Di dời xong cảng Sài Gòn vào quý 1-2016
16/06/2014 09:49:34
Việc di dời cảng Sài Gòn ra khỏi khu vực nội thành sẽ được hoàn tất trong quý 1-2016.

Việc di dời cảng Sài Gòn ra khỏi khu vực nội thành sẽ được hoàn tất trong quý 1-2016.

 

Cảng Sài Gòn sẽ phải di dời ra khỏi khu vực nội thành - Ảnh: Anh Quân

 

Theo báo cáo tiến độ của Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về tiến độ di dời cảng Sài Gòn, từ tháng 1-2014, cảng đã thành lập pháp nhân thực hiện dự án chuyển đổi công năng, Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông đang lập quy hoạch chi tiết và lập báo cáo đầu tư theo phương án điều chỉnh tăng quy mô dân số đã được UBND TPHCM chấp thuận.

 

Theo thỏa thuận, Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông sẽ tạm ứng vốn để xây dựng hoàn thiện Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, đường D3 và các chi phí khác phục vụ di dời cảng Sài Gòn.

 

Cụ thể, từ nay đến năm 2015, dự án cảng Sài Gòn - Hiệp Phước cần thêm 850 tỉ đồng để hoàn tất xây dựng giai đoạn 1, đáp ứng được năng lực di dời khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội.

 

Còn đối với đường D3 để kết nối vào Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, dự kiến khởi công vào tháng 8-2014 và thi công trong 14 tháng.

 

Theo tiến độ cam kết, cảng Sài Gòn phải di dời, bàn giao mặt bằng khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông để thực hiện dự án chuyển đổi công năng trong quý 1-2016.

 

Cảng Sài Gòn có 5 chi nhánh và 3 công ty hoạt động trong khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội phải di dời trụ sở làm việc, địa điểm sản xuất ra Hiệp Phước. Hiện tại, số lượng lao động đang làm việc tại các đơn vị thuộc cảng Sài Gòn là 1.458 người.

 

Theo Quyết định 46/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TPHCM có 5 cảng phải di dời ra khỏi nội thành trước năm 2010, song đến nay mới chỉ có Tân cảng Sài Gòn đã di dời đến Cát Lái, còn những cảng khác vẫn đang trong quá trình di dời.

 

Trong đó, quá trình di dời nhà máy đóng tàu Ba Son gặp nhiều vướng mắc nên Chính phủ đã đồng ý cho lùi thời hạn di dời đến năm 2015. Còn cảng Tân Thuận Đông và cảng Rau Quả cũng xin lùi thời hạn di dời đến năm 2020. Nếu chiếu theo quyết định của Chính phủ thì cảng Sài Gòn đã chậm di dời gần 4 năm. Nguyên nhân của việc chậm di dời là do thiếu vốn.

 

Theo quy hoạch, sau khi các cảng trong khu vực nội thành rời đi, khu đất tại nhà máy đóng tàu Ba Son sẽ được chuyển đổi thành khu trung tâm phức hợp Sài Gòn – Ba Son, với chức năng là trung tâm tài chính, văn phòng, khách sạn cao cấp, trong đó có khu truyền thống lịch sử như xưởng đóng tàu Ba Son, nhà lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng...

 

Còn đối với khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, sau khi chuyển đổi công năng sẽ trở thành khu vực giáo dục, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, giải trí, khách sạn, khu dân cư, khu phức hợp cảng tàu khách quốc tế, quảng trường, cây xanh, phố đi bộ.

 

Việc di dời các cảng ra khỏi khu vực nội thành TPHCM nhằm giảm tình trạng kẹt xe ở khu trung tâm do lượng xe tải đi qua đây khá lớn.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến