Vấn đề này được đặt ra trong phiên thảo luận chuyên đề “Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - xã hội 2023, ngày 19/9.
Điều hành phiên thảo luận, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, những năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là một vấn đề an sinh xã hội, một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua từng thời kỳ.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII đã xác định “Ưu tiên quỹ đất, vốn và có các chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi cho triển khai xây dựng đến năm 2030 được ít nhất 1 triệu nhà ở xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp”.
Tuy nhiên, sau gần 13 năm triển khai thực hiện chính sách nhà ở xã hội, đặc biệt là các chính sách nhà ở xã hội đã được ban hành tại Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều bất cập, vướng mắc ngay trong quy định và trong triển khai thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới đây với nhiều điểm mới. Dự án luật có 8 nhóm chính sách trong đó có chính sách về phát triển nhà ở xã hội.
Dự thảo bảo đảm nguyên tắc về tính thống nhất với các Luật Đất đai, Đầu tư, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản, cũng như cải cách thủ tục hành chính, khơi thông nguồn lực, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung chính sách nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp, gồm nhà ở xã hội và nhà lưu trú và chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang…
Về dành quỹ đất cho nhà ở xã hội, dự thảo giao UBND cấp tỉnh chủ động dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình kế hoạch đã duyệt, như vậy có thể dành quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại hoặc các dự án độc lập cho nhà ở xã hội
Cùng với đó là nhóm chính sách ưu đãi chủ đầu tư tham gia dự án nhà ở xã hội như ngoài hưởng lợi nhuận 10%, được dành 20% diện tích dự án để đầu tư tiện ích, dịch vụ thương mại phục vụ cư dân thì còn được miễn tiền sử dụng đất, vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh (bên phải)
Theo quy định hiện hành, để được hỗ trợ mua nhà ở xã hội đối tượng phải đáp ứng những điều kiện như về nhà ở, cư trú, thu nhập. Ông Nguyễn Văn Sinh cho biết, dự thảo luật giảm bớt các thủ tục xác định đối tượng mua nhà ở xã hội, bỏ tiêu chí về cư trú. Như vậy công dân Việt Nam chỉ cần có đủ điều kiện về thu nhập và nhà ở.
Ngoài ra, điều kiện về thu nhập, nhà ở cũng được xem xét "nhẹ hơn" như nâng mức thu nhập, diện tích nhà ở, để tạo điều kiện cho nhiều người hơn được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Mặt khác, dự án luật còn cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, giao đất, lựa chọn chủ đầu tư, xác định giá bán, giá thuê mua.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng tin tưởng với những sửa đổi này thời gian tới sẽ tạo cơ chế thông thoáng thúc đẩy nhà ở xã hội.
Cần chính sách hấp dẫn hơn
Dưới góc nhìn của địa phương, ông Mạc Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo chiến lược phát triển nhà, mục tiêu thành phố phát triển 6,8 triệu m2.
Để hoàn thành mục tiêu lớn trên, việc đề xuất, tham mưu chính sách thu hút các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia là cần thiết. Hà Nội đề nghị cần có giải pháp cải cách về trình tự thủ tục, đặc biệt là lựa chọn nhà đầu tư tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Ông Minh cho rằng, với dự án nhà ở xã hội, một số nước sau khi đánh giá sơ bộ năng lực tài chính, kinh nghiệm, pháp nhân.. thì bốc thăm lựa chọn, thời gian lựa chọn chỉ từ 1-2 tháng. Nhưng nếu ta tuân thủ Luật Đấu thầu thì mất hơn 1 năm.
Ông Mạc Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội
Liên quan đến tiền sử dụng đất thu được từ 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong khu nhà ở thương mại, Thành phố Hà Nội đề xuất sửa đổi khoản 3 điều 81 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), được sử dụng số tiền này thông qua quỹ phát triển nhà ở địa phương để phát triển đầu tư hoặc cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.
Địa phương này cũng đề xuất tăng lợi nhuận định mức của các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội lên 15% (trước đây quy định là 10%).
Bên cạnh đó, ông Minh tiếp tục đề xuất cho phép sử dụng 20% quỹ đất trong dự án nhà ở xã hội để phát triển nhà ở thương mại, vì giúp giảm chi phí, giảm giá thành mua, thuê, thuê mua của người dân.
Tác giả: Nam Sơn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy