Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi để các cá nhân, hộ gia đình thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng Nghị định về hộ kinh doanh là cần thiết nhằm tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, liên thông thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh.
Hiện nay, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh được quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp chỉ quy định hình thức nộp hồ sơ bản giấy trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh, chưa tin học hóa nghiệp vụ, do đó chưa cung cấp được dịch vụ công điện tử.
Trong khi đó, thực hiện chiến lược xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số, hầu hết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân hiện đã có thể thực hiện trên môi trường điện tử.
Tại Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nghiệp vụ đăng ký hộ kinh doanh bước đầu được tin học hóa nhưng chưa triệt để, chủ yếu phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ liên thông thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.
Bên cạnh đó, việc xây dựng Nghị định cũng nhằm khắc phục một số nội dung vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định về đăng ký hộ kinh doanh tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP và Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT.
Cụ thể, về đối tượng thành lập hộ kinh doanh: Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, đối tượng thành lập hộ kinh doanh bao gồm 2 đối tượng là cá nhân và các thành viên hộ gia đình.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định chung về khái niệm "hộ gia đình", gây ra sự lúng túng, khó khăn cho người thành lập hộ kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước trong việc xác định đối tượng đăng ký tham gia thành lập hộ kinh doanh.
Về ngành, nghề kinh doanh: Trên nguyên tắc hộ kinh doanh được kinh doanh tất cả các ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà luật không cấm, cần tiếp tục đơn giản hóa việc ghi ngành, nghề kinh doanh đối với hộ kinh doanh theo hướng chỉ cần kê khai và mã hóa một ngành, nghề kinh doanh chính và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (nếu có) theo mã ngành cấp 4 trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, không phải kê khai các ngành, nghề kinh doanh khác…
Đối tượng thành lập hộ kinh doanh
Dự thảo Nghị định đưa ra 2 phương án quy định về đối tượng thành lập hộ kinh doanh để lấy ý kiến rộng rãi, gồm:
Phương án 1: Đối tương thành lập hộ kinh doanh là cá nhân và thành viên hộ gia đình.
Phương án 2: Đối tượng thành lập hộ kinh doanh chỉ là cá nhân.
Tại Dự thảo Nghị định này quy định về đối tượng thành lập hộ kinh doanh được thiết kế theo Phương án 1, cụ thể như sau:
Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
Thành viên hộ gia đình quy định tại Nghị định này là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh và có nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định tại Nghị định này, trừ các trường hợp sau đây: Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của luật.
3 phương thức đăng ký hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh, người thành lập hộ kinh doanh hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký hộ kinh doanh với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện theo một trong các phương thức sau đây:
Thứ nhất, đăng ký trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.
Thứ hai, đăng ký qua dịch vụ bưu chính.
Thứ ba, đăng ký qua mạng thông tin điện tử.
Hồ sơ, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh
Tại dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh.
Theo dự thảo, người thành lập hộ kinh doanh gửi hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở.
Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bao gồm: Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh; Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và gửi Thông báo về cơ quan thuế quản lý cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Trường hợp sau 3 ngày làm việc kể từ ngày Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà người thành lập hộ kinh doanh không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Đối với thủ tục đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử sử dụng chữ ký số. Người nộp hồ sơ kê khai thông tin, tải văn bản điện tử, ký xác thực hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử và thanh toán lệ phí đăng ký hộ kinh doanh theo quy trình trên Hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh.
Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh, người nộp hồ sơ sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử.
Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện cấp đăng ký hộ kinh doanh, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện thực hiện cấp đăng ký hộ kinh doanh và thông báo cho hộ kinh doanh về việc cấp đăng ký hộ kinh doanh. Trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện cấp đăng ký hộ kinh doanh, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi thông báo qua mạng thông tin điện tử cho hộ kinh doanh để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Tác giả: Tuệ Minh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Các dụng cụ đốt trầm hương
- Dịch vụ chuyển văn phòng trọn gói Kiến Vàng
- Cho thuê xe tải chở hàng giá rẻ
- outsourced finance and accounting
- warehouse design build in viet nam
- Bài viết phong thủy làm ăn Sobanhang
- Đăng ký mua tên miền Việt Nam, quốc tế
- Đồng hồ decor bàn làm việc
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy