Đèo Cả vào guồng
26/09/2014 13:49:15
ANTT.VN - Trời tối nhanh hơn khi tiết thu cộng với cơn mưa đầu mùa đổ nhanh xuống triền núi. Dọc quốc lộ, những chiếc xe tải lặc lè, mò mẫm bám bánh xuống vệ đường tìm lối đi trên con dốc quanh co Đèo Cả đầy mối ẩn nguy. Bên cung đường “trên núi dưới vực” ấy, nhiều người công nhân đêm hôm vẫn cùng máy móc, đưa mũi khoan cần mẫn để xuyên núi đào hầm cho những chuyến xe an toàn trên công trình trọng điểm quốc gia…

Ánh sáng bên đỉnh đèo

Đi hơn nửa con dốc của Đèo Cả, địa giới hành chính tỉnh Khánh Hòa lùi dần trong ánh sương đêm. Đón chào khách lạ, tỉnh Phú Yên hiện dần ra trước mắt bởi cánh rừng ngút ngàn trong tầm mắt. Trong màu xanh thăm thẳm ấy, khách với các địa bàn miền núi thường thấy, nhiều điểm dân cư dần xuất hiện và sống tập trung hơn.

Từ xa, như một phố thị thu nhỏ giữa núi rừng, những căn nhà kiên cố, được xây dựng trên nền đất thênh thang 200m2. Bà Nguyễn Thị Duyên, chủ hộ thuộc khu tái định cư số 1, cho biết, trước đó, cả gia đình sinh sống ở thôn Hảo Sơn (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa) với điều kiện vật chất, hạ tầng chưa thật sự tốt. Do phải bàn giao mặt bằng cho Nhà nước xây hầm Đèo Cả, nên gia đình được cấp tái định cư tại lô N1 này. 

Một góc khu tái định cư N1 nhìn từ hướng công trường Đèo Cả.

Một chủ hộ tên Thái ở đây cho biết thêm, khu N1, nếu trước đây người dân sống rải rác, không tập trung, thì hiện nay, khi chủ đầu tư dự án đang “đào hầm trong đó” chi tiền, giải phóng mặt bằng thì người dân về đây xây nhà ở ngay. “Sống tập trung có làng xóm, tắt lửa tối đèn có nhau, nếu trước đó hoàn cảnh gia đình mỗi người một khác, thì về đây nhà ai cũng to và chắc chắn lắm”, ông Thái chia sẻ.

Không chỉ có bà Duyên, ông Thái, hiện đã có 80 hộ dân thôn Hảo Sơn về định cư ở vùng đất mới với điều kiện sinh hoạt, canh tác thuận tiện hơn rất nhiều so với nơi cũ. Đại diện chính quyền địa phương cho hay, những hộ dân về an cư nơi vùng đất mới thuộc diện giải tỏa mặt bằng cho dự án hầm Đèo Cả mà Công ty cổ phần Đèo Cả đang thực hiện. Theo đó, sắp tới sẽ có tổng số 200 hộ dân sẽ về khu N1, biến nơi đây thành khu dân cư đông đúc chứ không sống lẻ tẻ như trước đây.

Màn đêm buông xuống, khi người dân khu tái định cư N1 dần chìm vào giấc ngủ, thì cách đó không xa, công nhân, kỹ sư của các nhà thầu vẫn miệt mài thi công ca ba cho ngày thông hầm đã ấn định.

Người lính trong lòng đất

Những ngày cuối tháng 9, tại gói thầu hầm Cổ Mã, một trong những hạng mục quan trọng trong dự án hầm đường bộ Đèo Cả, cán bộ, kỹ sư, công nhân đang chuẩn bị  các công đoạn cuối cùng cho buổi thông xe dự kiến vào tháng 10 tới đây.

Trước ngày thông xe, từ chân đèo nhìn sang đường hầm Cổ Mã, một hướng ra Bắc, một hướng về Nam, giống như hai mắt rồng trên cơ thể khổng lồ của dãy núi triệu năm tuổi. 

Để kịp tiến độ, công nhân và cán bộ điều hành suốt thời gian qua đều ăn ngủ ở công trường, làm việc gấp rút ba ca liên tục không kể ngày đêm. Trong hầm sâu xuyên lòng núi, công nhân nhà thầu Công ty Sông Đà 10 đang vận hết tốc lực, hoàn thiện những “nét vẽ” cuối cùng cho chiếc hầm nối thông tuyến đường bộ huyết mạch của quốc gia.

Nhà thầu đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng cho lễ thông hầm Cổ Mã vào tháng 10 tới đây.

Tạm dừng tay vì khách lạ, công nhân Lê Văn Hải cho biết bất kể ngày đêm, trên công trường luôn rộn bước người ra vào. Theo Hải, để kịp tiến độ, anh em đã không biết mệt mỏi, xem đó vừa là công việc, vừa là dấu ấn cho cuộc đời xuyên núi mở khai trường.

Mỗi người một việc, những tài xế điều khiển xe chuyên dụng như xe cẩu, xe múc cũng tất bật với guồng máy hoạt động không ngừng nghỉ. “Chuyển đất đá, vật liệu cho dây chuyền khác, mình nghỉ một lúc thì bị dồn ứ nên lao động luôn phải diễn ra”, lái xe tên Vinh cho biết.

Là dự án trọng điểm quốc gia, nên công trường tập trung các nhà thầu tên tuổi lớn, có kinh nghiệm xây dựng đường hầm như Công ty Sông Đà 10, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô – Bộ Quốc phòng.

9 giờ tối, mặc cho đường trơn trượt vì cơn mưa đầu mùa, những đoàn xe chở vật liệu, máy móc vẫn vần rầm rập lăn bánh vào công trường hầm Đèo Cả. Công nhân tan ca thì trở về nơi nghỉ, những người thay ca bước vào buổi làm việc mới như bài đồng ca bất tận giữa núi rừng mênh mông, hẹn ngày mở núi xuyên hầm.

Kỹ sư, người lính Đoàn Văn Thể, cán bộ của Tổng công ty Lũng Lô phụ trách kỹ thuật thi công công trình hầm Đèo Cả  cho hay, với dự án trọng điểm quốc gia thì tiến độ và an toàn tại công trình được đặt lên hàng đầu. Với đặc điểm địa chất ở hầm toàn đá cứng, nhưng những người lính của công ty Lũng Lô vẫn hăng say làm việc, xem đó là vinh dự để sớm đưa công trình cán đích đúng hoặc vượt tiến độ. 

Từng thành công với các công trình đường hầm lớn của đất nước như hầm đường bộ Trường Sơn Đông, dù trưa, tối, nắng hay mưa, những người lính của Lũng Lô vẫn hăng say lao động trên công trường Đèo Cả, góp them nốt nhạc hòa vào gió ngàn cho kịp tiến độ thông hầm, giúp những chuyến xe nối QL1 trở nên an toàn và trọn vẹn hơn. 

Bài 2: Kiểm soát dòng tiền dự án Đèo Cả: 'Lạ' mà 'Hay'

Hoài Thu

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến