Đề xuất công khai lương lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước trên mạng
22/12/2016 10:27:17
Đây là kiến nghị của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trên cơ sở giám sát việc thực hiện lương tại các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn trước 2013 đến nay.

Tin liên quan

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) cho biết: Giai đoạn trước tháng 5-2013, tiền lương của người lao động tại DNNN được xác định theo đơn giá tiền lương gắn với các chỉ tiêu về năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Quỹ tiền lương của viên chức quản lý được tách riêng, trong đó quỹ tiền lương kế hoạch được xác định trên cơ sở hệ số lương theo hạng công ty, mức lương tối thiểu tính đơn giá tiền lương. DN có hiệu quả cao thì được tăng thêm không quá 2 lần và mức tăng lương không vượt quá mức tăng lương của người lao động.

Cuối năm, nếu hoàn thành nhiệm vụ thì được hưởng đủ tiền lương kế hoạch; vượt lợi nhuận kế hoạch được hưởng thêm lương; không hoàn thành thì giảm trừ lương; không lợi nhuận hoặc lỗ hoặc không xây dựng quỹ lương kế hoạch thì chỉ được hưởng lương chế độ...

Cơ chế lương cho các DNNN liên tục phát sinh bất cập trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, Bộ LĐ,TB&XH cho biết nhiều bất cập đã nảy sinh. Trên thực tế ở một số DN, tiền lương của người lao động chưa gắn với hiệu quả sử dụng vốn nhà nước và kết quả đánh giá quản lý, điều hành; còn có sự chênh lệch lớn tiền lương giữa DN lợi thế ngành nghề kinh doanh (người lao động hưởng 20 – 25 triệu đồng/tháng, viên chức quản lý hưởng 70-80 triệu đồng/tháng) với DN không có lợi thế kinh doanh (người lao động chỉ khoảng 3,5 – 4 triệu đồng/tháng, viên chức quản lý 8 – 10 triệu đồng/tháng).

Bên cạnh đó, có DN không thực hiện đúng quy định (như 4 DN công ích của TP Hồ Chí Minh), chưa công khai, minh bạch trong xác định và trả lương, trong khi việc kiểm tra, kiểm soát của chủ sở hữu chưa thường xuyên (chỉ phê duyệt quỹ lương kế hoạch, còn quỹ lương thực hiện để DN tự xác định) dẫn đến viên chức quản lý hưởng hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, gây bức xúc dư luận.

Giai đoạn 2013  - 2015, nhiều quy định đã được sửa đổi với những định mức rõ ràng hơn: tiền lương được hưởng trên nền lương bình quân thực hiện của năm trước gắn với mức tăng năng suất lao động và lợi nhuận; lương của viên chức quản lý gắn với kết quả sản xuất kinh doanh, khống chế mức tối đa không quá 36 triệu đồng/tháng đối với Chủ tịch Tập đoàn, hiệu quả tăng thì được tăng không quá 0,5 lần mức lương cơ sở.

Bộ LĐ,TB&XH nhận định: giai đoạn này đã không còn tình trạng xây dựng định mức lao động lỏng để hưởng mức lương cao; lương của viên chức quản lý đã có khống chế mức tối đa, giảm chênh lệch giữa người quản lý với người lao động.

Theo số liệu tổng hợp báo cáo (không đầy đủ) của một số bộ, ngành, tiền lương của người lao động giai đoạn 2013-2015 ổn định và tăng khoảng 7-8%/năm. Lương bình quân năm 2013 của lao động trong các công ty mẹ - Tập đoàn, Tổng công ty 91 đạt khoảng 12 triệu đồng/tháng; năm 2014 lên 12,9 triệu đồng/tháng; năm 2015 đạt 14,3 triệu đồng/tháng; viên chức quản lý bình quân đạt khoảng 40 – 45 triệu đồng/năm, ở những DN có nhiều lợi thế chỉ còn 45 – 50 triệu đồng/tháng so với mức 70 – 80 triệu đồng/tháng trước đây. Viên chức quản lý của các DN công ích trước hưởng mức 8 – 10 triệu/tháng, nay đã lên 15 – 20 triệu/tháng, giảm khoảng cách chênh lệch đáng kể.

Tuy nhiên, giai đoạn này lại phát sinh những bất cập mới, là việc quản lý, sử dụng lao động ở một số DN chưa thực sự tiết kiệm và hiệu quả, số lao động dôi dư vẫn còn nhiều; tổ chức bộ máy chưa tinh gọn; xác định quỹ tiền lương hằng năm chỉ dựa vào thực hiện năm trước, không gắn nhiều với kế hoạch, dẫn đến không khuyến khích DN và thực hiện chậm, trả lương còn bình quân.

Đối với viên chức quản lý ở DN có quy mô lớn, hiệu quả cao chỉ được hưởng mức lương tối đa 54 triệu/tháng đối với Chủ tịch Tập đoàn được cho là thấp so với mặt bằng trên thị trường, không tạo được động lực cho phấn đấu tăng năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Ngược lại, quản lý một số DN quy mô nhỏ, hiệu quả thấp ở địa phương hưởng mức lương 30 – 35 triệu đồng/tháng lại được cho là quá cao so với mặt bằng tiền lương ở địa phương và tạo chênh lệch lớn với người lao động.

Đối với công ty có cổ phần chi phối của Nhà nước, do chưa có quy định riêng, dẫn tới việc chỉ đạo thực hiện rất khác nhau. Một số áp dụng quy định như DN 100% vốn Nhà nước, dẫn đến cứng nhắc; một số lại giao toàn quyền cho người đại diện vốn tham gia với DN, nên có xu hướng đẩy tiền lương của viên chức quản lý lên cao.

Có trường hợp DN lỗ, hiệu quả thấp nhưng hưởng mức lương 50 – 70 triệu đồng/tháng, thậm chí hàng trăm triệu đồng/tháng, trong khi tiền lương của người lao động không tăng, thậm chí giảm, tạo ra chênh lệch lớn về tiền lương, thu nhập so với lao động khác.

Năm 2016, để giải quyết những bất cập này, Bộ LĐ,TB&XH đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 52 quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định 53 quy định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước; trong đó yêu cầu thắt chặt định mức lao động, không vượt quá 5% so với lao động thực tế sử dụng, có chế tài xử lý nếu vượt quá; tiền lương của viên chức quản lý đã được xác định gắn với quy mô, độ phức tạp của quản lý, đảm bảo Chủ tịch Tập đoàn kinh tế có thể đạt mức lương tối đa 72 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, đây chưa thể đảm bảo sẽ là quy định cuối cùng về vấn đề này, sẽ tiếp tục có các bất cập khác nảy sinh. Do vậy, để đảm bảo các quy định được thực hiện nghiêm và phù hợp, Bộ LĐ, TB &XH vẫn kiến nghị tăng cường kiểm tra, giám sát định kỳ việc thực hiện tại các DN, thực hiện công khai thu nhập của người quản lý các DN trên website để giám sát chung.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước được đề nghị ưu tiên tập trung kiểm toán các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước, để kịp thời uốn nắn, xử lý các sai phạm, vướng mắc.

Theo CAND

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến