Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6. (Ảnh minh họa: Dương Giang/TTXVN)
Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Theo tờ trình này, Chính phủ đề nghị Quốc hội giữ ổn định cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ khóa XV gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ.
Tạo điều kiện cho Chính phủ thực hiện tốt vai trò hiến định của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất
Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 09/2016/QH14 về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Chính phủ nhận định, cơ cấu tổ chức của Chính phủ tiếp tục được tổ chức theo mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với quy mô và phạm vi quản lý từng bước được bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm bao quát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII đề ra, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.
Việc tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực gắn với thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện đã khắc phục cơ bản sự chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ.
Đây chính là cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng nhất để tiếp tục duy trì và kiện toàn mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục được hoàn thiện theo quy định của pháp luật; đối với các lĩnh vực có sự tham gia quản lý của nhiều cơ quan, Chính phủ đã phân công rõ cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề giao thoa và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Cơ cấu tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ đã từng bước được sắp xếp, kiện toàn bước đầu tinh gọn; các tổ chức ngành dọc như thuế, hải quan, kho bạc, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, thống kê, thi hành án dân sự... được tổ chức quản lý theo khu vực liên tỉnh, liên huyện, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực.
“Từ thực tiễn hoạt động trong nhiệm kỳ vừa qua có thể khẳng định, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 được kiện toàn theo đúng chủ trương của Đảng và nghị quyết của Quốc hội. Việc giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XIV như khóa XIII đã tạo điều kiện cho Chính phủ thực hiện tốt vai trò hiến định của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội,” tờ trình nêu.
Chính phủ tập trung hơn vào nhiệm vụ quản lý, điều hành vĩ mô theo quy định của pháp luật và kịp thời cụ thể hóa, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ ra rằng, bên cạnh các kết quả đạt được, theo cơ cấu tổ chức của Chính phủ hiện nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế trên một số lĩnh vực cần phải tiếp tục hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc, cơ chế phối hợp, phân cấp, phân quyền; về nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức và đề cao trách nhiệm người đứng đầu gắn với việc đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, luật pháp, cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, điều hành trong tình hình mới.
Nổi lên là việc phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực vẫn còn giao thoa, chưa được phối hợp giải quyết một cách đồng bộ, hiệu quả; sắp xếp tổ chức bên trong ở một số bộ chưa thực sự tinh gọn.
Sự phối hợp giữa các bộ trong việc giải quyết những vấn đề có tính liên ngành, liên vùng, nhất là trong việc xây dựng thể chế, chính sách vĩ mô còn có mặt hạn chế dẫn đến khó xác định trách nhiệm của từng cơ quan và cần phải thành lập nhiều tổ chức phối hợp liên ngành.
Tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực, tăng cường phân cấp, phân quyền
Liên quan đến phương án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, Chính phủ quán triệt chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội.
Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và hội nhập, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Phát huy sự chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành và khai thác hiệu quả các nguồn lực của địa phương; đồng thời phân định hợp lý chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, bảo đảm tính thống nhất, bao quát, thông suốt của nền hành chính quốc gia.
Chính phủ đề ra mục tiêu xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực và tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ đã được Hiến pháp quy định, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ nhân dân.
Theo đó, tiếp tục thực hiện tổ chức mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với quy mô và phạm vi quản lý phù hợp, bảo đảm gắn kết và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước giữa các ngành, lĩnh vực.
Kiện toàn tổ chức bên trong bộ, cơ quan ngang bộ gắn với việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm tinh gọn và đáp ứng các tiêu chí thành lập tổ chức do Chính phủ quy định.
Chính phủ kiên định thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính; những việc có liên quan đến cơ quan khác thì xác định rõ cơ quan phối hợp nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề giao thoa, bảo đảm không bỏ trống nhiệm vụ.
Cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026) tiếp tục kế thừa, ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo khóa XIV nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ với vị trí là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Chính phủ cho biết, trong quá trình xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, cũng có những ý kiến đề xuất phương án đổi tên một số bộ, ngành và sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối một số bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Chính phủ đã tổ chức nghiên cứu, thảo luận rất kỹ lưỡng, khoa học, thận trọng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, Chính phủ phải tập trung chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt chống dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, chăm lo, giải quyết an sinh xã hội, ổn định đời sống, an toàn cho nhân dân, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
Đồng thời, căn cứ kết quả công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ đã được Quốc hội đánh giá chung tại Nghị quyết số 161/2021, việc trước mắt giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 là cần thiết, phù hợp.
Kết luận của Bộ Chính trị đã chỉ đạo về cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV: “Trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 như khóa XIV”. Vì vậy, Chính phủ đề nghị trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 như khóa XIV.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiến hành tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ từ khóa XII đến khóa XV một cách bài bản, khoa học, tổng thể, toàn diện. Trên cơ sở đó, xác định rõ hơn phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của các bộ, ngành. Đồng thời nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành trong tình hình mới.
Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp lại một số bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 56 của Quốc hội gắn với việc xây dựng chiến lược cải cách hành chính đến năm 2030, định hướng 2045 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Từ đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV giữ ổn định như khóa XIV có 22 cơ quan, gồm: 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.
18 Bộ là: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế.
Các cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.
Tác giả: Chu Thanh Vân
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy