Dòng sự kiện:
Đề xuất không đánh thuế với hộ kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm
29/10/2024 13:00:52
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế GTGT là cần thiết và cần được quy định trong Luật.

Mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế

Sáng 29/10, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi).

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT, có ý kiến đề nghị quy định trong Luật mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế GTGT.

Có ý kiến đề nghị quy định mức ngưỡng doanh thu trong Luật và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền điều chỉnh hoặc giao Chính phủ quy định cụ thể.

Còn có ý kiến đề nghị giữ như dự thảo Luật đã trình tại Kỳ họp thứ 7 (giao Chính phủ quy định mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế) để bảo đảm tính linh hoạt, chủ động.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh (Ảnh: Media Quốc hội).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế GTGT là cần thiết và cần được quy định trong Luật nhằm xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng, bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp là "các khoản thu, chi ngân sách Nhà nước phải được dự toán và do luật định".

Đây những nội dung liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ, quyền lợi của người nộp thuế, cần được quy định trong Luật như hiện hành.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý và quy định tại khoản 25 Điều 5 dự thảo Luật nội dung: Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 200 triệu đồng trở xuống.

Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu tại khoản này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Áp thuế suất 5% với phân bón

Về thuế suất 5%, có ý kiến nhất trí với dự thảo Luật của Chính phủ, chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5%.

Có ý kiến khác đề nghị giữ như quy định hiện hành, vì lo ngại khi đánh thuế 5%sẽ làm tăng mặt bằng giá phân bón trên thị trường và người nông dân sẽ phải chịu tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm nông nghiệp.

Theo ông Lê Quang Mạnh, Thuế GTGT đối với phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế GTGT số 71, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế.

Chính sách này đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian vừa qua, vì thuế GTGT đầu vào của các doanh nghiệp này không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí, bao gồm cả thuế đầu vào rất lớn đối với đầu tư, mua sắm tài sản cố định, làm giá thành sản xuất trong nước tăng cao, không thể cạnh tranh với nhập khẩu.

Điều này đặt trong xu thế cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới từ 2015 đến trước thời điểm dịch Covid-19 đã làm nhiều doanh nghiệp trong nước lỗ lớn, phải thu hẹp sản xuất;

Ngược lại, phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do đang chịu thuế 5% được chuyển sang không chịu thuế và vẫn được hoàn toàn bộ thuế GTGT đầu vào.

 

Quang cảnh phiên họp sáng 29/10 (Ảnh: Media Quốc hội).

Chính vì vậy, trong suốt thời gian vừa qua, các Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Kiểm toán Nhà nước, các đoàn ĐBQH tỉnh: Bắc Giang, Cà Mau, Bình Định, Hải Phòng, Nam Định, Tiền Giang,... Hiệp hội phân bón, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã liên tục kiến nghị chuyển lại mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế suất 5%.

Kiến nghị này cũng đã được các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đưa vào nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng có ý kiến lo ngại khi chuyển phân bón sang chịu thuế 5% thì người nông dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, nếu các doanh nghiệp trong nước cấu kết với tư thương bán hàng nhập khẩu, nâng giá bán gồm cả phần thuế GTGT phải nộp làm tăngmặt bằng giá phân bón, dẫn đến tăng giá thành sản xuất nông nghiệp.

Ông Lê Quang Mạnh cho biết, đúng như ý kiến ĐBQH, phân bón nhập khẩu khi bán ra có thể bị tăng giá tương ứng với chi phí thuế GTGT phải nộp.

Song, tỉ trọng phân bón nhập khẩu hiện chỉ chiếm 27% thị phần trong nước nên giá bán của phân bón nhập khẩu cũng phải điều chỉnh theo mặt bằng của thị trường khi phân bón sản xuất trong nước có xu thế và dư địa giảm giá, do được khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào nên sẽ cắt giảm được chi phí, hạ giá thành sản xuất.

Ngoài ra, mặt bằng giá còn đặt trong xu thế giảm giá chung của thị trường phân bón thế giới sau khi hết dịch Covid-19.

Đồng thời, phân bón hiện là mặt hàng được Nhà nước bình ổn giá, vì vậy các cơ quan quản lý chức năng có thể sử dụng các biện pháp quản lý thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước lợi dụng chính sách mới ban hành, cấu kết với tư thương để có các hành vi trục lợi, gây biến động lớn về giá trên thị trường, làm ảnh hưởng đến khu vực nông nghiệp.

Do đó, để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Tác giả: Hoàng Thị Bích

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến