Dòng sự kiện:
Đề xuất chỉ in tiền mệnh giá 20.000 đồng trở xuống để chống tham nhũng
25/05/2016 15:07:56
Dự kiến cuối năm 2016 Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để Quốc hội thông qua vào giữa năm 2017.

Tin liên quan

Đây là cuộc hội thảo một số vấn đề lớn cần sửa đổi của Luật PCTN được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 24-5 tại Quảng Ninh. Dự kiến cuối năm 2016 Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét dự án Luật PCTN (sửa đổi) để Quốc hội thông qua vào giữa năm 2017.

“Nhiệm vụ chính của Luật PCTN là tạo ra một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, mang tính chủ động phòng ngừa, qua đó góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội nói không với tham nhũng, không thể tham nhũng” - ông Nguyễn Tuấn Anh, phó vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ, nói.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề: “Luật có từ 10 năm nay, đã sửa đổi, bổ sung hai lần rồi, mỗi lần sửa thì đều đặt mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Mỗi lần sửa thì chúng ta cũng nói rất là hay ho nhưng cho đến nay, trong các văn bản chính thức, chúng ta đều nhận định rằng tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Đấy là thách thức đặt ra cho việc sửa đổi lần này”.

“Thấy ai cũng nghèo mà người ta đi ôtô nhiều thế”

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, để thực hiện Luật PCTN thì thời gian qua cũng đưa ra nhiều giải pháp, quy định nhưng thực hiện lại hời hợt, hình thức, kém hiệu quả.

“Tôi chỉ lấy một ví dụ là việc trả lương qua tài khoản để kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức. Có lần tôi vận động doanh nghiệp hỗ trợ mấy trăm triệu đồng cho cử tri nơi tôi ứng cử, để chắc chắn thì tôi đề nghị họ làm cái văn bản để tôi giữ, phòng khi có cơ quan hỏi tôi tiền ấy đâu ra, nhưng từ khi tiền vào tài khoản, tôi chờ mãi mà có ai hỏi gì đâu” - ông Cương kể.

Biện pháp kê khai tài sản cũng vậy, “dân bảo sao cán bộ kê khai tài sản thấy ai cũng nghèo mà người ta đi ôtô nhiều thế!?”.

Chia sẻ với vấn đề đại biểu Cương đặt ra, ông Ngô Mạnh Hùng kiến nghị việc kiểm soát thu nhập, tài sản đối với người có chức vụ, quyền hạn phải được thực hiện liên tục.

“Chẳng hạn hôm qua tôi thấy anh đi xe máy, hôm nay thấy anh đi ôtô thì tôi có quyền đề nghị anh giải trình ngay về nguồn gốc tài sản mới, tài sản tăng thêm, chứ không phải đợi đến kỳ kê khai mới giải trình.

Việc giải trình cũng phải được thực hiện với các đối tượng có quan hệ gần gũi, ví dụ như cha làm quan chức có con đã thành niên đi học nước ngoài thì cũng phải chịu trách nhiệm giải trình. Tuy con anh thành niên rồi, nhưng lấy tiền đâu đi học nếu chưa có thu nhập hoặc thu nhập không thể đủ chi tiêu cho việc học hành như vậy?” - ông phân tích.

Vị phó cục trưởng cho rằng điểm mấu chốt hiện nay khiến việc xử lý tài sản bất minh gặp khó khăn là VN vẫn chưa hình sự hóa hành vi này.

Ông Ngô Mạnh Hùng đề nghị bổ sung vào Luật PCTN: “Quy định người có chức vụ, quyền hạn có trách nhiệm giải trình khi phát hiện người thân gồm cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột có tài sản tăng hoặc tiêu dùng lớn so với thu nhập.

Quy định trường hợp người có chức vụ, quyền hạn không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm thì tài sản đó là tài sản tham nhũng, bị tịch thu và người đó bị xử lý trách nhiệm tùy theo giá trị tài sản không giải trình được”.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết dự thảo luật đang bổ sung theo hướng xử lý kết quả xác minh khi có kết luận người có nghĩa vụ kê khai kê khai không trung thực, không giải trình hợp lý.

“Theo đó, khi có kết luận về việc kê khai không trung thực, không giải trình hợp lý thì cơ quan tiến hành xác minh có quyền chuyển vụ việc đến cơ quan thuế để truy thu thuế nếu có dấu hiệu trốn thuế, hoặc đề nghị tòa án xem xét về tính hợp pháp của quyền sở hữu đối với phần tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc đó” - ông nói.

Công khai nhưng lại không minh bạch

Tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Anh trình bày chín nhóm vấn đề, nội dung tồn tại, bất cập cần sửa đổi, bổ sung của Luật PCTN, trong đó đầu tiên là vấn đề công khai, minh bạch.

“Hiện nay các quy định công khai thì tương đối đủ, nhưng biện pháp để đảm bảo minh bạch lại thiếu. Chẳng hạn, luật chưa quy định rõ ràng quyền yêu cầu và trình tự, thủ tục đáp ứng quyền yêu cầu thực hiện công khai, minh bạch của cá nhân, tổ chức cũng như xử lý vi phạm về thực hiện công khai, minh bạch” - ông bình luận.

Đại diện tỉnh Quảng Ninh, bà Đỗ Thị Hoàng - trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, phó bí thư thường trực tỉnh ủy - cho biết địa phương này chống tham nhũng bằng việc làm đầu tiên là tách dần các dịch vụ công ra khỏi hệ thống cơ quan công quyền.

“Chúng tôi thành lập một trung tâm phục vụ hành chính công. Người dân đến đây chỉ nộp hồ sơ, làm thủ tục theo đúng các quy định của pháp luật. Trung tâm này hoạt động công khai, minh bạch và người dân không trực tiếp gặp người giải quyết công việc của họ.

Chúng tôi kiểm soát hoạt động của các bộ phận phục vụ thông qua hệ thống camera và chấm điểm của người dân. Chúng tôi đang tiến tới thành lập trung tâm dịch vụ hành chính công, tức là xã hội hóa dịch vụ này bằng hình thức đấu thầu, ai tổ chức dịch vụ tốt, làm hài lòng người dân nhất sẽ được giao cung cấp dịch vụ” - bà Hoàng giải thích.

Vẫn theo vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, để chống được tham nhũng thì không chỉ sửa đổi luật này mà còn phải sửa đổi nhiều đạo luật khác, đặc biệt là các luật liên quan đến hoạt động của bộ máy nhà nước. “Nếu cứ chi tiêu tiền mặt thì không có cách nào để xử lý được tham nhũng.

Bởi vì người ta cứ cầm tiền mặt cất trữ, đem đi mua bán, người ta nói đó là các khoản thu nhập phát sinh từ hoạt động đầu tư này khác, rất khó xác định các tài sản có nguồn gốc không minh bạch” - bà Hoàng nói.

Không khí hội thảo bỗng xôn xao khi ông Nguyễn Đức Hiển - phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an) - nói: “Đề nghị nghiên cứu không in các loại tiền có mệnh giá lớn, nếu chỉ in loại tiền có mệnh giá 20.000 đồng thôi, không cho phép giao dịch bằng ngoại tệ thì người ta rất khó đưa phong bì bởi khi đó phong bì sẽ rất dày”.

Hồ sơ công chức quản lý mật, làm sao giám sát việc bổ nhiệm?

Ông Hoàng Quốc Tráng, phó phòng tổng hợp thanh tra Bộ Nội vụ, cho biết trong công tác tổ chức cán bộ, Luật PCTN quy định phải công khai về số lượng, tiêu chuẩn, hình thức và kết quả tuyển dụng, rồi quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, cho thôi việc...

Tuy nhiên, theo các quy định của Đảng và thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ thì hồ sơ công chức được quản lý, sử dụng và bảo quản theo chế độ tài liệu mật.

Do đó khi tiến hành bổ nhiệm, công chức chỉ được nghe thông báo về điều kiện, tiêu chuẩn của người dự kiến bổ nhiệm mà không có điều kiện kiểm tra, giám sát.

Việc giám sát chỉ thực hiện bằng niềm tin của người kê khai và công chức được giao quản lý, khai thác hồ sơ. Từ những vấn đề này, nhiều cán bộ, công chức chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhưng vẫn được bổ nhiệm (chỉ khi có tố cáo hoặc thanh tra, kiểm tra mới bị phát hiện.

T/h theo Tuổi trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến