Dòng sự kiện:
Đi ngược xu thế khu vực, VND lên giá so với USD
06/07/2021 20:18:15
Trong 6 tháng đầu năm 2021, VND đã lên giá 0,4% so với USD trong khi hầu hết các đồng tiền trong khu vực đều giảm giá...

Trong tuần trước (28/6 – 2/7), thị trường Mỹ đón nhận các thông tin khác tích cực về thị trường việc làm (số việc làm mới khu vực tư nhân tăng, số đơn trợ cấp thất nghiệp giảm), chỉ số PMI tháng 6 duy trì ở mức cao (62,1), chỉ số niềm tin người tiêu dùng vượt dự báo.

6 tháng đầu năm 2021, VND đã lên giá 0,4% so với USD trong khi hầu hết các đồng tiền trong khu vực đều giảm giá (THB giảm 6,9%; INR giảm 1,7%; SGD giảm 1,8%; PHP giảm 1,6%...).

Trái lại, châu Á vẫn đang vật lộn với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, châu Âu cũng đang đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch bệnh trở lại với chủng virus Covid-19 mới là Delta Plus.

Đồng USD đã tăng giá trở lại trên thị trường quốc tế, chỉ số đo sức mạnh đồng bạc xanh DXY dao động trong vùng từ 92 - 92,6 điểm. Các đồng tiền chủ chốt đều mất giá so với USD như EUR giảm 0,59%; GBP giảm 0,4%; CHF giảm 0,39%; JPY giảm 0,27%; CNY giảm 0,26%.

Biến động các đồng tiền so với USD

Tại thị trường Việt Nam, tỷ giá USD/VND niêm yết của các ngân hàng thương mại tăng 20 VND chiều mua vào nhưng giảm 10 VND chiều bán ra, tương quan ở mức 22.900/23.100 VND. Chênh lệch giữa tỷ giá bán - tỷ giá mua giảm về 200 VND, mức thấp nhất kể từ 3/2020 đến nay. Tỷ giá tự do tăng 20 VND chiều mua vào và 40 VND chiều bán ra, lên mức 23.300/23.350 VND.

Như vậy, 6 tháng đầu năm 2021, VND đã lên giá 0,4% so với USD trong khi hầu hết các đồng tiền trong khu vực đều giảm giá (THB giảm 6,9%; INR giảm 1,7%; SGD giảm 1,8%; PHP giảm 1,6%...).

Hiện tại, dòng kiều hối và giải ngân FDI vẫn khá tích cực nên đủ để bù đắp cho thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa, tín dụng ngoại tệ cũng tăng cao nên cung cầu ngoại tệ vẫn khá cân bằng.

Theo giới phân tích, tình trạng cán cân thương mại hàng hóa nửa đầu năm 2021 có thể mang tính chất mùa vụ, một phần do giá cả hàng hóa tăng gần đây và sẽ cải thiện trong nửa cuối năm. Theo đó, tỷ giá USD/VND sẽ vẫn ổn định trong dài hạn nhưng có thể dao động theo diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế trong ngắn hạn.

Dự báo bình quân tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng trong tháng 7

Trong một báo cáo, Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) cũng dự báo, tỷ giá USD/VND được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định, bất chấp điểm hoán đổi lãi suất VND - USD trên liên ngân hàng dự báo sẽ thu hẹp. Một số thành viên VIRA cho rằng, họ kỳ vọng dòng vốn vào vẫn lấn át dòng ra; cung ngoại tệ theo đó tiếp tục thuận lợi và tỷ giá ổn định.

Dự báo xa hơn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho rằng, tỷ giá USD/VND được kỳ vọng duy trì ổn định nhờ vào 5 yếu tố. Thứ nhất, kỳ vọng cán cân thương mại dần quay lại mức thặng dư khi xuất khẩu tăng tốc trở lại. Thứ hai, dòng vốn FDI tiếp tục tích cực nhờ làn sóng dịch chuyển sản xuất toàn cầu. Thứ ba, cơ chế điều tiết cung cầu ngoại tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ tư, đồng USD dự báo sẽ không mạnh lên do các gói kích thích kinh tế quy mô lớn và chính sách hỗ trợ nền kinh tế của FED. Thứ năm, vào giữa tháng 4/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ, điều này sẽ làm giảm áp lực lên tỷ giá VND/USD.

“Chúng tôi vẫn giữ kỳ vọng VND sẽ tăng giá trong biên độ quanh 0,5% so với USD trong năm 2021”, công ty MASVN đưa ra dự báo.

Tỷ giá USD/VND được kỳ vọng tiếp tục ổn định, bất chấp điểm hoán đổi lãi suất VND - USD trên liên ngân hàng dự báo sẽ thu hẹp. Kỳ vọng dòng vốn vào vẫn lấn át dòng ra; cung ngoại tệ theo đó tiếp tục thuận lợi và tỷ giá ổn định.

Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng

Tác giả: Đào Vũ

Theo: Vneconomy
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : usd , vnđ
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến