Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu QH trong giờ nghỉ giải lao. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Phát biểu thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội chiều 13/6, đại biểu Quốc hội Lê Thị Thu Hồng đoàn Bắc Giang cho rằng Chính phủ đã đề ra 9 giải pháp trọng tâm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, với nét đặc trưng những điều bất thường trở nên bình thường. Qua đó cho thấy tầm nhìn, sự linh hoạt, ứng biến nhất quán trong những chủ trương, định hướng chiến lược phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thu Hồng đề nghị, trong các giải pháp trọng tâm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì giải pháp về cơ cấu lại, phục hồi nhanh nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là rất quan trọng. Đây là giải pháp cấp bách song có chiến lược lâu dài.
“Đại dịch COVID-19 khiến chúng ta phải trầm tĩnh nghĩ lại, xu thế toàn cầu hóa sẽ có sự điều chỉnh và cũng là yêu cầu khiến chúng ta phải quyết tâm hơn nữa tới nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp, chuyển đổi số và gia tăng giá trị chuỗi cung ứng toàn cầu”, đại biểu Lê Thị Thu Hồng nói.
Theo bà Lê Thị Thu Hồng, lần đầu tiên Bộ Chính trị có Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là nội dung quyết định hết sức kịp thời. Tuy nhiên, để thực hiện thắng lợi kép vừa chống đại dịch, vừa chuyển đổi số, bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời gian ngắn nhất trước tiên phải vượt qua tư duy cũ và cách làm cũ. Đây không chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ mà theo bà Hồng, nội dung quan trọng không kém là cuộc cách mạng về tư duy và thể chế. Bà Lê Thị Thu Hồng cho rằng, trước hết phải đổi mới về tư duy lãnh đạo, nhận thức đầy đủ về xu thế, tính tất yếu, các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp và cách thức phối hợp hành động.
“Ở Trung ương, tôi thấy nhận thức quyết tâm, giải pháp khá rõ và đầy đủ về chuyển đổi số, năng lực triển khai và thực thi cũng ở mức cao nhưng đối lập với đó là vấn đề nhận thức và năng lực thực thi ở các cấp còn lại. Sự nhận thức và năng lực tổ chức triển khai, chuyển đổi số giữa các địa phương vùng miền có sự chênh lệch khác nhau. Nhận thức của lãnh đạo các địa phương cũng có sự khác nhau”, bà Lê Thị Thu Hồng nói.
Do vậy, việc triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn và thách thức. Đại biểu Lê Thị Thu Hồng đề nghị bên cạnh những mục tiêu và giải pháp đã nêu trong báo cáo thì Chính phủ cũng cần chỉ đạo các bộ, ngành, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông cần có những giải pháp quyết liệt, cụ thể để đốc thúc triển khai nhiệm vụ này ở các địa phương nhằm thay đổi tư duy, tầm nhìn và cách thức tiến hành chuyển đổi số một cách đồng bộ.
Xây dựng thể chế, tạo điều kiện thông thoáng để các doanh nghiệp, người dân tham gia tích cực vào công tác này ở cả lĩnh vực công và lĩnh vực tư. Thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ phát triển cả số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu và hỗ trợ thúc đẩy số hóa toàn diện các lĩnh vực đời sống, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, quốc phòng, an ninh, nhất là trên một số lĩnh vực đã xác định rõ xu hướng trong thời gian chống dịch vừa qua như thương mại điện tử, giao vận, chuyển phát, thanh toán điện tử, học tập, hội nghị, đầu tư, văn hóa, thông tin và giáo dục trực tuyến.
Điều bà Hồng quan tâm nữa, đó là một trong những nhiệm vụ năm 2020, ngoài 9 giải pháp cấp bách như Thủ tướng đã đưa ra còn có nhiệm vụ rất quan trọng, chuẩn bị cho tương lai, đó là vấn đề quy hoạch và lập quy hoạch theo quy định.
Đại biểu Lê Thị Thu Hồng cho rằng quy hoạch là công cụ quan trọng của công tác quản lý nhà nước, là khung pháp lý cho việc đầu tư phát triển các lĩnh vực, đồng thời là cơ sở để các cấp, các ngành lập kế hoạch xây dựng những chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng các tiềm năng, thế mạnh, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư tạo nền tảng cơ sở để thực hiện tốt các chiến lược phát triển trong tương lai.
Năm 2020 là năm cả nước tổng kết 5 năm 2016-2020 và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đòi hỏi việc xây dựng Chiến lược phát triển quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn những năm tới. Tại thời điểm này các địa phương và các bộ, ngành, Chính phủ đang đồng loạt tiến hành xây dựng quy hoạch theo luật năm 2017.
Đặc thù xây dựng quy hoạch lần này là các cấp quy hoạch tiến hành đồng thời trong khi yêu cầu quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ quy hoạch cấp trên. Những nội dung dự kiến tích hợp có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường trong quy hoạch cấp tỉnh có liên quan chặt chẽ với quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng.
Trong khi đó, các quy hoạch này cũng đang trong giai đoạn lập, do vậy có nhiều khó khăn cho các địa phương. Đây là một thách thức bởi xây dựng quy hoạch cấp tỉnh trong khi chưa có quy hoạch vùng cấp quốc gia, quy hoạch vùng. Mặt khác, đến nay Trung ương đang nghiên cứu các phương án phân chia lại các vùng trong cả nước.
“Tôi cho rằng phương án phân vùng mới sẽ phù hợp với một số địa phương cũng như đối với Bắc Giang sẽ tạo ra không gian phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Giang, trong thời kỳ mới và sẽ giúp cho Bắc Giang định rõ mô hình tăng trưởng kinh tế và xã hội trong thời gian tới đây. Tuy nhiên, làm thế nào để liên kết vùng được chặt chẽ, hiệu quả, phát huy hết tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, các địa phương hỗ trợ nhau để tránh tình trạng nhiều vùng hiện nay chỉ là "câu lạc bộ vui vẻ", đại biểu Lê Thị Thu Hồng bày tỏ quan điểm.
Từ những thực tế trên, đại biểu Lê Thị Thu Hồng đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng. Chỉ đạo các bộ, ban, ngành ban hành khung định hướng phát triển quốc gia để các địa phương có cơ sở tích hợp khi triển khai thực hiện lập quy hoạch tỉnh. Sớm xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch để phục vụ lập quy hoạch tỉnh theo hướng phương pháp tích hợp đa ngành.
Chính phủ quan tâm đẩy nhanh tiến độ phân vùng để tạo không gian phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới. Cần thiết phải mở rộng đồng bằng sông Hồng, đảm bảo sự gắn kết, tương hỗ giữa các địa phương, lan tỏa động lực phát triển. Cần phải hoàn thiện cơ chế điều phối hoạt động của vùng để quy hoạch các tỉnh không vi phạm phá vỡ quy hoạch vùng, liên kết chặt chẽ với các địa phương trong một chiến lược tối ưu.
“Theo tôi cũng cần phải có cơ quan điều phối phát triển vùng, có bộ phận cơ quan chuyên môn điều phối hợp tác vùng giữa các địa phương với nhau”, đại biểu Lê Thị Thu Hồng nói.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy