Sáng 11/5, trong chương trình phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường ở TP Hà Nội, trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội quy định "Chủ tịch UBND phường chịu trách nhiệm trước HĐND quận, thị xã" nhưng không quy định HĐND quận, thị xã lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.
Trong khi đó, nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM và TP Đà Nẵng quy định "HĐND thành phố lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận".
"Vì vậy, để tương đồng với quy định này, Ban Công tác đại biểu đề nghị tại TP Hà Nội, HĐND quận, thị xã lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường", bà Nguyễn Thị Thanh nói.
Báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc bổ sung quy định HĐND quận, thị xã ở Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND các phường trực thuộc.
Bên cạnh đó, có ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc lấy phiếu đối với Chủ tịch UBND phường nhưng đề nghị nên tổ chức việc lấy phiếu đối với chức danh này theo Quy định số 96-QĐ/TƯ (tại cơ quan công tác), không nên tổ chức việc lấy phiếu tại HĐND. Bởi, đây là chức danh hành chính, do Chủ tịch UBND cấp trên bổ nhiệm, không phải do HĐND bầu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang.
Hơn nữa, việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở TP Hà Nội theo Nghị quyết số 97 của Quốc hội mới chỉ được thí điểm thực hiện từ năm 2021 đến nay và còn phải chờ sơ kết, tổng kết để lựa chọn được mô hình phù hợp trước khi thực hiện chính thức.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh bày tỏ sự nhất trí với quy định tại TP Hà Nội, HĐND quận, thị xã sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường.
Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trước khi trình Quốc hội xem xét theo quy trình 1 kỳ họp để ban hành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến trong phiên họp hôm nay, nhất là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về làm rõ phạm vi, đối tượng, hệ quả của lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm; căn cứ và tính khả thi về thời hạn xin từ chức, miễn nhiệm với người có tín nhiệm thấp, thiết kế các phương án để báo cáo Quốc hội.
Về nội dung lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu quy định phạm vi áp dụng của Nghị quyết mở rộng đối với 3 địa phương đang thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị (Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM) trong thời gian thí điểm hoặc khi có quy định mới.
Tác giả: Anh Văn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy