Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Rút ngắn thời gian điều hành giá xăng, nghỉ lễ cũng điều chỉnh giá
Theo đó, thời gian điều hành giữa 2 kỳ được đề xuất sửa đổi theo hướng rút ngắn thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu từ 10 ngày (như hiện nay) xuống mức 7 ngày, quy định vào 1 ngày cụ thể trong tuần.
Theo dự thảo, thời gian điều hành giá xăng dầu vào ngày thứ Năm hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ (trừ trường hợp trùng vào ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 tháng 1 âm lịch của Tết Nguyên đán). Trường hợp thứ Năm trùng vào những ngày từ mùng 1 đến mùng 3 tháng 1 âm lịch, kỳ điều hành sẽ được chuyển đến ngày mùng 4 tháng 1 âm lịch. Đây là khác biệt đáng kể với quy định hiện hành khi Nghị định 95 nêu rõ kỳ nghỉ lễ không điều hành giá xăng dầu, dịp Tết Nguyên đán kỳ điều hành sẽ được lùi sang kỳ tiếp theo.
Lý do chọn được Bộ Công Thương lựa chọn phương án trên là nhằm bảo đảm giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới, việc điều hành sẽ được thực hiện kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh những việc giá có biến động lớn trong những dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Liên Bộ Công Thương – Tài chính có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.
Ưu điểm của phương án này là giá xăng dầu trong nước sẽ biến động gần hơn với biến động của giá xăng dầu thế giới. Khi giá tăng sẽ được sự ủng hộ của các doanh nghiệp.
Còn về nhược điểm, Bộ Công Thương cho rằng: Thời gian để thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (từ lúc đặt hàng đến lúc hàng về đến cảng Việt Nam) thường cần khoảng 10-15 ngày. Cho nên khi thị trường có sự bất ổn theo xu hướng bất lợi cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có ý kiến về thời gian điều hành/công bố giá quá ngắn, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp khó đoán định được giá trong nước khi nhập khẩu xăng dầu (đặc biệt khi vào chu kỳ giá đi xuống, ví dụ có thể xảy ra sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine kết thúc).
Trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp
Một điểm đáng chú ý khác đó là tại dự thảo Tờ trình sửa đổi các Nghị định, Bộ Công Thương cũng phân tích ưu nhược điểm của việc sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, trao nhiều quyền tự quyết hơn cho doanh nghiệp.
Việc sửa đổi thực hiện theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá thế giới (giá Platt’s), các loại thuế thu vào ngân sách Nhà nước, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá, định hướng cho việc tính giá xăng dầu.
Các doanh nghiệp căn cứ các chi phí thực tế (gồm các chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển, premium... ) để tự xác định và công bố giá bán lẻ của doanh nghiệp, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát (như đối với các mặt hàng bình ổn giá khác theo quy định tại Luật Giá).
“Đề nghị Bộ Tài chính xem xét, lựa chọn phương án và viết nội dung sửa đổi nghị định để gửi Bộ Công Thương tổng hợp như đã phân công trong ban soạn thảo, tổ biên tập”, dự thảo của Bộ Công Thương đề xuất.
Mong muốn của Ban soạn thảo là đưa giá xăng dầu tiệm cận thị trường, giảm dần sự can thiệp của Nhà nước, bảo đảm phản ánh đủ chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định sửa đổi theo hướng thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu từ 3 đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hợp đồng mua bán xăng dầu, thay vì được mua từ nhiều nguồn như hiện nay.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương tiếp tục bảo lưu quan điểm đại lý xăng dầu chỉ được mua từ 1 nguồn.
Liên quan đến mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, tại dự thảo, Bộ Công Thương giữ quan điểm không quy định cụ thể mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu để các doanh nghiệp chủ động đàm phán với nhau cho phù hợp và linh hoạt với biến động cung cầu của thị trường trong từng giai đoạn.
Bộ Tài chính chủ trì điều hành giá xăng dầu? Đối với trách nhiệm điều hành giá xăng dầu, dự thảo nêu rõ: Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính trong công tác điều hành giá xăng dầu bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu để duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Còn Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá bán xăng dầu, điều hành trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá. Mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá tại thời điểm công bố giá cơ sở thực hiện sau khi thống nhất với Bộ Công Thương. Khi có ý kiến khác nhau, Bộ Tài chính quyết định và chịu trách nhiệm; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Giải thích việc muốn Bộ Tài chính chủ trì điều hành giá xăng dầu, tại dự thảo Tờ trình, Bộ Công Thương nêu rằng: Việc này nhằm tập trung quản lý giá về 1 đầu mối, phù hợp với chức năng nhiệm vụ, chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tài chính. |
Tác giả: Lương Bằng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy