Dòng sự kiện:
Đi cùng xu thế chung của ngành thép, Hoa Sen cũng báo lãi sụt giảm
01/08/2022 09:32:03
Quý III niên độ tài chính 2021-2022, Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế giảm 84% so với cùng kỳ, ở mức 265 tỷ đồng.

Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) công bố báo cáo tài chính quý III niên độ tài chính 2021-2022 (từ 1/4 - 30/6) với doanh thu và lợi nhuận đồng loạt giảm.

Cụ thể, Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 12.177,2 tỷ đồng, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán lại tăng 6% lên 10.582 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận gộp của Tập đoàn giảm 46%, còn 1.595 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính cũng lao dốc 71% còn 44 tỷ đồng do không còn khoản lãi lớn từ hoạt động đầu tư như cùng kỳ năm ngoái. Chi phí tài chính tăng thêm gần 68 tỷ đồng, chủ yếu do chênh lệch tỉ giá. Các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng cao hơn trước.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen quý III niên độ tài chính 2021-2022 giảm 84% so với cùng kỳ 2021, còn 265 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu niên độ (từ 10/2021 đến 6/2022), Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần tăng 27% lên 41.772 tỷ đồng và lãi sau thuế giảm 66% còn 1.138 tỷ đồng.

Cả niên độ 2022 (từ 1/10/2021 đến 30/9/2022), Tập đoàn của Chủ tịch Lê Phước Vũ đặt mục tiêu doanh thu 46.399 tỷ đồng, lãi sau thuế trong khoảng 1.500 - 2.500 tỷ đồng. Các con số này đều thấp hơn mức thực hiện trong niên độ trước. Như vậy, sau 9 tháng đầu niên độ 2022, Hoa Sen đã thực hiện 90% kế hoạch doanh thu và khoảng 46 - 76% kế hoạch lợi nhuận.

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Hoa Sen giảm 13,3% so với đầu năm về 23.079 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 12.344,6 tỷ đồng, chiếm 53,5% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 5.997,6 tỷ đồng, chiếm 26% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.997,6 tỷ đồng, chiếm 8,7% tổng tài sản và các tài sản khác.

Tồn kho của Hoa Sen chủ yếu là 6.925 tỷ đồng nguyên liệu, vật liệu; 3.506 tỷ đồng thành phẩm; 587,5 tỷ đồng công cụ, dụng cụ… Mặc dù sở hữu tồn kho lớn nhưng tính tới 30/6/2022, Tập đoàn chỉ trích lập dự phòng giảm giá tồn kho là 158,8 tỷ đồng, thấp hơn đầu năm.

Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 12,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 831,5 tỷ đồng lên 7.667 tỷ đồng và chiếm 33,2% tổng nguồn vốn.

Hoa Sen không phải là doanh nghiệp ngành thép duy nhất có kết quả kinh doanh sa sút trong quý vừa qua. Tập đoàn Hòa Phát - nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam với sản lượng 8 triệu tấn/năm cũng công bố lợi nhuận sau thuế quý II/2022 chỉ đạt 4.023 tỷ đồng, giảm gần 59% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận của Thép Nam Kim cũng lao dốc 76% còn 201 tỷ đồng. Lãi sau thuế của Gang thép Cao Bằng và Đầu tư Thương mại SMC giảm lần lượt 88% và 92%. Thép Mê Lin và Thép Tiến Lên cũng báo lãi đi xuống tương ứng 93% và 85%. Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) và Thép Thủ Đức thậm chí còn báo lỗ.

Nguyên nhân mà các doanh nghiệp này đưa ra là giá nguyên liệu đầu vào và giá vốn hàng tồn kho cao, trong khi giá bán có xu hướng giảm trong nửa cuối quý II. Ngoài ra, chi phí tài chính tăng vọt vì lãi suất lên cao cũng tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp thép….

Tác giả: Nguyễn Thu Huyền

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến