Dòng sự kiện:
Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước ngọt
15/06/2024 06:12:13
Theo Bộ Tài chính, tăng thuế với đồ uống có đường sẽ góp phần giảm sâu răng, béo phì, tiểu đường, giúp làm giảm bớt tỷ lệ mắc các bệnh khác, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt bình quân đầu người năm 2020 là 70,56 lít/người. Ảnh: NYT.

Tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, cơ quan này tiếp tục giữ nguyên đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.

Cụ thể, Bộ đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát bao gồm đồ uống hương liệu, nước giải khát có chứa cà phê, chè, nước trái cây và các loại đồ uống từ ngũ cốc... (trừ sữa và sản phẩm từ sữa) có hàm lượng đường trên 5 gram/100ml là 10%.

Mỗi người tiêu thụ gần 71 lít nước ngọt/năm

"Điều này nhằm kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên... và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ", cơ quan quản lý nhìn nhận.

Theo Bộ Tài chính, nhiều nước đã dần bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Năm 2012, chỉ có khoảng 15 quốc gia, nhưng hiện nay đã có khoảng 85 quốc gia trên thế giới áp dụng thuế suất này. Nhiều nước đánh thuế nước giải khát có đường theo tiêu chí hàm lượng đường là trên 5 gram đường/100ml.

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ hộ gia đình tiêu thụ nước giải khát có đường đã tăng từ 56,2% năm 2010 lên 69,8% năm 2016 và tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt bình quân đầu người năm 2013 hơn 47 lít/người tăng lên gần 71 lít/người năm 2020.

Cơ quan quản lý cho rằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường sẽ làm tăng giá các sản phẩm nước giải khát có hàm lượng đường cao, định hướng người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế hoặc nước giải khát ít đường.

Đối với doanh nghiệp, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm nước giải khát có đường có hàm lượng đường trên 5 gram/100ml sẽ khuyến khích các doanh nghiệp thay đổi thành phần, công thức sản xuất nước giải khát, giảm tỷ lệ đường trong sản phẩm để không chịu thuế này.

Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt sẽ làm tăng giá bán, từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng. Ảnh: Eat This.

"Từ đó, khuyến khích sản xuất các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng", cơ quan quản lý nhận định.

Tuy nhiên, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng giá bán, từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng. Do đó có thể ảnh hưởng giảm sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu mặt hàng này trong thời gian đầu.

Ngoài ra, dẫn chứng đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Tài chính cho biết việc tăng 10% giá nước giải khát có đường thông qua thuế có thể dẫn đến giảm khoảng 10% tiêu thụ mặt hàng này.

Do đó, việc tăng thuế và giá sẽ góp phần giảm sâu răng, béo phì, tiểu đường và giúp làm giảm bớt tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm khác trong tương lai, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Còn nhiều loại thực phẩm có đường trên thị trường

Thực tế, đây không phải lần đầu cơ quan này muốn áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng đồ uống có đường. Năm 2014, đề xuất này cũng được đưa ra với mức thuế suất cụ thể là 10% nhưng chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều cơ quan, bộ ngành.

Tại hội thảo góp ý về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) hồi tháng 3/2023, ông Đỗ Thái Vương, Trưởng tiểu ban Nước giải khát VBA cho rằng chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để chứng minh việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sẽ giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì.

Đặc biệt, trong bối cảnh có rất nhiều loại thực phẩm có chứa đường và hàm lượng calo cao tồn tại trên thị trường. "Nếu chỉ áp thuế đối với đồ uống có đường thì không chỉ không giúp cho việc giải quyết vấn đề thừa cân béo phì, mà còn tạo ra một chính sách thuế mang tính phân biệt", vị này nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, Trưởng tiểu ban Nước giải khát VBA cho rằng chính sách này sẽ ảnh hưởng nặng nề đối với ngành nước giải khát và gây ra những hệ lụy không mong muốn đối với các ngành kinh tế khác có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì...

Ngành đồ uống là một trong những đối tượng chịu tác động trực tiếp, sâu rộng đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Ảnh: Grupaeurocash.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho rằng ngành đồ uống là một trong những đối tượng chịu tác động trực tiếp, sâu rộng đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Ông kiến nghị chưa sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ít nhất trong thời gian 2023-2024 để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và phục hồi sau đại dịch.

"Cần có đánh giá cụ thể, toàn diện về tác động của thay đổi, bao gồm các tác động với nền kinh tế; Không bổ sung mặt hàng đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt", ông nói.

Hiện nay, ngành nước giải khát ở Việt Nam đang có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư, với sự tham gia của hàng loạt doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước như Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Công ty TNHH Red Bull, Coca-Cola Việt Nam, Suntory Pesico…

Theo thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), doanh thu của ngành mỗi năm đạt tới trên 200.000 tỷ đồng, đóng góp gần 60.000 tỷ đồng hàng năm cho ngân sách Nhà nước.

Tác giả: Thanh Thương
Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
ôn thi đại lý thuế ở đâu tốt
Đang phổ biến