Bộ Tài chính vừa có dự thảo báo cáo Thủ tướng về việc rà soát, hoàn thiện hệ thống BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và thực hiện các giải pháp hỗ trợ của nhà nước mở rộng đối tượng tham gia.
Tăng tuổi hưu để ổn định quỹ
Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2015-2017, ngân sách nhà nước đã bố trí hơn 130 tỷ đồng để chi trả lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995. Phần kinh phí ngân sách phải đóng BHXH cho người lao động (LĐ) có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước năm 1995 hơn 22.000 tỷ đồng, Quốc hội đã giao Chính phủ bố trí ngân sách chuyển trả hàng năm từ nay tới năm 2020.
Bộ Tài chính tính toán, trong 20 năm tới, Quỹ BHXH vẫn bảo đảm khả năng cân đối. Nhưng với điều kiện phải thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia BHXH; tốc độ tăng lương tính đóng BHXH bình quân 10%/năm (như giai đoạn 2010-2016); lộ trình tăng lương (cả lương cơ sở và lương hưu) bình quân 7%/năm. Tuy nhiên, về lâu dài tiềm ẩn một số nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH, như: Tình trạng chậm, nợ đóng BHXH ngày càng tăng; tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam thấp so với thế giới (bình quân người Việt nghỉ hưu lúc 54 tuổi, trong khi tuổi hưu của Nhật Bản 70 tuổi, Anh và Đức 67 tuổi...). Cùng đó, tuổi thọ người Việt ngày càng tăng, thời gian hưởng lương hưu kéo dài.
Bộ Tài chính đề nghị xem tăng tuổi hưu, tăng mức đóng bảo hiểm y tế. Ảnh: Như Ý.
Từ những phân tích trên, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho phép bộ này chuyển đổi hơn 22.000 tỷ đồng ngân sách phải chuyển cho Quỹ BHXH thành trái phiếu Chính phủ. Trong đó, năm 2018 chuyển 6.000 tỷ đồng thành trái phiếu, năm 2019 chuyển đổi 6.000 tỷ đồng và năm 2020 chuyển đổi 10.090 tỷ đồng. Vì hiện Quỹ BHXH cũng đầu tư lớn vào trái phiếu, nên việc chuyển đổi trên tương tự việc quỹ này mua trái phiếu. Trước đó, Bộ Tài chính đã thực hiện chuyển đổi 324.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước vay Quỹ BHXH sang hình thức trái phiếu Chính phủ.
Bộ Tài chính cũng đề xuất Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, đề xuất mức độ, đối tượng, lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu phù hợp thực tế Việt Nam và xu hướng chung của thế giới. Do Việt Nam sắp bước vào thời kỳ già hóa dân số, lao động trẻ sẽ thiếu trong tương lai; thực tế nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu và sức khỏe để làm việc thêm. Ngoài ra, nâng tuổi nghỉ hưu sẽ tận dụng được lao động có kinh nghiệm, trình độ. “Vì vậy, việc nâng tuổi nghỉ hưu có thể thực hiện được”, Bộ Tài chính phân tích.
Trước đó, cũng vì lý do để ổn định Quỹ BHXH, trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu. Với lộ trình mỗi năm tăng tuổi hưu thêm 6 tháng, tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Nghiên cứu tăng phí BHYT
Đánh giá về BHYT, dự thảo báo cáo của Bộ Tài chính cho rằng, hiện đối tượng tham gia BHYT đã vượt 77,8 triệu người, bằng 83,2% dân số. Hết năm 2016, Quỹ BHYT kết dư hơn 49.900 tỷ đồng, nhưng từ năm 2017 sẽ bội chi lớn (năm 2017 bội chi 11.300 tỷ đồng, tới năm 2020 bội chi khoảng 28.000 tỷ đồng). Số bội chi này chủ yếu do tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Trong khi đó, việc cấp thẻ BHYT cho đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ còn bị trùng với số lượng lớn và diễn ra phổ biến tại các địa phương. Một người thuộc nhiều đối tượng được cấp nhiều thẻ BHYT. Giai đoạn 2010-2014 trên cả nước có hơn 2,2 triệu thẻ BHYT bị cấp trùng, với số tiền ngân sách đã chi để hỗ trợ 990 tỷ đồng.
Về nguyên nhân cấp trùng, Bộ Tài chính cho rằng, chủ yếu do việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý BHYT trong thời gian dài trước năm 2016 còn nhiều hạn chế. Hệ thống thông tin BHYT chưa kết nối giữa các đơn vị trong ngành BHXH. Hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh ngoài BHYT thấp hơn giá dịch vụ khám chữa bệnh bằng BHYT nên chưa khuyến khích người dân tham gia BHYT thường xuyên, dài hạn, chỉ người bị ốm đau mới mua BHYT. Cùng đó là tình trạng nợ đóng, trục lợi Quỹ BHYT…
Từ các phân tích này, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ tiếp tục giữ ổn định cơ chế hỗ trợ từ ngân sách với người tham gia BHYT từ nay tới năm 2020. Đồng thời, Chính phủ cần giao Bộ Y tế lồng ghép, loại bỏ các chính sách, chế độ chăm sóc y tế toàn dân chồng chéo, không hiệu quả...
Đặc biệt, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan trình Chính phủ lộ trình điều chỉnh mức đóng BHYT, để đảm bảo đủ nguồn kinh phí phục vụ việc khám chữa bệnh theo chế độ BHYT.
Đề xuất của Bộ Tài chính đưa ra trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giảm mức đóng với một số loại bảo hiểm. Cụ thể, Chính phủ đã quyết định giảm mức đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 1% xuống 0,5% lương tháng, áp dụng từ 1/6/2017; trình Quốc hội giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0,5% lương tháng.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy