Sáng 24/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật công đoàn (sửa đổi).
Giữ kinh phí công đoàn 2%
Trình bày Báo cáo giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật công đoàn (sửa đổi) tại Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật công đoàn sau khi được chỉnh lý đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam trong tình hình mới" và một số chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân.
Các quy định trong dự thảo luật cũng phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành.
Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh (Ảnh: Media Quốc hội).
Liên quan đến phí công đoàn, dự thảo luật quy định: Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
Việc tiếp tục duy trì 2% kinh phí công đoàn nhằm thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 02 là "Duy trì nguồn lực hiện có; thu kinh phí công đoàn và khuyến khích xã hội hóa nguồn lực để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao".
Nguồn kinh phí này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc bảo đảm nguồn tài chính để công đoàn Việt Nam, nhất là công đoàn cơ sở thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc chăm lo phúc lợi xã hội cho người lao động, đặc biệt là chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Cũng là thể hiện việc đồng hành, phối hợp cùng với doanh nghiệp, người sử dụng lao động quan tâm chăm lo đời sống, phúc lợi, động viên, khích lệ người lao động gắn bó với đơn vị và cũng thúc đẩy doanh nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm hơn đối với người lao động của mình thông qua công đoàn.
Mức phụ cấp cho cán bộ công đoàn cấp cơ sở là rất thấp
Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, hiện nay mức phụ cấp cho cán bộ công đoàn cấp cơ sở là rất thấp, gây khó khăn cho hoạt động và khó thu hút nhân lực tham gia tổ chức công đoàn cấp cơ sở.
Theo đại biểu, tuy dự thảo luật không quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu tài chính công đoàn nhưng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quan tâm, nâng mức phụ cấp cho cán bộ công đoàn cơ sở để phù hợp với trách nhiệm và tình hình hiện tại.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương (Ảnh: Media Quốc hội).
Về bảo đảm hoạt động của công đoàn, đại biểu Trần Kim Yến (đoàn Tp.Hồ Chí Minh) cho biết, các điều khoản trong dự thảo luật đã quy định về tổ chức, bộ máy, cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất và tài chính. Đây là những điều kiện cần thiết để đảm bảo cho hoạt động của tổ chức công đoàn.
Theo đại biểu, một số nội dung này trong dự thảo luật chưa bao quát hết và nên phân chia rõ về tổ chức bộ máy công đoàn và tài chính, tài sản công đoàn.
Về cán bộ công đoàn chuyên trách, đại biểu cho biết có quy định cán bộ công đoàn chuyên trách do công đoàn trả lương từ nguồn tài chính công đoàn. Trong đó cần có quy định sự chủ động về biên chế, số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách theo số lượng công đoàn cơ sở, đoàn viên công đoàn và khả năng chi trả lương từ nguồn tài chính công đoàn.
Đại biểu dẫn chứng có công đoàn cấp huyện quản lý hơn 2.000 công đoàn cơ sở và gần 150.000 đoàn viên công đoàn nhưng chỉ có 13 cán bộ công đoàn thì sẽ rất khó cho hoạt động và chất lượng.
Duy trì 2% kinh phí công đoàn để có nguồn lực chăm lo người lao động
Đại biểu cho biết, dự thảo luật quy định với việc đầu tư nhà ở xã hội, công trình văn hóa thể thao, hạ tầng kỹ thuật có liên quan để phục vụ cho đoàn viên công đoàn và người lao động. Đây là một nội dung mới mà Quốc hội, Chính phủ giao cho công đoàn.
Tuy nhiên, theo nữ đại biểu, nếu chỉ ghi ngắn gọn như vậy trong dự thảo luật và không được cụ thể hóa chi tiết rõ ràng hơn thì sẽ rất khó cho tổ chức công đoàn khi triển khai thực hiện. "Như vậy nếu lúc làm sẽ phải đi xin các bộ, ngành làm kéo dài thời gian, chậm tiến độ thực hiện", đại biểu Yến nói.
Đại biểu Trần Kim Yến, đoàn Tp.Hồ Chí Minh (Ảnh: Media Quốc hội).
Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cho rằng hiện nay số lượng biên chế được giao cho công đoàn ít, trong khi đoàn viên công đoàn, viên chức, lao động liên tục tăng, các liên đoàn lao động tiếp tục phát triển. Như vậy việc quản lý không đảm bảo, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nếu không bố trí thêm cán bộ công đoàn chuyên trách.
Đại biểu đề nghị dự thảo luật giữ quy định giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở.
Nói về quyền của đoàn viên công đoàn, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng dự thảo chưa quy định về quyền của đoàn viên được hưởng các thiết chế văn hóa thể thao, hạ tầng kỹ thuật.
Đại biểu đề nghị bổ sung quyền này và viết theo hướng đoàn viên được hưởng chính sách chăm lo, phúc lợi, thuê nhà ở, các thiết chế văn hóa thể thao có liên quan.
Tác giả: Nguyễn Thu Huyền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy