Dòng sự kiện:
Đề xuất nâng số giờ làm thêm lên tối đa lên 300h/năm với mọi ngành
21/12/2021 06:26:05
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội không giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng như hiện nay, nâng tổng số giờ làm thêm của người lao động với mọi ngành nghề không quá 300h/năm…".

Theo Luật Lao động hiện hành, chỉ một số ngành nghề hay trường hợp cụ thể mới được nâng tổng số giờ làm thêm trong năm tới "trần" 300h/năm (Ảnh: Hoàng Mạnh).

Đây là một nhiệm vụ chính trong Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động do Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành trung tuần tháng 12.

Mục tiêu của Chương trình là từng bước phục hồi và phát triển thị trường lao động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển nguồn nhân lực cho phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước. Bộ LĐ-TB&XH đã đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ chủ yếu.

Thu hút người lao động trở lại làm việc

Một trong những nhóm nhiệm vụ chính của chương trình là nhằm thu hút người lao động quay trở lại thị trường và được đảm bảo an sinh xã hội thông qua việc tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến thông tin trên truyền hình, các trang báo giấy, báo điện tử, cổng thông tin điện tử, các hình thức quảng cáo nơi công cộng, qua kênh phát thanh của các thôn, xóm…

Khuyến khích doanh nghiệp quan tâm, động viên giữ mối liên hệ với người lao động ngoại tỉnh đã trở về quê, có chính sách hỗ trợ về y tế, đi lại để đưa người lao động quay trở lại làm việc khi doanh nghiệp mở dần quy mô hoạt động…

Đẩy mạnh việc nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp các chi phí sinh hoạt tối thiểu về nhu yếu phẩm, thuê nhà trọ, điện nước, y tế bù đắp những khó khăn do tác động của dịch bệnh mang lại mà yên tâm làm việc.

Trong chương trình, Bộ chủ trương tăng cường phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chính sách giảm lãi suất, bổ sung thêm nguồn vốn để hỗ trợ người lao động vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm tự tạo việc làm cho bản thân và cho những người lao động khác.

Khuyến khích doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động về tiền lương, tiền ăn ca, các chế độ bảo hiểm, phúc lợi xã hội khác để giữ chân người lao động.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ thực hiện các giải pháp hỗ trợ thu hút người lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, hỗ trợ thu hút người lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao

Giúp doanh nghiệp sớm phục hồi

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất tăng cường công tác hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất an toàn, phục hồi sản xuất kinh doanh, cụ thể: Hướng dẫn đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh lao động, thực hiện các quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội; hướng dẫn vay tiền để trả lương theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; hỗ trợ vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Theo Điều 107, Bộ Luật Lao động, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300h/năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp, như: Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời...

Đồng thời, Bộ sẽ rà soát các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động khi người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về việc làm thêm giờ và tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300h/năm mà không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động trong một khoảng thời gian nhất định.

Trong việc gia tăng nguồn lao động, Bộ chủ trương hỗ trợ chi phí tuyển dụng lao động thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm; khuyến khích doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn giảm giá tư vấn, cung ứng lao động.

Không chỉ thúc đẩy thị trường trong nước, chương trình phục hồi thị trường cũng hướng tới việc hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đăng ký tuyển chọn nguồn lao động trực tiếp, tổ chức đào tạo trực tiếp cho người lao động tại địa phương phù hợp với diễn biến của dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới.

Bên cạnh đó, nhiều nhóm giải pháp khác cũng được chú trọng triển khai đồng bộ, như: Đào tạo nâng cao chất lượng lao động và phát triển thị trường lao động, hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động, phát triển thị trường lao động đồng bộ và hiện đại, lành mạnh, xây dựng quan hệ lao động lao động hài hòa, ổn định…

Mục tiêu cụ thể phát triển thị trường lao động

Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động do Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành nhằm hướng tới một số mục tiêu cụ thể, như:

Duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%.

Hỗ trợ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất kinh doanh; đặc biệt hỗ trợ để thu hút người lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc;

Hỗ trợ xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất an toàn tạo việc làm cho người lao động nhằm tạo việc làm tốt, có thu nhập bền vững cho người lao động;

Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu của người sử dụng lao động, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại các tỉnh phía nam…

Tác giả: Hoàng Mạnh

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến