Theo IMF, vẫn còn khá sớm để đánh giá tác động của dịch nCoV tới kinh tế toàn cầu trong cả năm 2020, nhưng chắc chắn là Quý I sẽ giảm sút nghiêm trọng.
Không chủ quan, lơ là, cũng không được hoang mang, dao động, chống dịch đồng bộ, quyết liệt, đồng thời giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, đây là quyết tâm kép của Chính phủ, Thủ tướng, cũng là hai nội dung được các thành viên Chính phủ thảo luận nhiều nhất tại phiên họp thường kỳ vừa diễn ra.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở dự kiến những tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch bệnh nCoV tới các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, Bộ dự kiến hai kịch bản về tăng trưởng GDP.
Theo kịch bản 1, nếu dịch nCoV được khống chế kịp thời trong quý I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với mục tiêu), trong đó quý I tăng 3,8%; quý II tăng 6,55%; quý III tăng 7,07% và quý IV tăng 6,81%.
Theo kịch bản 2, nếu dịch được khống chế trong quý II/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với mục tiêu), trong đó quý I tăng 3,8%; quý II tăng 5,81%; quý III tăng 7,05% và quý IV tăng 6,81%.
“Như vậy, để năm 2020 đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là thách thức rất lớn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Tính toán của các bộ, ngành chức năng như Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước…, dịch nCoV cũng sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực.
Chẳng hạn, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong trường hợp dịch sớm được kiểm soát trong ngắn hạn (dưới 3 tháng), dự kiến trong quý I/2020, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể giảm khoảng từ 400 triệu USD đến 600 triệu USD, tương đương mức giảm khoảng 5-8%, tùy theo diễn biến của dịch.
Còn theo Ngân hàng Nhà nước, với các nguy cơ IMF chỉ ra và dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,8% và kiểm soát lạm phát dưới 4% như chỉ tiêu Quốc hội đề ra sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn dự kiến trước đây.
Thách thức với kinh tế toàn cầu
Rõ ràng, những tác động từ dịch nCoV tới kinh tế Việt Nam là không thể tránh khỏi và đây cũng là tình hình chung trên thế giới. Mặc dù cũng nhiều ý kiến cho rằng còn nhiều điều không chắc chắn về quy mô và mức độ của dịch, vì vậy cần có thái độ bình tĩnh tránh hoang mang, song nhìn chung quốc tế đánh giá về tình hình dịch bệnh cnCoV là khá nghiêm trọng.
Theo IMF, vẫn còn khá sớm để đánh giá tác động của dịch nCoV tới kinh tế toàn cầu trong cả năm 2020, nhưng chắc chắn là Quý I sẽ giảm sút nghiêm trọng. Năm 2003, đại dịch SARS gây thiệt hại khoảng 40 tỷ USD khi nền kinh tế Trung Quốc mới chỉ chiếm 4% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, hiện tại Trung Quốc đóng góp 18% GDP toàn cầu, đại dịch nCoV có thể gây ra những tác động lớn hơn gấp 3-4 lần.
Những ảnh hưởng đã nhìn thấy rõ nét ở một số ngành sản xuất và một số ngành dịch vụ như du lịch và khách sạn, khi chuỗi giá trị toàn cầu đang bị gián đoạn. Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất cho xe hơi mới và chất bán dẫn, là quốc gia chi nhiều nhất cho du lịch quốc tế, là nhà xuất khẩu hàng may mặc và dệt may hàng đầu trên thế giới, đồng thời cũng là nơi sản xuất nhiều máy tính cá nhân (PC) và điện thoại di động trên thế giới.
Tổ chức S&P Global cho rằng dịch nCoV sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu do tác động giảm đối với một số ngành sản xuất và dịch vụ lớn như sản xuất dầu mỏ, hàng không… Các hãng hàng không và các nhà khai thác hàng không tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ chịu thiệt hại phụ thuộc vào quy mô và mức độ lây lan của virus nCoV ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Chi phí của khách du lịch Trung Quốc ở nước ngoài hàng năm ước tính khoảng 130 tỷ USD.
Theo Bloomberg, ảnh hưởng của virus nCoV lên nền kinh tế toàn cầu có thể lớn gấp 3 đến 4 lần so với SARS, có thể gây tổn thất kinh tế 160 tỷ USD. Không chỉ kinh tế Trung Quốc mà Hong Kong (Trung Quốc) có thể giảm tăng trưởng 1,7 điểm %, Hàn Quốc và Việt Nam giảm 0,4 điểm %. Nhật Bản 0,2% trong quý I/2020. Về phía Thái Lan, theo Phòng Thương mại Thái Lan, dịch bệnh từ nCoV là một trong các nguyên nhân sẽ kéo tăng trưởng kinh tế Thái Lan năm 2020 xuống dưới 2,5% do Thái Lan dự kiến thất thu khoảng 80 - 100 tỷ Baht chủ yếu trong ngành du lịch và các ngành kinh tế Thái Lan phải ưu tiên các biện pháp ứng phó với dịch bệnh.
Về tác động tới Trung Quốc, một số báo cáo cho thấy dịch bệnh này có thể khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm từ 0,5 đến 1 điểm % trong năm 2020; riêng trong Quý I có thể giảm 2 điểm %. Tác động thực tế sẽ phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch bệnh của Chính phủ Trung Quốc trong thời gian tới. Kênh tác động chính là từ gián đoạn giao thương và giảm cầu tiêu dùng trong nước (tiêu dùng đóng góp 35% GDP năm 2003 và 76% vào năm 2018). Số liệu về du lịch của Macau (Trung Quốc) cho thấy số khách du lịch từ đại lục sang Macau trong những ngày đầu năm mới đã giảm 80% so với cùng kỳ.
Trong dài hạn, hiệu ứng của dịch nCoV vẫn chưa được đánh giá vì thiếu dữ liệu và thời gian theo dõi mô hình lây lan. IMF cho rằng thế giới cần phải đánh giá tốc độ hành động cần thiết để kiểm soát sự lây lan của virus Corona cũng như hiệu quả thực sự của các biện pháp được đưa ra. IMF dự đoán kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm nay, nhưng vẫn ở tình trạng trì trệ và các nguy cơ vẫn hiện hữu.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức
Tuy nhiên, trước các tác động từ dịch bệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vẫn giữ vững quyết tâm thúc đẩy, giữ vững phát triển kinh tế, giữ ổn định xã hội, kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nhấn mạnh chống dịch đồng bộ, quyết liệt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu, Thủ tướng cũng yêu cầu, tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội theo kịch bản mới. Thủ tướng nhấn mạnh, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, nhiệm vụ này là một thử thách đối với bản lĩnh, sự quyết tâm của chúng ta. Đồng thời, giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô, nhất là lạm phát, tỉ giá, xuất khẩu.
Thủ tướng yêu cầu, cần triển khai thực hiện ngay các đối sách, giải pháp để giảm thiểu tác động kinh tế của bệnh dịch này, có kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn với tinh thần phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đề ra trong năm 2020. Các bộ có liên quan phải có kế hoạch chủ trương, biện pháp cụ thể để tái cơ cấu ngành, lĩnh vực mình phụ trách nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của dịch đến phát triển.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thông điệp không điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, bên cạnh những thuận lợi, nền kinh tế cũng đối mặt không ít thách thức, như năm 2016 là sự cố ô nhiễm môi trường biển ngay sau khi Chính phủ nhiệm kỳ mới được bầu; tăng trưởng GDP quý I năm 2017 cũng chỉ đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ (5,48%)…
Tuy nhiên, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong mọi hoàn cảnh, Chính phủ, Thủ tướng đều khẳng định tinh thần bàn tiến không bàn lùi, chủ động, sáng tạo, đề ra các giải pháp phù hợp, mục tiêu là “biến nguy thành cơ”, “biến bại thành thắng”, vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục, đưa nền kinh tế tiến bước, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.
Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội liên tiếp đạt được những thành tựu lớn, lập nhiều kỷ lục mới, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn mới. Theo các chuyên gia, bước vào năm 2020, nền tảng kinh tế Việt Nam đã củng cố khá vững chắc trong những năm qua, tạo niềm tin đối với nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Nhiều số liệu kinh tế - xã hội trong tháng 1/2020 rất khả quan đã cho thấy niềm tin này: Vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp tăng 76,8%, cao nhất trong 4 năm qua. Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 179,5%. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 2 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay...
Dịch nCoV cũng có thể tác động 2 chiều lên tăng trưởng kinh tế, dù dự kiến yếu tố tiêu cực có thể nhiều hơn tích cực. Cụ thể hơn, sẽ có các ngành bị tác động tiêu cực trực tiếp như dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận tải hành khách; sản xuất, nuôi trồng, chế biến nông sản-thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc; bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trực tiếp qua quầy, bán hàng truyền thống; vui chơi, giải trí; giáo dục đào tạo...
Bên cạnh đó, sẽ có những ngành bị tác động 2 chiều như dệt may, da giày, thiết bị điện tử, logistics (cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu có thể giảm, nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc gặp khó khăn trong thời gian bùng phát dịch nhưng vẫn có thể có hiệu ứng thay thế hàng xuất khẩu của Trung Quốc giúp hạn chế bớt tác động tiêu cực do Hồ Bắc là thủ phủ sản xuất hàng dệt may, thép, hóa dầu, ô tô)...
Đáng lưu ý, cũng sẽ có những ngành được hưởng lợi như dược phẩm, vật tư y tế; chăm sóc sức khỏe; thương mại điện tử; dịch vụ giao hàng cá nhân; điện; nước...
Những thành quả kinh tế-xã hội thời gian qua đã chứng minh rằng với ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, cùng với quyết tâm lớn, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành quả, trong đó có những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được cùng lúc. Do đó, cú sốc về dịch bệnh có thể làm chậm lại tạm thời các hoạt động kinh tế trong ngắn hạn, nhưng rất khó có thể gây tình trạng đình đốn kinh tế và với quyết tâm cao cùng các giải pháp phù hợp, linh hoạt, chúng ta vẫn có khả năng đạt được các mục tiêu đã đề ra.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy