Dòng sự kiện:
Đề xuất bổ sung đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh khi nợ thuế
02/11/2024 07:36:09
Tại Dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã bổ sung thêm đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế để đảm bảo công bằng, bình đẳng với tất cả người nộp thuế.

Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung thêm nhiều đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, tính đến tháng 9, toàn ngành đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 50.665 tỷ đồng, trong đó có 12.449 người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh với số tiền thuế nợ là 7.826 tỷ đồng.

Cơ quan thuế đã thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh (chưa tính trường hợp người nộp thuế chủ động nộp khi chưa bị tạm hoãn xuất cảnh). Lũy kế 9 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã thu hồi được 56.092 tỷ đồng nợ thuế, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xem xét tạm hoãn xuất cảnh tổ chức, cá nhân nợ thuế

Với hàng nghìn tỷ đồng thu được đã cho thấy tính hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nợ thuế mà ngành thuế triển khai.

Nhằm siết chặt hơn công tác quản lý, tại dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung thêm các đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh khi nợ thuế để nâng cao hiệu quả thu hồi nợ.

Theo đó, không chỉ cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp mà các cá nhân khác là đại diện theo pháp luật của tổ chức nộp thuế cũng sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Lý giải cho vấn đề này, cơ quan soạn thảo cho rằng việc sửa đổi là nhằm tăng tính tuân thủ pháp luật về thuế, nâng cao hiệu quả thu nợ, thực hiện thống nhất.

Hiện nay, Luật Quản lý thuế có quy định người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ thuế. Trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Quản lý thuế, "người nộp thuế" bao gồm cả tổ chức và cá nhân, do đó việc tạm hoãn xuất cảnh đối với chủ thể này như quy định trên là chưa phù hợp với thực tiễn.

Ngoài ra, việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cần được thực hiện đối với các chủ thể là cá nhân người nộp thuế và các cá nhân khác là đại diện theo pháp luật của tổ chức nộp thuế, gồm chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân kinh doanh, chứ không chỉ áp dụng riêng đối với cá nhân đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như quy định hiện hành.

Tính đến tháng 9, toàn ngành thuế đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 50.665 tỷ đồng. Ảnh: Tạp chí Hải quan.

Với những lý do trên, để tăng tính tuân thủ pháp luật thuế, nâng cao hiệu quả thu nợ thuế, thực hiện thống nhất, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung các đối tượng là cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mà chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với ngân sách Nhà nước vào danh sách các tạm hoãn xuất cảnh.

Theo Bộ Tài chính, điều này nhằm đảm bảo hệ thống pháp luật đối xử công bằng, bình đẳng đối với tất cả người nộp thuế.

Đánh giá kỹ để áp dụng phù hợp

Tại phiên thảo luận tổ chiều 29/10 của Quốc hội trao đổi về lĩnh vực thuế trong dự án 1 luật sửa 7 luật, báo cáo thẩm tra tờ trình về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết vấn đề tạm hoãn xuất cảnh của người đại diện doanh nghiệp hiện gặp nhiều ý kiến trái chiều.

Thống kê cho thấy số lượng trường hợp phải tạm hoãn xuất cảnh đã tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây. Trong khi đánh giá của cơ quan thuế cho thấy tạm hoãn xuất cảnh là một biện pháp nhỏ và không phải là biện pháp mạnh nhất.

Cơ quan thẩm tra cho rằng Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về tác động của việc áp dụng biện pháp cưỡng chế này trên thực tế để cân nhắc phương án quy định phù hợp, đảm bảo hiệu quả cưỡng chế và tránh các phản ứng trái chiều không cần thiết hoặc chưa nên sửa đổi nội dung này vào thời điểm hiện nay.

Trong trường hợp cần sửa đổi, đề nghị Chính phủ cân nhắc bổ sung quy định về ngưỡng nợ thuế để giới hạn phạm vi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh một cách phù hợp.

 Tác giả: Hồng Nhung

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến