Dòng sự kiện:
ĐHĐCĐ CKG: Bầu bổ sung thành viên HĐQT, huy động vốn thêm 500 tỷ đồng
02/06/2024 12:30:14
Toàn bộ các tờ trình Đại hội của CKG đều được thông qua, đặc biệt nội dung miễn nhiệm và bầu bổ sung 4 thành viên HĐQT, 1 thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2021-2026.

Diễn biến ĐHĐCĐ Tập đoàn Tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang (mã chứng khoán CKG) năm 2024 diễn ra chiều 1/6 tại Kiên Giang thành công ngay trong lần 1, trái ngược hoàn toàn với không khí của ĐHĐCĐ 2023 - khi phải tổ chức ĐHĐCĐ lần 2 với hầu hết các tờ trình không được thông qua.

Đây là tín hiệu cho thấy đã có được sự đồng thuận cao giữa các nhóm cổ đông tại Công ty.

Năm 2024, CKG đặt mục tiêu doanh thu ở mức 1.220 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,3% so với thực hiện năm 2023, đóng góp 95% từ lĩnh vực bất động sản, và doanh thu khác 5%. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế 142 tỷ đồng, cùng bằng 96% so với kết quả đạt được năm trước do tỷ suất lợi nhuận nhà ở xã hội thấp nhưng chiếm 60% tổng cơ cấu doanh thu năm 2024.

CKG dự báo tình hình thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng nên để giải phóng hàng tồn kho, thu hồi vốn, cũng như giảm chi phí bảo trì bảo hành, Công ty dự kiến thực hiện các chương trình khuyến mãi giảm giá nên dự báo tỷ suất lợi nhuận các căn nhà ở thương mại giảm so với năm cùng kỳ.

Trong năm 2024, CKG tập trung đẩy nhanh và hoàn thành thủ tục pháp lý về đầu tư, đất đai để sớm triển khai các dự án đủ điều kiện mở bán. Đồng thời, phối hợp các cơ quan chức năng quyết liệt giải phóng mặt bằng để triển khai thi công và bán hàng các dự án năm 2024 nhằm có sản lượng gối đầu chuẩn bị các năm tiếp theo theo lộ trình phát triển doanh nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp để tạo doanh thu và tính thanh khoản cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Triển khai thêm một số dự án tiềm năng mới để tạo sản phẩm gối đầu.

Trả lời cổ đông về tiến độ pháp lý các dự án của tập đoàn, bà Phạm Thị Như Phượng, Tổng giám đốc công ty cho biết, do tờ trình phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong năm qua chưa được thông qua, nên công ty có thiếu hụt nguồn vốn khoảng 221 tỷ đồng. Trong quá trình đó, HĐQT, Ban điều hành CKG thống nhất sẽ biến các quỹ đất sạch của công ty thành quỹ đất có giá trị, tức bên cạnh là đất sạch thì hoàn thiện hồ sơ pháp lý, tiền sử dụng đất, tiền giao đất đầy đủ… để khi thị trường phục hồi thì công ty sẵn sàng bán hàng, mang về dòng tiền, doanh thu - lợi nhuận.

Trong năm 2023, CKG còn thực hiện một số hoạt động khác nổi bật như sau: Khai trương văn phòng đại diện CIC Group tại Phú Quốc. Đồng thời, công ty khởi công dự án Khu biệt thự cao cấp Rivera Villas Phú Quốc tại thị trấn Dương Đông, Thành phố Phú Quốc; Khánh thành Tòa nhà CIC Building làm trụ sở làm việc của Công ty thành viên.

Tình hình thực hiện các dự án trong năm 2023 đã hoàn thành một phần thủ tục giao đất, nộp tiền sử dụng đất tại dự án như Dự án tuyến dân cư đường số 2 phường Vĩnh Quang.

Về triển khai thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thi công nhà ở tại các dự án: Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Nhà ở xã hội Khu đô thị mới lấn biển Tây Bắc (7,04ha); Dự án Khu biệt thự cao cấp Phú Quốc Riverside Villas (5,76ha) và các vị trí mới được giao đất thuộc dự án Khu dân cư Nam An Hòa và An Bình (TP. Rạch Giá).

Bà Phượng cho biết, các dự án trọng điểm của CKG trong năm nay, bên cạnh các dự án chuyển tiếp, trong năm 2024, phấn đấu đưa vào kinh doanh các dự án đã cơ bản hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư. Tại TP. Rạch Giá, dự án Khu dân cư Chợ nông hải sản trung tâm thương mại Rạch Giá, dự án Tuyến dân cư đường số 2 phường Vĩnh Quang (khoảng 10ha), dự án Khu dân cư Bắc Vĩnh Quang, phường Vĩnh Quang (giai đoạn 1, 2). Các dự án này đang định giá, dự kiến quý III/2024 sẽ nộp tiền sử dụng đất.

Tại TP. Phú Quốc, công ty tiếp tục triển khai bán hàng Dự án Khu biệt thự cao cấp Phú Quốc Riverside Villas (tên thương mại Rivera Villas), triển khai bán hàng dự án Khu biệt thự cao cấp Búng Gội tại xã Cửa Dương, TP. Phú Quốc.

Tại cả hai thị trường trên, dự án trọng điểm của công ty đều đã sẵn sàng các điều kiện để triển khai kinh doanh.

Phát hành cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 2:1

CKG có tờ trình huỷ bỏ tờ trình phát hành hơn 13,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp do phương án phát hành đã kéo dài 3 năm, không còn phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn phục vụ hoạt động kinh doanh giai đoạn 2023 -2025.

Đồng thời, CKG cũng có tờ trình phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 20%. Đồng thời, CKG dự kiến phát hành cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50%, giá phát hành 10.500 đồng/cổ phiếu qua đó huy động hơn 500 tỷ đồng.

Qua 2 đợt phát hành, vốn điều lệ tăng lên 1.613 tỷ đồng.

Nguồn vốn dự thu từ đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu hơn 500 tỷ đồng, sẽ được dùng để giải ngân 350 tỷ đồng thanh toán một phần trái phiếu đến hạn, số còn lại thanh toán nợ ngắn hạn, bổ sung vốn lưu động.

Theo CKG, việc huy động vốn sẽ giúp công ty vừa đảm bảo vốn đối ứng tại các dự án đang và sẽ triển khai, vừa đảm bảo nguồn vốn sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn về vốn tín dụng như hiện nay.

Theo bà Phượng, sau khi thanh toán các các mục trên, công ty sẽ sử dụng các nguồn lực khác để phân bổ đầu tư các dự án tiềm năng của công ty, qua đó, công ty doanh thu, lợi nhuận và có thể trả cổ tức mà không ảnh hưởng các tỷ lệ tài chính, tỷ lệ sinh lời của công ty.

Sẽ nới room ngoại lên 49%

Nhà đầu tư đặt câu hỏi về việc công ty có các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, liệu có nhà đầu tư nào sẽ rót vốn đầu tư vào công ty hay không?

Bà Phượng cho biết,trong tờ trình số 4, có nội dung sửa đổi bổ sung ngành nghề kinh doanh. Hiện room ngoại của CKG đang ở mức 0%, theo đó, công ty cũng xin trả trả các ngành nghề nằm trong quy định hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Đây là bước đệm để công ty tiến hành nới room ngoại lên 49%, qua đó rộng đường đón các sự hợp tác của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với định hướng phát triển của công ty.

Thời gian qua, công ty đón nhiều đoàn nhà đầu tư nước ngoài tới tham quan, tìm hiểu, về chiến lược, hoạt động kinh doanh của công ty nhưng chưa có sự thoả thuận cụ thể nào vì room ngoại chưa mở. Công ty sẽ có thông báo tới cổ đông nếu “chốt” được nhà đầu tư nước ngoài.

Chia sẻ thêm tại Đại hội, ông Trần Thọ Thắng, Chủ tịch HĐQT CKG cho biết, tới nay, công ty đã kiện toàn công tác nhân sự nên hy vọng hoạt động kinh doanh sẽ có nhiều hỗ trợ hơn.

Trong giai đoạn 2019-2020, thị trường gặp khó vì Covid-19, giai đoạn từ 2021 tới nay cũng nối dài các khó khăn, đặc biệt tình hình sử dụng vốn của doanh nghiệp bất động sản. Nhiều doanh nghiệp phải cân đo đong đếm trong việc đầu tư dự án, với CKG, đã lựa chọn tập trung cho dự án Nhà ở xã hội đáp ứng được nhu cầu thực của người dân.

Theo 3 bộ Luật mới, thì định hướng hoạt động của công ty hoàn toàn phù hợp, theo đó, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu thị trường thật chuẩn, lựa chọn phân khúc chuẩn, để đảm bảo công tác bán hàng tốt. Chẳng hạn, làm nhà ở xã hội không đơn giản, nhưng công ty đã có nhiều kinh nghiệm với phân khúc này.

Thị trường bất động sản có phần nhích lên một chút, dự kiến 2023-2024 công ty tập trung nhà ở xã hội dù tỷ suất lợi nhuận không cao nhưng đáp ứng được nhu cầu thực tại địa phương, chuẩn bị cho sự phục hồi bất động sản. Ban Điều hành đã tính toán chuẩn bị quỹ đất để tiến hành khai thác mạnh hơn từ 2024-2025.

Về câu chuyện nhà đầu tư nước ngoài, nếu tham gia vào công ty sẽ tăng thêm giá trị, mang đến nguồn lực tài chính, hỗ trợ cải thiện quản trị…

ĐHĐCĐ cũng tiến hành miễn nhiệm và bầu cử bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị, thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2021-2026.

Cụ thể, thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT gồm bà Nguyễn Thị Hoa Lệ, ông Nguyễn Đức Hùng, ông Nguyễn Thanh Lâm, ông Hà Duy Nghiêm; miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát đối với bà Nguyễn Bích Nghĩa.

Kết quả bầu bổ sung, cả 4 ứng cử viên đều trúng cử là thành viên HĐQT gồm ông Đinh Thanh Tâm, ông Nguyễn Xuân Dũng, ông Đinh Thanh Thảo, và ông Trần Văn Vinh. Với Ban kiểm soát, ông Võ Văn Ý trúng cử.

Kết thúc Đại hội, toàn bộ tờ trình đều được thông qua.

Tác giả: Nhã An

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến