Dòng sự kiện:
Dịch bệnh bùng phát, thu ngân sách tiếp tục giảm tốc
06/07/2021 19:04:01
Qua theo dõi diễn biến thu ngân sách nhà nước (NSNN), nhận thấy, kể từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, thu ngân sách đã có dấu hiệu giảm tốc đến nay chưa có dấu hiệu phục hồi.

Bà Phạm Thị Tuyết Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Dự toán thu thuế, Tổng cục Thuế cho biết, trong những tháng đầu năm 2021, cơ quan thuế các cấp thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại. Hoạt động kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp (DN) tại một số địa phương từ cuối tháng tư bắt đầu gặp khó khăn do phải thực hiện các biện pháp giãn cách để phòng chống dịch, cộng thêm việc triển khai thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP đã ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách.

Trước tình hình này, Vụ Dự toán thu thuế đã tham mưu cho Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành thu NSNN; yêu cầu cơ quan thuế các cấp tập trung rà soát toàn bộ nguồn thu theo từng khoản thu, sắc thuế, chi tiết đến từng địa bàn quản lý và giao dự toán phấn đấu tăng 7,66% so với dự toán Chính phủ giao.

Tốc độ thu ngân sách đang có dấu hiệu giảm do dịch.

Số thu NSNN 6 tháng đầu năm 2021 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 656.374 tỷ đồng, bằng 58,8% dự toán pháp lệnh, bằng 114,3% so với cùng kỳ.

Cụ thể, thu từ dầu thô ước đạt 18.725 tỷ đồng, bằng 80,7% dự toán và bằng 87,8% so với cùng kỳ. Thu nội địa ước đạt 637.649 tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán pháp lệnh, bằng 115,3% cùng kỳ năm 2020. Số thu không kể tiền sử dụng đất ước đạt 558.838 tỷ đồng, bằng 56,9% dự toán pháp lệnh, bằng 114,5% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ những khoản tăng thu đột biến và yếu tố chính sách do thực hiện gia hạn thì tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm tăng 4%, số thu nội địa trừ đất tăng 2,5%, số thu nội địa từ thuế phí tăng 5,7%.

Bà Lan cho hay, mặc dù kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khá so với dự toán. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 từ cuối tháng 4 trở lại đây đã trực tiếp ảnh hưởng đến một số địa phương trọng điểm kinh tế, tập trung các khu công nghiệp lớn như TP HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương…

Bên cạnh đó, năng lực nội tại của nền kinh tế còn thấp, áp lực lạm phát trong nước tăng do chịu ảnh hưởng bởi tình hình quốc tế, rủi ro thiên tai, dịch bệnh, đời sống một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn... Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp cả nước trong tháng 6 đã có sự giảm tốc so với những tháng trước (tháng 6 tăng 6,8% so với cùng kỳ, tháng 5 tăng 11,8%, tháng 4 tăng 24,1%).

Tình hình đăng ký thành lập mới DN trong tháng 6 giảm 17,6% so với cùng kỳ, số DN rút khỏi thị trường tăng 30,8% so với cùng kỳ. Hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải, du lịch tiếp tục giảm sút tại một số địa bàn.

“Trong bối cảnh đó, nếu không sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh, thì sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và kết quả thu NSNN trong các tháng tiếp theo. Qua theo dõi diễn biến thu NSNN, chúng tôi nhận thấy, kể từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, thu ngân sách đã có dấu hiệu giảm tốc đến nay chưa có dấu hiệu phục hồi”, bà Lan nói.

Cùng với việc triển khai thực hiện các chính sách giãn, giảm thuế hỗ trợ người dân và DN theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, công tác thu ngân sách các tháng cuối năm 2021 sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn ngành thuế phải đặt quyết tâm cao, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thuế mới đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tác giả: An Nhiên

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến