô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật.
Về lãi suất vay tiêu dùng, Thông tư quy định rõ, lãi suất cho vay tiêu dùng của CTTC thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. CTTC phải ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.
Thông tư cũng yêu cầu hợp đồng cho vay tiêu dùng phải được lập thành văn bản, trong đó phải ghi rõ số tiền cho vay hoặc hạn mức cho vay đối với trường hợp cho vay theo hạn mức; Mục đích sử dụng vốn vay; Phương thức cho vay; Thời hạn cho vay hoặc thời hạn duy trì hạn mức đối với trường hợp cho vay theo hạn mức; Lãi suất cho vay tiêu dùng theo thỏa thuận và mức lãi suất cho vay tiêu dùng quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; phương pháp tính lãi tiền vay; loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay…
Giới chuyên gia đánh giá việc ban hành quy định hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC là vô cùng cần thiết nhằm tạo ra cơ chế quản lý phù hợp với đặc thù hoạt động của CTTC hơn. Đồng thời cũng sẽ quản lý chặt chẽ hơn hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC.
Theo Thời báo ngân hàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy