Dòng sự kiện:
Đề xuất 'mở toang' điều kiện gói vay 16.000 tỷ đồng: Chính sách có còn ý nghĩa?
21/07/2020 11:58:17
Từ khi gói vay trả lương lãi suất 0% được triển khai, đến hiện tại, vẫn chưa có khoản vay nào được giải ngân. Doanh nghiệp than trời vì khó có thể đáp ứng đủ 'ma trận'điều kiện trong gói vay này.

Khi gói hỗ trợ sắp hết hạn, bộ LĐ-TB&XH “sốt ruột”, đề xuất giảm một loạt các điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đã chuyển sang giai đoạn phục hồi sản xuất, sự hỗ trợ này đã không còn ý nghĩa như ban đầu.

Không một doanh nghiệp nào vay được!

Theo thống kê của bộ LĐ-TB&XH, đại dịch Covid-19 gây ra tình trạng thất nghiệp, mất việc, tạm ngừng việc cao nhất trong 10 năm qua. Tới nay, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 2,56 %. Trong khi đó, con số này chỉ là 1,98 % vào cuối năm 2019, quy mô thị trường lao động giảm từ 54 triệu xuống 52 triệu người. Nhiều doanh nghiệp tạm dừng giải thể, lao động bị ảnh hưởng, trong đó lao động tự do bị tác động sâu và giảm thu nhập nhiều nhất.

Báo cáo 6 tháng sơ kết đầu năm, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau hơn 2 tháng triển khai vẫn chưa có doanh nghiệp nào vay được gói 16.000 tỷ đồng. Trước tình hình này, bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất sẽ giảm bớt điều kiện gói vay trả lương lãi suất 0% để các doanh nghiệp tiếp cận với gói vay 16.000 tỷ đồng.

Sau hơn 2 tháng triển khai vẫn chưa có doanh nghiệp nào vay được gói 16.000 tỷ đồng

Theo đó, bộ LĐ-TB&XH chỉ giữ lại tiêu chí về thời gian vay tối đa 3 tháng và mức vay. Doanh nghiệp sẽ không cần chứng minh khó khăn tài chính như trước đây. Thời gian ngừng việc của lao động cũng nới rộng ra từ ngày 1/1 đến ngày 31/12, thay vì từ ngày 1/4 đến 30/6 như trước. Doanh nghiệp không cần phải trả trước 50% lương ngừng việc và giải ngân trực tiếp cho người lao động.

Bên lề một cuộc hội thảo do bộ Công Thương tổ chức, khi trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật về những khó khăn cũng như cơ hội tiếp cận gói vay trả lương lãi suất 0% mà Chính phủ đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Hương - Phó Giám đốc công ty mỹ nghệ Thiên Lộc doanh nghiệp Thiên Lộc bày tỏ: “Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp trong làng nghề gặp rất nhiều khó khăn khăn, sản xuất kinh doanh giảm tới 80%. Hết giãn cách, công ty đã quay lại sản xuất nhưng thực tế thị trường chưa phục hồi được, hàng chưa thể xuất khẩu đi các nước. Gói vay trả lương lãi suất 0% có những thủ tục vay tương đối khó khăn nên chúng tôi rất khó tiếp cận. Để khắc phục những khó khăn, doanh nghiệp vẫn phải tìm đường sống, vì thế việc cắt giảm chi phí là biện pháp chính”.

Chính sách có còn ý nghĩa?

Khi trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc sở LĐ-TB&XH TP.Hà Nội cho biết, hiện tại, Hà Nội mới chỉ có 2 hồ sơ doanh nghiệp đang nộp để chờ được vay gói trả lương lãi suất 0%. Nguyên nhân là điều kiện đưa ra quá khắt khe khiến doanh nghiệp không thể đáp ứng đủ yêu cầu.

Còn ông Tạ Ngọc Thảo - Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trên địa bàn tỉnh có hơn 10.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ khi gói vay trả lương lãi suất 0% để hỗ trợ doanh nghiệp trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ được triển khai, cho đến hiện tại, tỉnh này vẫn chưa nhận được một bộ hồ sơ nào từ doanh nghiệp trên địa bàn.

“Nhiều doanh nghiệp chỉ thực hiện cắt giảm giờ làm hoặc làm luân phiên chứ không cho người lao động tạm ngừng việc, để vừa giữ chân người lao động, vừa hỗ trợ có thu nhập tối thiểu trong lúc khó khăn. Do đó, quy định để được vay lãi suất 0% là doanh nghiệp phải có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên, đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6 gần như không có doanh nghiệp nào đáp ứng được”, ông Thảo nói.

Ông Ngô Gia Quát - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang

Cũng chung tình cảnh, ông Ngô Gia Quát - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang cho hay: “Trong gói 62.000 tỷ, có 16.000 tỷ để hỗ trợ cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, thực tế khi đi vào triển khai, nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận vì điều kiện quá khắt khe. Trên địa bàn tỉnh có lác đác vài doanh nghiệp nộp hồ sơ nhưng không đủ điện kiện. Chúng tôi thực sự rất mong chờ có doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện vay để phục vụ nhưng lại không có một đơn vị nào”.

Nói thêm về đề xuất mới của bộ LĐ-TB&XH khi sẽ giảm bớt điều kiện gói vay trả lương lãi suất 0% để các doanh nghiệp tiếp cận với gói vay 16.000 tỷ đồng, khi chỉ giữ lại tiêu chí về thời gian vay tối đa 3 tháng và mức vay, ông Quát cho biết: “Khi gói hỗ trợ sắp hết hạn, thì phía bộ LĐ-TB&XH cũng sốt ruột, đang có những đề xuất với các đơn vị ban ngành liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội… để giảm bớt các điều kiện trong gói vay. Nhưng thực sự, có giảm nữa thì cũng rất khó cho doanh nghiệp, đây là thời điểm doanh nghiệp bắt đầu vực dậy phục hồi sản xuất, thêm một gói vay là thêm một gánh nặng và nói thật, thời điểm này cũng không còn ý nghĩa nữa”.

“Gói vay trả lương lãi suất 0% có những quy định đưa ra thiếu thực tế. Cơ quan nhà nước vừa muốn cho vay, vừa muốn rào then, đóng chốt thì rất khó cho doanh nghiệp. Trong quá trình điều chỉnh chính sách, cơ quan ban ngành cũng cần rà soát lại xem nguyện vọng của doanh nghiệp bây giờ như thế nào, có nhu cầu vay vốn trả lương nữa hay không. Phải tránh tình trạng điều chỉnh xong, kết quả triển khai vẫn không hiệu quả”, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng bộ LĐ-TB&XH nhìn nhận.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến