ĐHCĐ ngân hàng: Câu chuyện 'vô vọng' của cổ đông nhỏ
20/04/2015 10:10:04
Cứ đến mùa đại hội cổ đông của các ngân hàng, những mâu thuẫn lợi ích giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ lại xuất hiện. Năm nay có phần căng thẳng hơn, khi vấn đề liên quan đến lợi ích của cổ đông nhỏ, đó là cổ tức đã tác động trực tiếp bởi câu chuyện tái cơ cấu.

Tin liên quan

Lần đầu tiên, tại đại hội cổ đông của HDBank, tiếng nói của các cổ đông đã chiến thắng trong việc “mặc cả” trả cổ tức bằng tiền mặt, thay vì cổ phiếu như ý định ban đầu của ban HĐQT HDBank. Tiếc rằng, đây chỉ là một hiện tượng.

Không trả cổ tức để thành ngân hàng lớn?

Đúng như kịch bản đề ra, lợi nhuận năm 2014 của Techcombank đã không dành một phần chia cổ tức cho cổ đông, mặc dù cổ đông phản ứng khá gay gắt tại đại hội cổ đông của ngân hàng này diễn ra vào ngày 18/4.

Nhiều cổ đông cho rằng, việc không chia cổ tức là bỏ qua quyền lợi và không bảo về cổ đông nhỏ lẻ. Họ muốn làm rõ xem HĐQT của Techcombank định không chia cổ tức trong bao lâu nữa?

Tái cơ cấu ngân hàng đang tác động trực tiếp đến lợi ích của cổ đông nhỏ.

Vẫn những lý do cũ của những năm trước, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, nhấn mạnh lợi nhuận năm 2014 của Techcombank sẽ dành để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng và việc không chia cổ tức dự kiến còn kéo dài thêm 3 - 5 nữa.

“Trong bối cảnh huy động vốn khó khăn ngân hàng phải huy động mọi nguồn lực để giữ các chỉ số an toàn vốn và duy trì phát triển, tái đầu tư dài hạn. Do đó, việc chi trả cổ tức chưa được chúng tôi xem xét đến”, ông Hùng Anh nói.

Như vậy, cổ đông của Techcombank có lẽ sẽ phải mất 8 – 10 năm không được trả cổ tức và giá trị của cổ phiếu cũng khó định đoạt khi HĐQT của ngân hàng này cũng chưa có ý định lên sàn niêm yết trong vài năm tới.

Bình luận về quyền lợi của cổ đông trong trường hợp này, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng nếu không chia cổ tức thì ngân hàng phải ghi vào sổ giá trị tăng thêm của vốn góp cho cổ đông.

“Ví như, nếu một cổ đông nhỏ họ góp 30.000 đồng, và mỗi lần không chia cổ tức thì cổ đông được tăng thêm khoảng 5.000 đồng thì phải ghi vào trong sổ sách, để đến khi được chia cổ tức thì tính ra để trả cho cổ đông. Vấn đề này cũng phải công khai cho cổ đông biết để cổ đông không bức xúc”, ông Kiêm bình luận.

Cùng quan điểm trên, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM cũng nhấn mạnh cổ tức không chia thì phải được đưa vào quỹ dự trữ nâng vốn điều lệ. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép mới phát hành cổ phiếu và đưa quỹ dự trữ vào vốn điều lệ.

Trên thực tế, việc công khai phần được tăng thêm cho cổ đông khi không chia cổ tức đã không được HĐQT của Techcombank nhắc đến trong 5 mùa đại hội cổ đông không chia cổ tức. Câu hỏi đặt ra là quyền lợi của cổ đông nhỏ đã bị bỏ quên và tại sao Techcombank lại không trả cổ tức cũng không ghi sổ giá trị tăng thêm cho cổ đông trong thời gian qua?

Về vấn đề này, ông Kiêm cho rằng việc không chia cổ tức là do hội đồng quản trị thông qua ý kiến cổ đông, thường thì cổ đông lớn có tiếng nói trọng lượng hơn và cổ đông nhỏ phải chấp nhận điều này.

Bình luận về quan điểm không chia cổ tức để duy trì vị thế ngân hàng lớn, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lớn cho rằng cần phải xem định nghĩa thế nào là một ngân hàng lớn trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam..

“Đáng tiếc là hiện nay Ngân hàng Nhà nước chưa nêu được tiêu chí để các ngân hàng theo đó mà hoạt động. Còn việc chia cổ tức bằng tiền hay bằng cổ phiếu chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông thôi”, vị này bình luận.

Tiếng nói cổ đông nhỏ rất hạn chế

Một trường hợp nữa cho thấy tiếng nói của cổ đông nhỏ rất hạn chế, đó là BIDV và câu chuyện bắt đầu tư việc ngân hàng này sẽ nhận MHB vào hệ thống với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1.

Thương vụ này được cho là dễ dàng do 2 ngân hàng đều do Nhà nước sở hữu tỷ lệ lớn. Câu chuyện ở đây là những tiếng nói của cổ đông nhỏ về sự lo ngại với giá cổ phiếu của BIDV sẽ bị ảnh hưởng (ít nhất là trong ngắn hạn) đã bị bỏ qua.

Cần phải nói rằng, dù là sở hữu của Nhà nước và "không mất đi đâu cả", nhưng trên thị trường, cổ phiếu của BIDV đang được đánh giá cao hơn MHB. Tuy nhiên, câu chuyện ở đây là tiếng nói của cổ đông nhỏ rất hạn chế và niềm tin của họ bị thách thức, nhưng rồi phải chịu. Lý do đơn giản là vì số tiền họ có thể bỏ vào đầu tư rất ít ỏi so với những cổ đông lớn kia.

Một cổ đông của BIDV trên sàn chứng khoán của CTCK TP.HCM, cho rằng cần phải có một cơ chế nào đấy để bảo vệ những cổ đông nhỏ lẻ, bảo về niềm tin và lợi ích của họ.

Cổ đông này phân tích, với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:1 thì sẽ có một bên bất lợi. Với việc được đánh giá cao hơn, rõ ràng cổ đông của BIDV sẽ bất lợi, còn cổ đông của MHB có lợi hơn. Mức độ bất lợi của cổ đông BIDV tùy thuộc vào mức độ pha loãng cổ phiếu sau khi sáp nhập. Dù phần lớn là của nhà nước, nhưng cũng có các cổ đông nhỏ lẻ ở đây.

Hay như trường hợp ở NamABank, ngân hàng đầu tiên đề cao vai trò của cổ đông nhỏ bằng cách đề xuất tỷ lệ chia cổ tức 9% cho cổ đông nhỏ, 4% cho cổ đông lớn nhưng đã không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Vậy là, dù cổ đông nhỏ được để ý nhiều hơn thì trong bối cảnh hiện tại quyền lợi của họ vẫn bị ảnh hưởng bởi chính sách của cơ quan quản lý trực tiếp của các ngân hàng.

Câu chuyện cổ tức của năm 2015 sẽ phải chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước dù luật bất thành văn. Trước đó, tại đại hội cổ đông của các ngân hàng như VIB, LienVietPostBank… cũng cho thấy sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước trong việc chi trả cổ tức. Dường như, câu chuyện tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng đang tác động trực tiếp đến lợi ích của những cổ đông nhỏ.

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến