Sản xuất vàng miếng và các vật phẩm lưu niệm bằng vàng là một trong những lĩnh vực mà NHNN sẽ giữ 100% vốn
Định hướng quản lý DNNN
Một trong những nội dung trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội Đảng XII là yêu cầu: “Nghiên cứu mô hình quản lý phù hợp của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp”.
Thực hiện các văn kiện Đại hội XII, ngày 3/6/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN.
TS. Nguyễn Tuấn Anh
Theo đó, Nghị quyết đề ra 5 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để DNNN thật sự vận hành theo cơ chế thị trường; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị và nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý DNNN; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với DNNN; đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả lãnh đạo của tổ chức đảng; phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp tại DNNN.
Nghị quyết chỉ rõ, DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Mặt khác, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của DNNN; không để xảy ra thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp…
Các đầu mối quản lý
Trên cơ sở các định hướng trên của Đảng, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ, Bộ Chính trị Đề án “Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. Ngày 14/9/2017, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án và đồng ý thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ.
Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đến ngày 29/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, 19 tập đoàn, tổng công ty do các bộ, ngành quản lý trước đây được chuyển giao về Ủy ban.
Việc quản lý vốn nhà nước tại một số bộ, ngành và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố vẫn được duy trì. Cụ thể, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tiếp tục quản lý các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục quản lý vốn nhà nước tại các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đặc thù để đảm bảo tính liên tục và hiệu quả của quản lý nhà nước trong thực hiện cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng. Đồng thời, không để cho các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp về cùng một đầu mối quản lý nhằm tránh rủi ro và đảm bảo tính khách quan trong hoạt động tín dụng, cho vay theo kinh nghiệm quốc tế.
Bộ quản lý ngành tiếp tục quản lý các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí là doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích và các tổ chức kinh tế, tài chính đặc thù phục vụ công tác quản lý của các bộ.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục quản lý công ty xổ số và doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phục vụ an sinh xã hội địa phương.
Nhiệm vụ của NHNN
Theo Đề án đã được thông qua, nhiệm vụ thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu của NHNN không thay đổi so với trước đây. Hơn nữa, theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020, có 2 lĩnh vực NHNN phụ trách quản lý mà Nhà nước sẽ vẫn nắm giữ 100%: một là, in, đúc tiền, sản xuất vàng miếng và các vật phẩm lưu niệm bằng vàng; hai là, tín dụng chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, lĩnh vực tài chính, ngân hàng (không bao gồm bảo hiểm, chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính) được Thủ tướng Chính phủ định hướng nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên.
Thực tế, số lượng doanh nghiệp, quy mô vốn nhà nước tại các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được giao cho NHNN quản lý, giám sát hoặc được giao làm đại diện chủ sở hữu là rất lớn (12 tổ chức tín dụng, doanh nghiệp với hơn 128.000 tỷ đồng, bằng khoảng 30% vốn nhà nước đầu tư tại khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước tại 131 DNNN và 175 doanh nghiệp có vốn nhà nước với tổng số vốn điều lệ khoảng hơn 300.000 tỷ đồng, chưa bao gồm các tổ chức tín dụng).
12 tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nêu trên gồm 8 tổ chức tín dụng là Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, Co-opBank, OceanBank, GPBank, CB; 1 tổ chức tài chính là Bảo hiểm Tiền gửi; 3 doanh nghiệp là VAMC, Nhà máy In tiền Quốc gia và Napas.
Theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến 2025, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: “Xây dựng và ban hành cơ chế phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của NHNN với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng và vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có vốn nhà nước do NHNN làm đại diện chủ sở hữu” trong phần giải pháp để “tăng cường năng lực thể chế, nâng cao vị thế, tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của NHNN”.
Lựa chọn mô hình
Hiện nay, NHNN đang lựa chọn mô hình phân tán để tổ chức, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng thuộc NHNN tham mưu cho Thống đốc NHNN thực hiện nhiệm vụ này (Quyết định số 678/QĐ-NHNN ngày 12/4/2017 ban hành Quy chế về Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, Người đại diện phần vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính và doanh nghiệp do NHNN quản lý).
Cụ thể, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng được giao làm đơn vị đầu mối làm báo cáo tổng thể về việc thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính và doanh nghiệp do NHNN quản lý, chịu trách nhiệm tham mưu cho Thống đốc NHNN về hoạt động, quản lý, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp (không bao gồm Nhà máy In tiền Quốc gia và Napas, do Vụ Tài chính - Kế toán quản lý).
Vụ Tài chính - Kế toán tham mưu cho Thống đốc về vấn đề sử dụng nguồn lực tài chính (không bao gồm các dự án công nghệ thông tin do Cục Công nghệ thông tin thực hiện). Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu cho Thống đốc về công tác tổ chức, nhân sự, lao động, tiền lương.
Với mô hình này, Thống đốc NHNN đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị theo từng công việc cụ thể. Theo đó, việc phân công tham mưu cho Thống đốc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được chia theo nhóm công việc: tổ chức, nhân sự, lao động, tiền lương; hoạt động, quản lý giám sát hoạt động; sử dụng các nguồn lực tài chính.
Đồng thời, căn cứ theo chuyên môn, nghiệp vụ và chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, Thống đốc NHNN tách riêng nhiệm vụ quản lý, giám sát đối với Nhà máy In tiền Quốc gia và Napas giao Vụ Tài chính - Kế toán làm đầu mối, xử lý. Nhiệm vụ đầu mối tổng thể về thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng, doanh nghiệp của NHNN được giao Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.
Đánh giá sơ bộ cho thấy, thực tế công tác tổ chức thực hiện quyền, trách nhiệm của NHNN với tư cách là cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước hiện nay còn phân tán, thiếu tính chuyên nghiệp và chưa chuyên môn hóa. NHNN chưa tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Việc phối hợp giữa các đơn vị chưa được chặt chẽ, hiệu quả, quy trình xử lý công việc mất nhiều thời gian xin ý kiến qua lại giữa các đơn vị.
Qua nghiên cứu thực tiễn tại nhiều bộ, ban, ngành và các khuyến nghị của một số tổ chức quốc tế, chúng tôi nhận thấy, NHNN có thể cân nhắc tổ chức công tác này theo mô hình tập trung, theo hướng thành lập 1 đơn vị trực thuộc Thống đốc NHNN (hoặc kiện toàn từ một đơn vị hiện có) để chuyên trách quản lý vốn nhà nước tại các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp do NHNN quản lý.
NHNN cần báo cáo cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Bộ Chính trị) về việc thành lập thêm 1 đơn vị cấp vụ/cục/ban trực thuộc Thống đốc NHNN để đảm đương toàn bộ các công việc liên quan đến nhiệm vụ đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước tại các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trực thuộc NHNN.
Phương án này giống với mô hình tổ chức thực hiện quyền, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu tại một số bộ, ngành có quy mô vốn được giao quản lý lớn, trọng yếu như: Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng.
Theo đó, Thống đốc NHNN sẽ chuyển các nhiệm vụ đang giao cho các đơn vị khác nhau (bao gồm: Vụ Tài chính - Kế toán, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Công nghệ thông tin và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) về đơn vị mới. Như vậy, từ nhiều đầu mối tham mưu như hiện nay, NHNN sẽ chỉ giao cho 1 đơn vị đầu mối thực hiện nhiệm vụ quản lý vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng, doanh nghiệp do NHNN được giao quản lý. Nhân sự và cán bộ cho đơn vị mới sẽ được điều chuyển từ các đơn vị trong nội bộ NHNN, đảm bảo việc thành lập mới đơn vị này không làm tăng biên chế của NHNN.
Điểm quan trọng nhất của mô hình mới (xem sơ đồ) là NHNN sẽ phân định được rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của NHNN với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng và vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có vốn nhà nước do NHNN làm đại diện chủ sở hữu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do NHNN quản lý. Do vậy, tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác này sẽ được nâng cao hơn.
Việc triển khai phương án này cũng có hạn chế nhất định trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan, bộ, ngành, không thành lập thêm các tổ chức mới, trừ các trường hợp đặc biệt.
Tuy nhiên, NHNN có đủ cơ sở lập luận thuyết phục để trình cấp có thẩm quyền xem xét, hoặc NHNN có thể cân nhắc thêm phương án kiện toàn, sắp xếp một tổ chức hiện có để thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Thống đốc thực hiện quyền, trách nhiệm đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước tại các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đặc thù do NHNN quản lý.
Nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 20/22 bộ, ban, ngành trong Chính phủ liên quan đến nhiệm vụ này ở thời điểm tháng 9/2018 cho thấy, có 13 bộ, ngành trong tổng số 22 bộ ngành được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được giao quản lý, bao gồm: Bộ Công An, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế và NHNN. Đa số các bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ quản lý vốn nhà nước (13 bộ, ngành) giao nhiệm vụ cho 1 đầu mối xử lý các nội dung công việc liên quan đến thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu tại các doanh nghiệp được giao quản lý. Riêng Bộ Công thương, trước đây, việc thực hiện nhiệm vụ này được phân tán cho nhiều vụ, cục theo khía cạnh hoạt động chuyên môn của doanh nghiệp (ví dụ: Vụ Công nghiệp nặng chuyên quản các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp nặng, Cục Điện lực quản lý các doanh nghiệp điện…). Trong số 13 bộ, ngành nêu trên, có 6 bộ, ngành được thành lập 1 đơn vị đầu mối chuyên môn để thực hiện chức năng quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Vụ/Cục Quản lý doanh nghiệp/Đổi mới doanh nghiệp/Tài chính doanh nghiệp); 6 bộ, ngành còn lại giao nhiệm vụ quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho Vụ/Cục Kế hoạch - Tài chính thực hiện. Đối với các địa phương, công tác tổ chức thực hiện công tác quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được giao cho Sở Tài chính. Theo đó, hầu hết các tỉnh, thành phố có thiết kế Phòng Quản lý doanh nghiệp/Tài chính doanh nghiệp trực thuộc Sở Tài chính để làm đầu mối, thống nhất quản lý. |
Theo TS. Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán, NHNN
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2019
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy