Ảnh minh họa (Nguồn: Sơn Bách/Vietnam+)
Sáng nay, 27/6, các sĩ tử trên cả nước đã hoàn thành Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019. Nhiều thí sinh thở phào nhẹ nhõm vì "về đích" hiệu quả. Song một số thí sinh cũng tỏ ra lo lắng vì đề thi môn Sử có phần "quá sức," phân loại học sinh.
Thí sinh Lê Minh Anh, học sinh Trường Trung học Phổ thông Văn Hiến (Hà Nội) cho hay, câu hỏi trong đề thi Tổ hợp Khoa học Xã hội chủ yếu vào kiến thức lớp 11, 12. Đề thi có nhiều câu hỏi phải vận dụng kiến thức suy luận do có nhiều đáp án gây nhiễu.
"Với 3 môn thi 120 câu hỏi, thời gian 150 phút là hợp lý. Thi hết môn này là thu bài, phát đề môn tiếp theo ngay lập tức," Minh Anh cho hay.
Tâm trạng khá vui vẻ khi hoàn thành xong kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia, thí sinh Nghiêm Xuân Hưng dự thi tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ: “Đề năm nay có môn Lịch sử khó, đối với những bạn thi tốt nghiệp cố gắng mới được điểm 5 hoặc 6; còn để làm tốt bài thi thì phải nắm chắc kiến thức."
"Môn Địa lý dễ thở hơn, môn Giáo dục Công dân bao quát rộng nhiều vấn đề về đạo đức, chính trị, xã hội, có nhiều câu hỏi về thực tế," Hưng cho biết.
Em Nguyễn Ngọc Châm, học sinh Trường Trung học Phổ thông Văn Hiến (Hà Nội) cho biết, với đề thi Giáo dục Công dân năm nay thì phần lớn các bạn sẽ đạt điểm tốt. Trong phòng thi, có nhiều bạn làm chỉ mất 1/2 thời gian vì đề khá dễ.
"Đề Địa cũng không quá khó, có nhiều câu hỏi hay, em làm cẩn thận nên đến phút cuối mới xong. Đề Sử khó, mức 6,7 điểm cũng khó đạt, phải học thuộc nhiều," Châm chia sẻ.
Ảnh minh họa (Nguồn: Sơn Bách/Vietnam+)
Thí sinh Vũ Cẩm Tú, học sinh Trường Trung học Phổ thông Việt Đức (Hà Nội) cho biết cùng phòng thi với em có nhiều bạn hoàn thành bài thi khi chưa hết giờ làm bài.
"Đề thi đều là kiến thức cơ bản, không có khoảng cách chênh lệch khó dễ quá cao. Nhiều câu hỏi mang tính thời sự, thực tiễn," Tú nói.
Thí sinh Nguyên Văn Minh, Trường Trung học Phổ thông Đống Đa cho biết: Trong số các đề thi sáng nay, em thấy khó nhất là môn Lịch sử, vì trong đề có nhiều kiến thức cần phải nhớ và có thể phân loại được học sinh, nhất là phần lịch sử thế giới. Có lẽ khó đạt điểm cao ở môn này. Còn hai môn Địa lý và Giáo dục Công dân thì dễ, có thể vận dụng kiến thức thực tế vào bài làm. Hai môn này em đã được ôn nhiều lần nên đọc đề là có thể khoanh đáp án.
Nhận xét về đề thi môn Lịch sử, nữ sinh Nguyễn Thu Minh, trường Trung học phổ thông Đống Đa đánh giá: "Môn Sử rất khó, gần như tất cả đều phải tự suy luận, không có câu nào trong đề thi mà em chắc chắn được 100%. Em chỉ lấy điểm thi môn này để xét tốt nghiệp nhưng em cũng không biết có qua điểm liệt để đỗ tốt nghiệp không nữa".
Có chung nỗi lo, thí sinh Đinh Yến Mai, trường Trung học phổ thông Quang Trung cũng cho rằng đề thi môn Sử khó để có điểm khá. Mai cho biết đề thi tập trung chủ yếu vào phần lịch sử Việt Nam nhưng cần phải suy luận nhiều, các câu hỏi từ dễ đến khó phân bố đều trong đề thi. Nhiều câu khá hoc búa, em chỉ làm được khoảng 50% câu hỏi nên mong sẽ đủ điểm để đỗ tốt nghiệp.
Khác với các sĩ tử khối tự nhiên, nhiều thứ sinh xét tuyển đại học khối C lại cho rằng đề thi môn Sử năm nay vừa sức, nếu học kỹ có thể đạt điểm 8-9 trở lên.
Ảnh minh họa (Nguồn: Sơn Bách/Vietnam+)
Thí sinh Nguyễn Năng Duy Minh, Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú cho biết: Mỗi đề thi có 40 câu, không quá dài so với thời gian làm bài. Em chuyên khối C nên đề thi Sử với em cũng không quá khó. Em tự tin được 8-9 điểm. Đây cũng là môn em làm tốt nhất. Môn khó nhất với em là Giáo dục công dân và môn này em không chú tâm lắm.
Đánh giá riêng về đề thi môn Địa lý thuộc bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội, nhiều thí sinh cho rằng đề thi Địa lý vừa sức với học sinh. Trong đó, có khoảng 10 câu thí sinh dùng Atlat địa lý Việt Nam là có thể làm được, không cần học thuộc. Câu hỏi về phân biệt biểu đồ cũng tương đối dễ, thí sinh không cần tính toán nhiều. Nhìn chung đề thi Địa lý năm nay không quá khó.
Ra khỏi phòng thi với tâm lý thoải mái, Lê Thùy Linh, trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Huyên cho rằng, đề thi Địa lý gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm làm trong thời gian 50 phút là khá phù hợp. Em còn làm xong sớm hơn thời gian quy định.
“Em thấy đề thi vừa sức với học sinh. Đề có khoảng gần 20 câu mà thí sinh dùng Atlat địa lý Việt Nam là có thể làm được ngay, không cần học thuộc. Câu hỏi về phân biệt biểu đồ cũng tương đối dễ, thí sinh không cần tính toán nhiều. Nhìn chung đề thi Địa lý năm nay không quá khó. Dù không theo khối D, em cũng có thể đạt khoảng 7 điểm”.
Trong khi đó, Hoàng Phương Ly, trường Trung học phổ thông Kim Liên tỏ ra thích thú với đề thi Địa lý mang tính vận dụng cao, không yêu cầu học thuộc lòng, “học vẹt”. “Em thấy đề thi môn Địa lý rất vừa sức với học sinh. Đề có nhiều câu học sinh có thể suy luận để đưa ra đáp án, không yêu cầu học thuộc. Em nghĩ với đề thi này, thí sinh dễ dàng đạt từ 7-8 điểm. Điểm 9, 10 dành cho những bạn học chuyên khối C và nắm chắc kiến thức”.
Theo Vietnam+
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy