Ảnh minh họa
Tăng vốn được xem là một trong những “điểm nóng” mùa đại hội năm nay, ông có thể chia sẻ rõ hơn?
Đúng như vậy, chuyện tăng vốn của các ngân hàng đang nhận được rất nhiều sự quan tâm. Như chúng ta biết, đến năm 2020 các ngân hàng phải đảm bảo mức vốn tự có và tỷ lệ an toàn vốn đáp ứng theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Nếu áp dụng theo Thông tư 41, nhiều khả năng hệ số CAR của không ít ngân hàng sẽ giảm xuống thấp hơn 8% - tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo tiêu chuẩn mới. Điều này khiến các nhà băng hiện đang phải rất nỗ lực để tăng được vốn.
Song cũng cần phải nói thêm rằng, việc tăng vốn không chỉ chịu áp lực từ phía tuân thủ Thông tư 41, mà tăng vốn liên quan tới phát triển hoạt động. Vốn càng lớn, thì hoạt động cho vay càng được mở rộng và phát triển. Tăng vốn cũng là để ngân hàng có thể đầu tư vào hạ tầng cơ sở, vào hệ thống công nghệ thông tin - yêu cầu bức thiết và khẩn trương trong bối cảnh hiện nay. Như vậy, nhu cầu tăng vốn là để phục vụ cho nhiều mục tiêu khác nhau của ngân hàng.
Tuy nhiên, tăng vốn không phải chuyện dễ. Vốn có thể từ ba nguồn chính. Trước hết là nội bộ: tăng vốn thông qua việc tích luỹ lợi nhuận, nhưng ở đây lợi nhuận phải là lãi thực, chứ không phải lãi chỉ dừng trên sổ sách của ngân hàng. Đó là chưa kể ngân hàng còn phải tính toán tới chuyện chia cổ tức nên nội lực để tăng vốn là rất hạn chế.
Thứ hai, việc phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thì nhiều ngân hàng đã làm rồi, nhưng nguồn tài chính trên thị trường chứng khoán cũng không nhiều. Và nguồn vốn thứ ba đang được nhiều ngân hàng để ý tới là từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cũng không thật sự rộng cửa, bởi thị trường ngân hàng Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu hệ thống nên các nhà đầu tư ngoại cũng có những thận trọng nhất định.
Còn chuyện ngân hàng niêm yết, hay thay đổi nhân sự?
Vấn đề các ngân hàng lên sàn theo tôi cũng là điểm thu hút, bởi hoạt động kinh doanh năm 2018 của nhà băng ghi nhận những gam màu sáng, cộng thêm việc nợ xấu của nhiều ngân hàng có xu hướng giảm sẽ tác động tích cực tới điều kiện ngân hàng có thể niêm yết.
Song mặt khác, cũng cần nhìn nhận rằng dù thời gian qua một số nhà băng đã chào sàn UPCoM, nhưng để được lên sàn chính thức thì cũng vẫn còn khoảng cách nữa. Bởi tất cả báo cáo tài chính phải thật sự gây ấn tượng tốt, cộng thêm việc lên sàn phải dựa vào thời cơ thuận tiện. Giá cổ phiếu phụ thuộc diễn biến thị trường, đặt trong bối cảnh hiện nay, thị trường chứng khoán đang ở giai đoạn khó đoán định sẽ tác động rất lớn tới điều kiện ngân hàng lên sàn.
Còn với việc “thay máu” nhân sự cấp cao, thực tế thay đổi nhân sự trong ngành Ngân hàng 5 năm vừa qua diễn ra tương đối mạnh mẽ, khi hệ thống có sự cải tổ. Năm nay theo tôi khả năng cao sẽ có nhiều thay đổi trong lãnh đạo của hệ thống NHTM và đây cũng là vấn đề sẽ nhận được nhiều sự quan tâm tại ĐHĐCĐ lần này, trong bối cảnh toàn hệ thống đang tích cực tiến tới Basel II, việc gia nhập CPTPP cũng khiến các nhà băng nội cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài...
Theo ông thì còn những vấn đề gì cần lưu ý?
Về cổ tức, với các NHTMCP họ luôn tìm cách chia cổ tức khoảng 50%/lợi nhuận sau thuế để làm “hài lòng” cổ đông, những vấn đề chia cổ tức là sẽ chia bằng tiền mặt hay bằng cổ phiếu. Trước áp lực tăng vốn hiện nay, sẽ có không ít nhà băng cố gắng thuyết phục cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu để giữ lại lợi nhuận tăng vốn.
Với các NHTM Nhà nước, câu chuyện có thể còn khó khăn hơn. Một số NHTM Nhà nước nhiều năm nay vẫn đề nghị được giữ lại lợi nhuận, trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, đảm bảo hệ số CAR. Song chưa được chấp thuận.
ĐHĐCĐ thường niên cũng là thời điểm ngân hàng đưa ra các chỉ tiêu kinh doanh. Về lợi nhuận năm nay, tôi cho rằng mặt bằng chung nhiều khả năng sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng khả quan của hệ thống NHTM. Nhưng cũng cần lưu ý về khả năng gia tăng nợ xấu. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng vừa có văn bản yêu cầu các nhà băng phải thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ để đảm bảo tuân thủ đúng quy định, phản ánh đúng kết quả kinh doanh thực của ngân hàng.
Xin cảm ơn ông!
Theo Thời báo ngân hàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy