Dòng sự kiện:
Đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu để kiểm soát lạm phát
25/05/2022 13:56:23
Theo đánh giá của ĐBQH Trần Hoàng Ngân, giá xăng dầu đang tăng mỗi ngày, Chính phủ và Quốc hội cần nhanh chóng kiểm soát, chấp nhận theo cơ chế thị trường.

Thảo luận tại tổ sáng 25/5, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp.HCM) nhìn nhận nền kinh tế những tháng đầu năm 2022 đang dần phục hồi trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, nhìn về những tháng cuối năm, trước bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi, thì nên kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam càng gặp nhiều thách thức.

Theo ông Ngân, các chính sách kích cầu, kích thích kinh tế của các quốc gia trên thế giới được triển khai ngay từ đầu năm 2022, nhưng đứng trước căng thẳng Nga-Ukraine, cùng chính sách zero Covid của Trung Quốc càng khiến nguồn nhiên, nguyên vật liệu gặp khó.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân, đoàn đại biểu Tp.HCM.

Trong báo cáo mới nhất của IMF, tổ chức này đã đưa ra những cảnh báo trong thời gian tới và các quốc gia trên thế giới cũng buộc phải điều chỉnh dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Hầu hết các quốc gia đều cắt giảm tốc độ tăng trưởng mức 1-1,5%.

“Riêng Việt Nam, IMF dự báo tốc độ tăng trưởng khoảng 6% trong năm nay, năm 2023 sẽ ở mức 7,2 %. Con số này có phần lạc quan hơn, nhưng đó mới chỉ là dự báo, những con số này sẽ được điều chỉnh 3 tháng một lần”, ông Ngân cho hay.

Trong nội dung thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh đến vấn đề lạm phát. Nhắc lại ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế năm 2008, nền kinh tế Việt Nam khi đó buộc phải dùng thuốc liều cao. Tức là chặt chính sách tài khóa, tiền tệ, không câu nệ tốc độ tăng trưởng mà tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Vì vậy, hiện nay, trước tình hình giá xăng dầu đang tăng lên, ông nói rằng, Chính phủ và Quốc hội cần nhanh chóng kiểm soát ngay giá xăng dầu, không để giá xăng dầu tăng lên.

“Chúng ta chấp nhận theo cơ chế thị trường, nhưng an tâm là chúng ta có công cụ để kiểm soát, kìm hãm tốc độ tăng của giá xăng khi tình hình Nga – Ukraine còn tiếp diễn”, ông nêu quan điểm.

Theo vị đại biểu này, với mặt hàng xăng dầu, chúng ta đã giảm thuế bảo vệ môi trường 50%, và dư địa vẫn còn nên có thể tiếp tục giảm. Hơn nữa, với thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Ngân nói xăng dầu là mặt hàng rất cần thiết "nên không có lý do gì không bỏ thuế này, nhất trong thời điểm hiện nay".

“Việc này Quốc hội phải có ý kiến, nên đưa vấn đề này vào ngay tại kì họp lần này. Bởi, không kiểm soát được giá xăng dầu lúc này thì sẽ dẫn đến hiệu ứng domino đến tất cả các loại hàng hoá khác”, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị.

Nhắc đến những con số lạm phát của các nước trên thế giới, ông Ngân cho biết nước Mỹ trong vòng một tháng qua lạm phát đã tăng tới 8,5%, cao nhất trong vòng 40% năm qua; tại châu Âu, tăng 7,4% cao nhất trong vòng 30 năm; nước Anh lên tới 9%, cao nhất trong vòng 30 năm qua.

“Có người đặt câu hỏi với tôi rằng tại sao các quốc gia, khu vực trên thế giới tăng cao thế mà lạm phát Việt Nam chỉ 2,2%. Tôi trả lời rằng bởi Việt Nam chúng ta có quá nhiều kinh nghiệm trong kiểm soát lạm phát và đặc biệt, “rổ hàng hoá” được phân bổ của các nước khác với Việt Nam”, ông Ngân nói.

Trong nội dung kiến nghị, vị đại biểu kiến nghị Chính phủ nên ưu tiên kiểm soát lạm phát bằng các biện pháp đồng bộ, trong đó có vấn đề về kéo giảm thuế, kiểm soát giá, kiểm soát đầu cơ, thực hiện các quỹ bình ổn giá. Ông cho biết, Tp.HCM hiện đang làm rất tốt công tác bình ổn giá, giá cả của Tp.HCM hiện nay vẫn thấp hơn bình quân chung của cả nước.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo, đoàn Bắc Ninh đóng góp ý kiến tại phiên họp tổ.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Bắc Ninh) cũng cho rằng, giá các mặt hàng như xăng dầu, sắt, thép, xi măng, thực phẩm tăng cao đã tác động trực tiếp đến người dân.

Có thể thấy, trong "rổ hàng hoá" lớn như vậy, nhóm hàng hoá thiết yếu đã phản ánh về tốc độ lạm phát và mặt bằng giá của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu quan trọng như CPI, chỉ số giá nguyên nhiên liệu cho sản xuất ở Việt Nam trong khu vực công nghiệp cũng tăng rất rõ, điều này ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, chi phí sản xuất hàng hoá, dẫn đến giá bán tăng lên, gây áp lực giá tiêu dùng cho người dân.

“Tôi cho rằng, cần phải đặt ra những biện pháp can thiệp kịp thời, thực hiện các chính sách để loại bỏ tác động của giá cả tăng đột biến, đặc biệt là đối với nhóm hàng hoá dễ bị tổn thương. Kiểm soát tốt nguồn cung cho các hoạt động sản xuất - tiêu dùng để vừa giảm áp lực lạm phát vừa giảm các chi phí trong kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, khơi thông nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu và tháo gỡ những khó khăn về logistics”, ông Bảo nêu.

Tác giả: Thu Huyền - Hoàng Bích

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến