Chủ tịch Đặng Thành Tâm không tham dự trực tiếp
Tại Đại hội, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Saigontel bất ngờ không tham dự trực tiếp tại Đại hội mà tham gia trực tuyến, đồng thời ủy quyền cho bà Nguyễn Cẩm Phương, Tổng giám đốc điều hành Đại hội.
Mở đầu Đại hội, Chủ tịch Đặng Thành Tâm kỳ vọng năm 2024 sẽ rất tốt, Công ty sẽ hướng tới tăng trưởng xanh. Trong đó, Công ty sẽ tiên phong phát triển khu công nghiệp xanh, chính vì các nhà máy đặt nhà máy ở khu công nghiệp và xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu … sẽ yêu cầu tăng trưởng xanh, vì Công ty sẽ đi đầu phát triển khu công nghiệp xanh.
“Năm 2024 sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, doanh thu cao hơn và lợi nhuận cao hơn, đây là một phương án khiêm tốn. Công ty có 350 ha đất khu công nghiệp sẵn sàng cho thuê, ngoài ra, Công ty cùng với chính quyền TP.HCM tham gia phát triển thành phố sáng tạo để thu hút các doanh nghiệp nghiên cứu”, ông Đặng Thành Tâm nhấn mạnh.
Về kế hoạch tài chính, trong năm 2024, Saigontel tiếp tục lên kế hoạch tham vọng với doanh thu 4.000 tỷ đồng, tăng 205,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế dự kiến 450 tỷ đồng, tăng 490,5% so với thực hiện trong năm 2023.
Trước đó, trong năm 2023, Saigontel cũng lên kế hoạch tham vọng, nhưng kết thúc năm tài chính, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 1.390 tỷ đồng, giảm 9,92% so với cùng kỳ và hoàn thành 47,6% so với kế hoạch; và lợi nhuận trước thuế đạt 76,2 tỷ đồng, giảm 29,19% so với cùng kỳ và hoàn thành 18,5% so với kế hoạch.
Tại Đại hội, bà Nguyễn Cẩm Phương, Tổng giám đốc cũng chia sẻ định hướng kinh doanh chi tiết, đối với lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, Saigontel cho biết đang sở hữu và đầu tư hơn 7 khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Bao gồm dự án Khu công nghiệp Đại Đồng Hoàn Sơn - Giai đoạn 2 với diện tích 95,8ha; Cụm Công nghiệp Tân Phú 1 và Tân Phú 2 với diện tích 131 ha; dự án Cụm công nghiệp Lương Sơn với diện tích 34,53 ha; dự án Khu công nghiệp Nam Tân Tập với diện tích 244,74 ha; dự án nhà xưởng cho thuê tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng quy mô 14,9 ha, tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng …
Đối với các dự án bất động sản đô thị, Saigontel triển khai nhiều dự án ở các thành phố khác nhau như triển khai dự án chung cư Saigontel Central Park với diện tích 19.095 m2, vốn đầu tư 210 tỷ đồng; dự án nhà ở xã hội Bàu Tràm hợp tác với CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng triển khai trên diện tích 265.738 m2, vốn đầu tư 2.273 tỷ đồng cho hai giai đoạn; dự án trung tâm thương mại, dịch vụ và nhà ở cao cấp tại 300A-B Nguyễn Tất Thành, phường 13, quận 4, dự án hợp tác với CTCP Dệt may Viễn Thông Sài Gòn Vi Na trên diện tích 46.710 m2, tổng vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng; và dự án Khu đô thị thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hoà với diện tích 123.620m2, tổng vốn đầu tư 983,8 tỷ đồng.
Đẩy mạnh huy động vốn trong năm 2024
Để đáp ứng việc triển khai đồng bộ nhiều dự án, trong năm 2024, Saigontel tiếp tục thu xếp nguồn vốn từ 3.000 tỷ đồng đến 3.500 tỷ đồng qua qua việc tăng vốn từ đối tác chiến lược, vay vốn ngân hàng, các định chế tài chính.
Về chính sách phân phối lợi nhuận, trong năm 2023, Saigontel thông qua không trả cổ tức cho cổ đông.
Cũng tại Đại hội, Saigontel thông qua kế hoạch chào bán 75 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tỷ lệ 50,7% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành), giá chào bán ủy quyền cho HĐQT quyết định và dự kiến triển khai trong năm 2024. Trong đó, cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng 36 tháng đối với cổ đông chiến lược và hạn chế 12 tháng đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Toàn bộ số tiền huy động, Saigontel dự kiến bổ sung vốn lưu động; tái cơ cấu lại các khoản nợ vay; tăng quy mô hoạt động, đầu tư góp vốn vào công ty con, liên kết.
Năm 2023, Saigontel cũng thông qua kế hoạch chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tỷ lệ 67,6% tổng số cổ phiếu lưu hành), dự kiến triển khai trong năm 2023 với mục đích bổ sung vốn lưu động, tái cơ cấu lại nợ vay, tăng quy mô hoạt động, đầu tư góp vốn vào công con, công ty liên kết, liên doanh.
Tuy nhiên, thực tế, Saigontel chưa triển khai chào bán cổ phiếu và năm 2024 đã hạ lượng cổ phiếu chào bán từ 100 triệu về 75 triệu cổ phiếu riêng lẻ.
Phần thảo luận:
Đối với dự án bất động sản thương mại hợp tác với CTCP Dệt may Viễn Thông Sài Gòn Vi Na, ban lãnh đạo có thể chia sẻ cụ thể tình trạng pháp lý, thời điểm khởi công và dự phóng sức tiêu thụ của dự án?
Tổng giám đốc Nguyễn Cẩm Phương: Dự án đã hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước, dự án chậm triển khai do tình trạng chung về thủ tục pháp lý và đang chờ cơ quan nhà nước chấp thuận.
“Đây là dự án duy nhất phức hợp căn hộ - văn phòng, lợi nhuận sẽ rất tốt, Công ty đang lựa chọn đối tác nước ngoài để triển khai trong thời gian tới”, bà Nguyễn Cẩm Phương nhấn mạnh.
Dự án kết hợp với CTCP Dệt may Viễn Thông Sài Gòn Vi Na nằm tại 300A-B Nguyễn Tất Thành (quận 4, TP.HCM) với quy mô 46.710 m2, tổng vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2023, Công ty chỉ có 189 tỷ đồng tiền mặt, trong khi nhu cầu đầu tư từ 3.000 đến 3.500 tỷ đồng, việc đầu tư dàn trải nhiều dự án cùng một thời điểm, bằng cách nào và hiện tại đã có đối tác nào cam kết, hỗ trợ vốn cho Công ty, cũng như phương án phát hành riêng lẻ 75 triệu cổ phiếu đã có đối nào cam kết góp vốn?
Chủ tịch Đặng Thành Tâm: Hiện nay, vốn chủ sở hữu không còn nhiều, Công ty cần tăng vốn để nhận thêm dự án khác. Hiện tại, liên quan rất nhiều tới các công ty mà công ty đã thành lập, các đơn vị thành viên như đơn vị quản lý dự án KCN Nam Tân Tập đã thành lập và nhận được cam kết góp vốn, cấp hạn mức vay vốn.
Ban lãnh đạo chia sẻ về thực tế thu hút khách hàng thuê đất tại KCN Đại Đồng Hoàn Sơn - giai đoạn 2, Cụm Công nghiệp Tân Phú 1 và Tân Phú 2, Cụm Công nghiệp Lương Sơn, dự án KCN Nam Tân Tập…, hiện nay có rủi ro cạnh tranh khi nhiều doanh nghiệp cùng tham gia phát triển lĩnh vực bất động sản công nghiệp trong khi dòng vốn FDI đang có dấu hiệu tăng chậm và nhiều dự án giãn tiến độ đầu tư trong thời gian vừa qua?
Chủ tịch Đặng Thành Tâm: KCN Đại Đồng Hoàn Sơn - giai đoạn 2 đã có giấy phép và đã đền bù từ lâu, nhưng không thi công được để bàn giao khách hàng, mặc dù đã nhận đặt cọc gần hết. Gần đây, sự quan tâm của chính quyền địa phương đã hoàn thành giải phóng hoàn toàn khoản 100 ha, sắp tới công ty sẽ chọn thầu và xây dựng cơ sở hạ tầng, năm nay sẽ bàn giao cho khách hàng.
“Giá cho thuê dự án KCN Đại Đồng Hoàn Sơn - giai đoạn 2 trước đây chỉ dưới 100 USD/m2, nhưng nay đã lên tới 150 USD/m2”, ông Tâm chia sẻ thêm.
Chủ tịch Đặng Thành Tâm cho biết các dự án mà Công ty có khoảng 350 ha đã đền bù giải phóng và cho thuê trong năm nay, tính ra số tiền đền bù lớn. Trong năm nay sẽ đền bù giải thêm, nếu thuận lợi được nhiều sẽ có nhiều quỹ đất hơn.
Tác giả: Duy Bắc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy