Sau 2 ngày xét xử, chiều 5/5, TAND Hà Nội công bố quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành câu kết cán bộ ngân hàng lừa đảo 433 tỷ đồng.
Trong các nội dung đề nghị cơ quan tố tụng làm rõ, cấp sơ thẩm nhận thấy bị cáo Quản Trọng Đức (Phó giám đốc chi nhánh Hà Nội kiêm Trưởng phòng giao dịch Đông Đô của VietABank) có dấu hiệu tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Do đó, HĐXX đề nghị làm rõ ý thức chủ quan của bị cáo Đức xem có đồng phạm với Nguyễn Thị Hà Thành về hành vi lừa đảo hay không.
Nguyễn Thị Hà Thành và Quản Trọng Đức tại phiên xử ngày 5/5. Ảnh: N.H.
Theo cáo trạng, ông Quản Trọng Đức có trách nhiệm quản lý điều hành hoạt động kinh doanh của phòng giao dịch, kiểm soát tính tuân thủ của các hồ sơ tín dụng và nhiều công việc khác. Tuy nhiên, bị cáo đã thiếu trách nhiệm dẫn đến việc Hà Thành và đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt của VietABank hơn 312 tỷ đồng.
Trả lời chủ tọa tại phiên xét hỏi chiều 5/5, bị cáo Đức phủ nhận những lời khai của cấp dưới là Nguyễn Thị Thu Hương (chuyên viên phòng giao dịch Đông Đô) về việc ông Đức biết siêu lừa Hà Thành không có tiền mặt nhưng vẫn ký duyệt các hợp đồng đồng sở hữu với khách hàng khác.
"Hương nói không đúng sự thật", ông Đức trình bày và cho rằng bị cáo không gặp Hà Thành mà chỉ nghe cấp dưới nói rằng Thành là khách hàng cũ của Hương, việc lập các hợp đồng đồng sở hữu là nhằm thỏa mãn nhu cầu của Hà Thành.
Ông Đức cũng khai không bàn bạc với Thu Hương về việc lập hợp đồng đồng sở hữu. Trong các lần ký duyệt, bị cáo Đức đều đề nghị Hương đưa đủ nội dung, giấy tờ vào hợp đồng thì ông Đức mới ký.
"Bị cáo khẳng định đều nhìn đủ nội dung do các bộ phận liên quan xác thực thì bị cáo mới ký. Bị cáo không giúp Thành chiếm đoạt tiền của ngân hàng", phó giám đốc chi nhánh của VietABank nói tại tòa.
Tuy nhiên, ông Quản Trọng Đức thừa nhận bản thân không ngồi tại quầy giao dịch nên không kiểm soát được số tiền thực tế của các hợp đồng tiền gửi. Bị cáo cho rằng đó là một lỗ hổng của việc gửi tiền.
Đề cập cáo trạng của VKSND Hà Nội, ông Đức nói bị cáo đang phân vân về cáo buộc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bởi lẽ bị cáo không hưởng lợi gì từ Hà Thành. Tuy nhiên, chủ tọa cho rằng hành vi của ông Đức trong vụ án này có dấu hiệu lừa đảo. Đó cũng là lý do HĐXX đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ thêm vai trò của ông Đức.
Theo cáo trạng, do làm ăn thua lỗ nên giai đoạn 2016-2018, Nguyễn Thị Hà Thành câu kết với Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho Landmark) sử dụng hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền của các ngân hàng và cá nhân.
Thành và Tùng được xác định lập khống nhiều hợp đồng kinh tế, giả chữ ký của vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn (người gửi tiền ở 3 ngân hàng liên quan vụ án) để làm thủ tục vay vốn tại VietABank, PVcomBank và Ngân hàng NCB.
Quá trình thẩm định hồ sơ, 17 cựu cán bộ của các nhà băng trên đã thiếu trách nhiệm, thậm chí giúp sức cho Nguyễn Thị Hà Thành cùng đồng phạm chiếm đoạt 370 tỷ của 3 ngân hàng và hơn 60 tỷ đồng của một số cá nhân.
Tác giả: Hoàng Lam
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy