Ảnh hưởng lan rộng trong khu vực
Mới đây, các nhà lãnh đạo tài chính từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đã cảnh báo về những rủi ro đối với sự phục hồi kinh tế của châu Á từ đại dịch COVID-19 và đưa ra cam kết hỗ trợ sự ổn định của thị trường, cũng như chính sách tài khóa hợp lý.
Những rủi ro gia tăng có thể gây ra sự biến động cho thị trường tài chính và dòng vốn tại khu vực châu Á
Các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của ba nước cho biết trong một tuyên bố chung rằng, những rủi ro ngày càng gia tăng, đến từ việc tăng lãi suất sớm bất ngờ ở một số quốc gia tiên tiến, lạm phát và những gián đoạn bởi cuộc chiến Nga - Ukraine. Những yếu tố này có thể trở thành rủi ro đối với triển vọng kinh tế khu vực, gây ra sự biến động cho thị trường tài chính và dòng vốn. Vì vậy, lãnh đạo các nước khẳng định cam kết sẽ sử dụng mọi biện pháp hỗ trợ để duy trì sự ổn định của thị trường tài chính và tính bền vững tài khóa dài hạn.
Tuyên bố không đề cập đến các quốc gia cụ thể, nhưng việc Mỹ tăng lãi suất và việc giảm tài sản của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vừa qua đã khiến đồng đô la Mỹ tăng giá; Điều này đã làm tăng nguy cơ thoát vốn khỏi một số thị trường mới nổi và gánh nặng nợ bằng USD ngày càng tăng ở các nước đang phát triển.
Dù không đề cập nhiều đến các động thái trên thị trường tiền tệ, nhất là sự tăng giá của đồng đô la Mỹ và đồng Yen giảm giá, hay các lệnh trừng phạt chống lại cuộc chiến của Nga vào Ukraine, nhưng các quan chức nhấn mạnh tiến bộ trong các sáng kiến khu vực, bao gồm cơ chế nhằm giúp đỡ các quốc gia trong thời kỳ khó khăn tài chính như Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ Đa phương hóa, Sáng kiến Chiang Mai.
Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Phó Thống đốc PBoC Chen Yulu cho biết, PBoC đã hướng lãi suất cho vay giảm xuống từ mức vốn đã rất thấp. Đồng thời nhấn mạnh sẽ coi việc ổn định tăng trưởng trở thành ưu tiên nổi bật, tăng cường điều chỉnh chính sách theo chu kỳ và tăng tốc thực hiện các biện pháp chính sách đã được công bố, đặc biệt là tích cực hoạch định các công cụ chính sách mới, tăng cường hỗ trợ cho các lĩnh vực yếu kém.
Chiến lược gia tại Australia & New Zealand Banking Group, Irene Cheung nhận định: “Chúng tôi cho rằng, thị trường đang hoạt động theo nhận xét của PBoC về việc hướng tới lãi suất thấp hơn, nghĩa là nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục. Bằng cách cho phép đồng Nhân dân tệ suy yếu kể từ cuối tháng 4, đây cũng có thể xem như một công cụ nới lỏng.”
Có thể thấy, Ngân hàng trung ương nước này đã thực hiện hành động nới lỏng tương đối khiêm tốn trong những tháng gần đây, bất chấp hoạt động sụt giảm nghiêm trọng khi Chính phủ khóa cửa các thành phố như Thượng Hải để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh. Lý giải cho vấn đề này, Phó Thống đốc PBoC nói, họ tăng cường thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng để giúp nền kinh tế vĩ mô ổn định. “Đầu tiên, việc cắt giảm RRR đã giữ cho thanh khoản dồi dào một cách hợp lý. Thứ hai, chúng tôi đã hướng lãi suất trên thị trường cho vay giảm xuống từ mức vốn đã thấp, để giảm chi phí đi vay cho doanh nghiệp và kích thích nhu cầu tài chính”.
Thực tế, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đã khiến mục tiêu tăng trưởng GDP của Trung Quốc càng trở nên khó khăn hơn. Các cú sốc bên ngoài đang gia tăng trong bối cảnh thị trường lo ngại về các yếu tố cơ bản của nền kinh tế suy yếu, bao gồm sự sụt giảm doanh số bán lẻ, gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát giá cả...
Tác động đến Việt Nam
Đối với Việt Nam, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh trưởng ngân hàng BIDV đánh giá, trước mắt, tác động trực tiếp tới kinh tế - tài chính Việt Nam mặc dù không nhiều song đã dần rõ nét hơn. Áp lực tỷ giá và lạm phát tăng lên cũng khiến một số tổ chức tín dụng tăng lãi suất huy động từ 0,3-0,5% tùy theo kỳ hạn và xu hướng này vẫn tiếp tục diễn ra.
Đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác trong đó có VND, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND
Việc FED tiếp tục tăng lãi suất trong các tháng tiếp theo sẽ có những tác động rõ nét hơn đến kinh tế - tài chính Việt Nam trên ít nhất là 4 phương diện như:
Thứ nhất, mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên có thể khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, làm giảm sức cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Việc FED và một số ngân hàng trung ương các nước tiếp tục tăng lãi suất nhằm đối phó với lạm phát khiến chi phí đi vay của doanh nghiệp và người dân tăng lên nhu cầu hàng hóa – dịch vụ giảm. Từ đó làm giảm nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam, có thể làm giảm đà phục hồi kinh tế của Việt Nam, trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam đang ở mức cao (kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP ở mức khoảng 185% năm 2021) và Mỹ là đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam (năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 96,3 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).
Thứ hai, đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác trong đó có VND, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND.
Thứ ba, việc tăng lãi suất của FED sẽ làm cho lãi suất có xu hướng tăng lên khiến chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD tăng, đồng nghĩa với việc nghĩa vụ trả nợ vay nước ngoài của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI sẽ tăng lên đáng kể.
Thứ tư, tác động đối với dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài. Khi FED tăng lãi suất, một số nhà đầu tư e ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác nhằm trú ẩn rủi ro và hưởng lãi suất cao hơn trước. Động thái này đã xảy ra trong năm 2021 và dự kiến có thể tiếp tục xảy ra tại thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022, dù triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực.
Để đối phó với tình hình này, vị chuyên gia cũng khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và điều hành giá cả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó là xây dựng lộ trình và phối hợp thực thi kế hoạch tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, đặc biệt là giá xăng dầu, giá điện, giá dịch vụ y tế - giáo dục… một cách phù hợp, nhịp nhàng, không dồn dập vào một thời điểm.
Đặc biệt, cần đánh giá nghĩa vụ nợ nước ngoài, đưa ra cảnh báo kịp thời đối với doanh nghiệp; tiếp tục điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối chủ động, linh hoạt nhằm ổn định tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vay nợ nước ngoài nhiều.
Tác giả: Diễm Ngọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy