Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư – Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công - mã: TCM) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với kết quả kinh doanh sụt giảm.
Cụ thể, quý IV/2023 công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 814,6 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp được cải thiện lên 15,8%, cùng kỳ năm 2022 đạt 16,2%. Doanh thu hoạt động tài chính giảm 67%.
Trong kỳ, chi phí tài chính giảm 41%, trong đó chủ yếu là giảm chi phí lãi vay; chi phí bán hàng giảm nhẹ, 7%. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trừ đi các chi phí, Dệt may Thành Công báo lãi sau thuế cổ đạt 22,3 tỷ đồng, giảm 64% so với quý IV/2022.
Tính chung cả năm 2023, công ty ghi nhận 3.325 tỷ đồng doanh thu thuần và 133,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; giảm lần lượt 23% và 53% so với năm 2022. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong 7 năm qua của doanh nghiệp kể từ năm 2017.
Năm 2023, Dệt may Thành Công đặt mục tiêu mang về 3.927 tỷ đồng doanh thu và 245 tỷ đồng lợi nhuận. Với kết quả đạt được, công ty mới chỉ thực hiện được 85% mục tiêu doanh thu và 55% kế hoạch lợi nhuận.
Đáng chú ý, trong cơ cấu doanh thu cả năm 2023, doanh thu từ thị trường xuất khẩu giảm 41% còn 2.219 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp từ thị trường xuất khẩu giảm 49% còn 313 tỷ đồng.
Bù đắp cho sự suy yếu của thị trường xuất khẩu là sự gia tăng doanh thu của thị trường trong nước với 1.106 tỷ đồng, tăng 93% so với năm 2022. Qua đó cũng giúp lợi nhuận gộp thị trường trong nước tăng 95% lên 185 tỷ đồng.
Trong năm 2023, xuất khẩu của công ty sang thị trường châu Á chiếm 68,9%, trong đó thị trường Hàn Quốc chiếm 24,39%, thị trường Nhật chiếm 19,5%, Trung Quốc chiếm 8,31%, Việt Nam chiếm 6,28%.
Tiếp đến thị trường châu Mỹ chiếm 31,7%, trong đó thị trường Mỹ chiếm 26,73%, Canada chiếm 4,73%. Còn thị trường châu Âu chiếm 3,7%, trong đó Anh chiếm 3,02%.
Phía công ty cho biết, do ảnh hưởng mạnh bởi suy thoái kinh tế, lạm phát cao tại Mỹ và EU trong thời gian qua đã khiến người tiêu dùng Mỹ và EU thắt chặt chi tiêu và giảm tiêu dùng cho những mặt hàng không phải là hàng thiết yếu, trong đó có hàng dệt may. Điều này làm cho tình hình xuất khẩu của Dệt may Thành Công sang các thị trường này giảm sút so với cùng kỳ.
Phía công ty cũng cho biết, hiện đã nhận khoảng 98% doanh thu cho đơn hàng quý I/2024. “Theo dự báo tình hình xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2024 và theo tình hình tiếp nhận đơn hàng hiện tại của công ty, hi vọng năm 2024, tình hình đơn hàng xuất khẩu sẽ tốt hơn năm 2023”, phía công ty cho hay.
Tại thời điểm 31/12/2023, quy mô tài sản của Dệt may Thành Công là 3.279 tỷ đồng, trong đó, khoản tiền, tiền gửi ngân hàng ghi nhận 748 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 18% còn hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó trích lập dự phòng gần 25 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả đạt là 1.269 tỷ đồng, giảm 15% so với đầu năm. Chiếm 92% tổng nợ là nợ ngắn hạn, trong đó nợ vay tài chính ngắn hạn là 632 tỷ đồng, giảm 23%, các khoản vay lớn nhất tới từ ngân hàng Vietcombank hơn 415 tỷ đồng; VietinBank hơn 106 tỷ đồng… Còn nợ vay tài chính dài hạn đến từ ngân hàng Woori Bank giảm mạnh từ 141 tỷ xuống 48 tỷ đồng, giảm 66%.
Cuối năm 2023, Dệt may Thành Công có 2.020 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, trong đó công ty có 687,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và 293 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển.
Tác giả: Nguyễn Thu Huyền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy