Dòng sự kiện:
Đi làm thẻ căn cước, người dân mất oan tiền đóng bảo hiểm
20/02/2019 14:55:37
Đến làm căn cước công dân tại nhưng người dân lại phải nộp phí cho bảo hiểm bưu điện. Sự nhập nhèm này diễn ra ngay tại trụ sở Công an huyện Thường Xuân (Thanh Hoá) khiến người dân bức xúc.

Đánh lận giữa thủ tục hành chính và dịch vụ kinh doanh 

Theo đơn phản ánh của anh H.V.T, trú xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), tại phòng tiếp dân của Công an huyện Thường Xuân có hiện tượng nhân viên cố tình đánh lận giữa thủ tục hành chính bắt buộc khi làm căn cước công dân (CCCD) và bán bảo hiểm bưu điện – một dịch vụ kinh doanh để thu lợi trên sự thiếu hiểu biết của người dân.  

Hình ảnh ghi nhận ngày 14/2/2019, nhân viên tự ý lấy thông tin cá nhân của người dân từ hồ sơ làm CCCD để điền vào phiếu bảo hiểm và thu tiền như một thủ tục hành chính bắt buộc. 

Ngày 9/10/2018, anh T. đến làm thẻ CCCD tại phòng tiếp dân của Công an huyện Thường Xuân thì thấy một phụ nữ mặc thường phục ngồi bàn riêng đưa cho anh tờ khai để điền thông tin làm CCCD. Sau khi điền đủ thông tin, người này chuyển tờ khai của anh sang bàn làm việc cho các cán bộ công an mặc cảnh phục để làm các thủ tục khác như chụp ảnh, lấy vân tay.

Sau đó, người phụ nữ này yêu cầu anh nộp phí 200.000 đồng. Tiếp đó, khi đã hoàn tất thủ tục, tại bàn làm việc của công an tiếp tục thu tiền phí làm thẻ CCCD là 65.000 đồng. Khi ra về, người phụ nữ mặc thường phục đã đưa cho anh một tệp giấy hẹn. Vì đang có việc về vội nên anh không mở ra xem ngay lúc đó mà tới khi về nhà xem lại thì anh mới phát hiện trong tệp giấy đó có tờ Bảo hiểm bưu điện PTI với tên người mua là anh. Đáng nói, tất cả thông tin về gia đình được ghi trong bảo hiểm đều là thông tin anh đã viết trong tờ khai làm CCCD.

“Tôi rất bức xúc vì không hề biết người phụ nữ kia đã tự điền thông tin của tôi vào và thu tiền bảo hiểm. Do lần đầu đi làm thẻ CCCD lại không tìm hiểu kĩ trước nên cứ nghĩ rằng chị ấy là người của cơ quan công an huyện và số tiền kia là phí làm CCCD. Tôi thấy người phụ nữ này và các cán bộ công an trong phòng làm việc như một thủ tục hành chính bình thường, không một ai nói với tôi về việc mua bảo hiểm này. Mặc dù không phải số tiền lớn nhưng tôi cảm thấy bị lợi dụng và lừa dối”, anh T. viết nói.

Từ phản ánh của anh T., sáng ngày 14/2/2019, PV đã trực tiếp có mặt tại phòng tiếp dân Công an huyện Thường Xuân để xác minh lại những thông tin trên. Theo quan sát của PV, đúng như nội dung phản ánh, người phụ nữ là nhân viên bưu điện huyện Thường Xuân tên Trần Thị P.

Chị P. được sắp xếp một bàn làm việc tại phòng tiếp dân, hầu hết người dân đều nghĩ rằng chị Ph. là cán bộ của cơ quan công an. Bởi lẽ, tất cả những người dân muốn làm thẻ CCCD đều phải thông qua bàn của chị để lấy tờ khai điền thông tin. Sau khi điền xong sẽ nộp lại bàn chị P, người phụ nữ này sẽ lấy thông tin từ những tờ khai này để ghi vào sổ bảo hiểm đưa cho dân và đề nghị thu tiền. Đáng nói phí thu không có sự thống nhất, mặc dù trong cuốn sổ chỉ ghi tổng số tiền bảo hiểm và phí bảo hiểm là 138 nghìn đồng nhưng chị P. lại yêu cầu thu của người dân ở những mức khác nhau như 140 nghìn, 200 nghìn, 160 nghìn đồng…

 

Tất cả những người đến làm CCCD đều phải qua bàn nữ nhân viên này để lấy tờ khai và nộp phí bảo hiểm

Chỉ trong một buổi sáng, rất đông người dân đến làm CCCD đều không ai thoát khỏi việc nộp phí bảo hiểm theo cách này.

Quy trình làm việc hết sức trơn tru, không một ai phản đối bởi lẽ đa phần người dân đều tin rằng đây là một thủ tục hành chính bắt buộc. Khi đã thu tiền và đưa tờ bảo hiểm cho người dân, chị P. dặn dò qua loa rằng, khi bị điện giật, chó cắn, mèo cắn thì mang theo tờ bảo hiểm này đến điểm bưu điện gần nhất để được nhận hỗ trợ. 

Sau bước thu phí bảo hiểm, nữ nhân viên mặc thường phục sẽ chuyển tờ khai sang cho các cán bộ công an hoàn tất tủ tục CCCD.

Tiếp cận những người dân vừa ra khỏi phòng tiếp dân, khi được hỏi về tờ bảo hiểm đang cầm trên tay, đa phần đều tỏ ra bối rối, lắc đầu trả lời không biết.

Chị L.T.N, xã Yên Nhân cho biết, chị vừa nộp 160 nghìn đồng tiền phí bảo hiểm. Người phụ nữ dân tộc Thái này cũng thật thà trả lời: “Không biết gì cả. Thấy cán bộ đưa cho rồi bảo nộp tiền thì nộp thôi”.

“Sau khi đưa tôi cái này, chị ấy có dặn là khi bị chó cắn hay điện giật thì mang xuống bưu điện để được hỗ trợ, còn cụ thể thế nào tôi không rõ. Họ bảo tôi nộp 140 nghìn đồng phí bảo hiểm”, anh L.V.L, trú xã Yên Nhân cho hay.  

Hình ảnh ngày 20/2/2019, sau khi công an huyện Thường Xuân đã chấn chỉnh và dẹp bỏ việc tự ý thu phí bảo hiểm, tấm biển hướng dẫn mới được đặt lên bàn

Cơ quan công an không phải đơn vị kinh doanh

Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Lê Đức Long, Phó trưởng phòng PX03, Công an tỉnh Thanh Hóa xác nhận, Công an tỉnh không có chủ trương chỉ đạo các đơn vị công an kết hợp làm CCCD với việc bán bảo hiểm dân.

Ông Phan Tiến Dũng, Trưởng Công an huyện Thường Xuân khẳng định, đơn vị không bắt tay phối hợp hay lồng ghép việc làm thẻ CCCD với việc bán bảo hiểm, chỉ có phối hợp với bưu điện để chuyển phát nhanh CCCD cho người dân.

“Còn chuyện bưu điện họ bán bảo hiểm gì thì đó là sự tự nguyện của người dân, không ai ép buộc phải mua, cụ thể mua bán thế nào thì nên hỏi bưu điện”, ông Dũng nói.

Trung tá Lương Thế Anh, Phó trưởng Công an huyện Thường Xuân lí giải, từ năm 2013, Công an tỉnh Thanh Hóa và Bưu điện tỉnh Thanh Hóa đã ký quy chế phối hợp cung cấp dịch vụ chuyển phát

CMND giữa Công an tỉnh và Bưu điện tỉnh Thanh Hóa.

Vì vậy, việc để nhân viên bưu điện ngồi trong phòng tiếp dân của công an huyện là dựa trên quy chế này nhằm tạo điều kiện cho bưu điện chuyển phát CMND đến cho người dân.

Theo ông Anh, việc bán bảo hiểm cũng không có trong nội dung quy chế phối hợp: “Tôi không nghe nói gì đến việc bán bảo hiểm cả, nếu có thì chắc là mới gần đây thôi. Cô ấy cố tình bán cho dân mà không tuyên truyền, tư vấn trước thì rõ ràng là cô ấy sai. Ngay khi nhận được thông tin phản ánh, từ hôm qua (19/2) chúng tôi đã chỉ đạo chấn chỉnh ngay, quán triệt từ nay không được bán bất cứ cái gì vì đây không phải đơn vị kinh doanh”.

Ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Bưu điện huyện Thường Xuân cho biết, ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân và khẳng định, sẽ cho kiểm tra và xử lí nếu nhân viên làm việc đã gây ra sự hiểu nhầm cho người dân.

Ghi nhận sáng ngày 20/2, tại phòng tiếp dân Công an huyện Thường Xuân, nhân viên bưu điện Trần Thị Ph vẫn làm việc tại vị trí cũ tuy nhiên không còn bán bảo hiểm, trở lại làm đúng vai trò cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh cho người dân.

Lương Diễn
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến