Để khuyến khích người dân sử dụng phương thức giao dịch online, nhiều ngân hàng thực hiện chương trình khuyến mại hấp dẫn.
Đối với ngành ngân hàng, dịch Covid-19 được xem như một đòn bẩy kích thích tiến trình chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng nhanh hơn, trong đó thói quen giao dịch “offline” sang “online” đã được định hình ngày càng mạnh mẽ hơn.
Ngân hàng "tung" nhiều khuyến mại
Chị Thu Hà (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, diễn biến dịch Covid-19 đang lây lan nhanh trong cộng đồng. Ngay từ đầu tháng 5 thay vì đến công ty làm việc, chị chuyển sang làm việc tại nhà, do đó các giao dịch thường ngày như đi chợ, mua sắm, giao dịch ngân hàng và các dịch vụ thiết yếu trong gia đình đã thay đổi.
“Các dịch vụ thanh toán tiền điện/nước/dịch vụ truyền hình, thậm chí đi chợ… của gia đình đã chuyển từ “offline” sang “online”. Thông qua ứng dụng mobile banking của ngân hàng, hàng hóa được shipper giao tới nhà chứ không cần phải ra chợ mà vẫn đảm bảo tươi ngon, lại không lo dịch bệnh”, chị Hà cho biết.
Đáng nói, thời điểm này để khuyến khích người dân sử dụng phương thức giao dịch online, nhiều ngân hàng thực hiện chương trình khuyến mại hấp dẫn.
Chẳng hạn, khách hàng thực hiện gửi tiết kiệm online trên ứng dụng ngân hàng số PvcomBank sẽ được cộng thêm 0,3%/năm so với gửi trực tiếp tại quầy.
Tương tự, đại diện NCB cho biết, nhằm phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, NCB khuyến khích khách hàng sử dụng các hình thức giao dịch trực tuyến thông qua thanh toán bằng thẻ chip, NCB iziMobile, InternetBanking NCB… Ngân hàng sẽ vẫn ưu đãi khách hàng như: Cộng đến 0,2% lãi suất gửi tiết kiệm online; miễn tất cả phí chuyển khoản liên ngân hàng và thanh toán hóa đơn của rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ cũng như mua sắm trực tuyến; đồng thời miễn phí phát hành và phí thường niên thẻ chip ghi nợ nội địa…
Hay như Agribank lại thực hiện chính sách miễn phí chuyển tiền trong nước, áp dụng đồng loạt tại 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc và cả các kênh ngân hàng điện tử của Agribank.
Theo đánh giá của các ngân hàng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát hiện nay, chuyển tiền online là phương thức được khách hàng sử dụng nhiều nhất trong giao dịch ngân hàng. Vì vậy, bên cạnh các chương trình khuyến mại như tặng lãi suất, tặng quà… nhiều ngân hàng đưa ra chương trình giảm phí dịch vụ, thậm chí phí 0 đồng để lôi kéo khách hàng đến với ngân hàng, từ đó sử dụng thêm nhiều sản phẩm dịch vụ khác là dễ hiểu.
Thanh toán online tăng trưởng ấn tượng
Quan sát trên thị trường có thể thấy, không chỉ trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thời gian qua, để khuyến khích khách hàng tiêu dùng không tiền mặt và hạn chế di chuyển, các ngân hàng ngày càng chú trọng nâng cấp và hoàn thiện công nghệ phục vụ cho hạ tầng thanh toán điện tử, nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Ngân hàng số cũng ra mắt ngày một nhiều hơn, như OCB Omni, LiveBank, TNEX, VCB Digibank… và cùng với đó thì hệ sinh thái xung quanh ngân hàng số cũng được các nhà băng quan tâm phát triển để giá trị mang tới cho khách hàng phong phú hơn, đa dạng hơn.
Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định Phê duyệt “Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, NHNN đặt mục tiêu ít nhất 70% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số. Số lượng người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử và số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số đều phải đạt ít nhất 80%. |
Các chuyên gia đánh giá, những ưu đãi dồn dập từ ngân hàng không chỉ mang tính tức thời, mà sẽ là chính sách dài hạn của các nhà băng nhằm hướng khách hàng đến với những trải nghiệm tài chính hiện đại, năng động và nhiều giá trị gia tăng nhất.
Ông Phạm Tiến Dũng, vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), cho biết dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, song hoạt động thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng trưởng cao. Tính đến cuối tháng 3, thanh toán qua Internet, điện thoại di động, QR code đã thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng.
So với cùng kỳ 3 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng; giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt trên 395 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng. Giá trị giao dịch qua kênh QR code tăng mạnh nhất 146% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.479 tỷ đồng, với 5,3 triệu món.
Hằng ngày, các hệ thống thanh toán quan trọng của Ngân hàng Nhà nước đã xử lý khoảng 25 tỷ USD. Con số này tăng trưởng rất ấn tượng.
Bên cạnh đó, các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến vẫn tiếp tục được các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Tác giả: Huyền Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy