Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Ngày 26/7, nói về đề xuất bỏ phương pháp thặng dư trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 44/2014/NĐ-CP về giá đất, đang gây nhiều tranh cãi, Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất - ông Đào Trung Chính cho rằng trong giai đoạn hiện nay, phương pháp thặng dư còn bộc lộ nhiều hạn chế và có thể sẽ gây nên những sai sót trong quá trình định giá đất.
Chia sẻ cụ thể với phóng viên, ông Đào Trung Chính cho hay qua nghiên cứu thực tế cho thấy nhiều địa phương còn vướng mắc lớn liên quan đến việc sử dụng phương pháp thặng dư trong xác định giá, nhất là sau khi xảy ra một số vụ án trong thời gian qua thì công tác định giá đất bị đình trệ. Thậm chí, có những dự án được giao đất, cho thuê đất 5 - 6 năm qua nhưng không định giá được.
Theo quy định, hiện nay có 5 phương pháp định giá đất (bao gồm: So sánh, chiết trừ, thặng dư, thu nhập và hệ số điều chỉnh giá đất).
Tuy nhiên, trên cơ sở tổng kết thi hành luật Đất đai 2014, Nghị định 44 của Chính phủ về phương pháp định giá đất, và tình hình thực tế tại các địa phương nêu trên, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 44/2014/NĐ-CP về giá đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tạm thời chưa sử dụng phương pháp thặng dư trong xác định giá đất.
Về phương án thay thế, ông Chính cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị sẽ đưa phương pháp chiết trừ vào trong phương pháp so sánh. Sau đó sẽ chỉ sử dụng các phương pháp: so sánh, thu nhập và hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá đất.
Trong phương pháp so sánh, các yếu tố về thặng dư tiềm năng phát triển cũng sẽ được lồng ghép vào.
Cũng theo ông Chính, việc thay đổi trên là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của Chính phủ khi sửa đổi Nghị định số 44 là làm sao có các phương pháp định giá đơn giản, minh bạch, dễ thực hiện đồng thời bảo vệ được cán bộ làm công tác định giá, tránh sai sót đáng tiếc có thể xảy ra để các địa phương chủ động hơn trong xác định giá đất.
Mặt khác, khi sửa đổi nghị định trên, cán bộ làm công tác định giá đất tại các địa phương sẽ yên tâm thực hiện. Qua đó, mục tiêu đẩy nhanh công tác định giá đất của Chính phủ cũng được thực hiện.
“Với mục tiêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất là nên bỏ phương pháp thặng dư để định giá đất. Mới đây, bộ cũng đã gửi công văn đến 63 tỉnh, thành phố đề nghị phải có ý kiến chính thức về việc có bỏ hay không bỏ phương pháp thặng dư trong xác định giá đất và đang chờ phản hồi. Ở cấp cao hơn, hiện nay, Chính phủ cũng đang bàn, chưa quyết là bỏ hay chưa,” ông Chính lưu ý.
Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất Đào Trung Chính. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nêu quan điểm cá nhân, Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất cũng cho rằng nếu Chính phủ quyết là không bỏ phương pháp thặng dư thì cũng cần quy định lại chặt chẽ hơn về thông tin đầu vào, các tham số, tham chiếu. Vấn đề là làm sao đạt 2 mục tiêu: một là rõ ràng mạch lạc để cán bộ làm công tác định giá yên tâm làm việc; hai là ổn định chính xác, phù hợp hơn với thực tiễn.
“Giả sử, Chính phủ quyết bỏ phương pháp thặng dư thì cũng vẫn phải xem xét là đối với một dự án cụ thể hay với một loại đất hoặc nhiều mục đích cụ thể thì phải tính như thế nào, cần phải tính toán được rõ chứ không phải nói bỏ là bỏ,” ông Chính chia sẻ thêm.
Đề cập đến yếu tố thuận lợi khi bỏ phương pháp thặng dư, ông Chính cho rằng về phía doanh nghiệp khi làm thủ tục sẽ tiện lợi hơn bởi thủ tục nhanh, đơn giản và có sự phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của người làm công tác định giá và những người làm công tác định giá khi được giao việc cũng yên tâm thực hiện.
Đối với người dân, ở mức độ hộ gia đình, cơ bản họ sẽ sử dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất. Thủ tục theo đó rất đơn giản, minh bạch đến mức chính bản thân họ cũng sơ bộ tự tính được nghĩa vụ tài chính của nhà mình là bao nhiêu.
Ngoài ra, việc bỏ phương pháp thặng dư trong xác định giá đất cũng góp phần đẩy nhanh thời gian thực hiện thao tác xác định giá đất cho người dân, doanh nghiệp để hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và đảm bảo minh bạch, rõ ràng. Quy trình thủ tục, số liệu, dữ liệu tham gia vào định giá đất cũng được công khai hơn./.
Tác giả: Hùng Võ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy