Dòng sự kiện:
Điểm mấu chốt để vừa thích ứng an toàn, vừa phát triển kinh tế
10/02/2022 11:25:28
Theo các chuyên gia, trong năm 2022 để phát triển toàn diện thì cần đồng bộ các giải pháp trong việc thích ứng với dịch bệnh và mở cửa các hoạt động.

Việt Nam đã trải qua hơn 2 năm dịch bệnh, lúc này việc thích ứng an toàn, làm sao vừa phục hồi vừa phát triển kinh tế, đời sống xã hội được đảm bảo là điều mà Đảng, Nhà nước và mọi người dân đều hướng tới. Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam về những điểm sáng trong công tác phòng chống dịch, cũng như điểm mấu chốt trong năm 2022 để vừa thích ứng an toàn, vừa phát triển kinh tế.

Không nên quá lo lắng vì Covid-19

Người Đưa Tin (NĐT): Thưa ông, sau hơn 2 năm dịch bệnh, đến nay tỉ lệ tiêm vắc-xin cao, nhưng cũng xuất hiện biến chủng mới. Vậy, chúng ta cần làm gì để không còn lo lắng, sợ dịch Covid-19?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Về biến chủng của Covid-19 thường sẽ quan tâm đến biến chủng lây lan nhanh, gây triệu chứng nặng, vô hiệu hóa vắc-xin. Gần đây có biến chủng Omicron thì triệu chứng không quá nặng và vắc-xin vẫn còn tác dụng. Vì vậy, chúng ta không nên quá lo lắng, cần chấp nhận và mạnh dạn chuyển chiến lược từ “zero F0” sang thích ứng an toàn, phòng chống dịch bệnh một cách có hiệu quả, kiểm soát các ca nhiễm cộng đồng, không để số ca bệnh nặng, số ca tử vong tăng cao.

NĐT: Như ông nói, chúng ta chuyển chiến lược từ “Zero F0” sang thích ứng an toàn, điều này được thể hiện, triển khai trong thực tiễn đã thực sự đem lại hiệu quả?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Chúng ta thực hiện theo Nghị quyết 128 của Chính Phủ là mở cửa, nới lỏng các hoạt động, nới lỏng việc đi lại. Chúng ta thích ứng an toàn, kiểm soát rủi ro, tăng cường các biện pháp dự phòng, không thực hiện việc cấm đoán, đặc biệt là cấm đoán việc đi lại. Tôi cho rằng, lúc này cần đồng bộ các giải pháp, đồng bộ các hoạt động trong việc thích ứng với dịch bệnh và mở cửa các hoạt động.

Ví dụ chúng ta chonhập cảnh thì du lịch nước ngoài mới phát triển, khách sạn mới có người ở,học sinh đi học thì các cô giáo mầm non mới có việc, cho phép mở cửa hàng thì những người kinh doanh mới có thể bán hàng…Tuy nhiên, lưu ý là tất cả các hoạt động đều phải được kiểm soát, không buông trôi thả lỏng. Luôn phải thực hiện các biện pháp 5K, đặc biệt với những người nguy cơ cao hay người có tiếp xúc gần.

Cần đồng bộ các giải pháp, đồng bộ các hoạt động trong việc thích ứng với dịch bệnh và mở cửa các hoạt động.

Tránh việc phát triển kinh tế mà để dịch bùng phát

NĐT: Vừa phòng, chống dịch bệnh và vừa phát triển kinh tế, là một chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự phòng xin ông cho biết để phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh chúng ta cần ưu tiên điều gì?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Cần ưu tiên những vấn đề mũi nhọn, kinh tế trọng điểm, những ngành nghề liên quan tới phát triển tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Trong đó, mỗi địa phương cần tập trung vào thế mạnh của mình để phát triển như công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… Tuy nhiên, phát triển kinh tế vẫn phải đảm bảo mục tiêu thích ứng an toàn, phòng chống dịch bệnh, đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe của người dân lên trên hết. Tránh việc phát triển kinh tế mà để dịch bệnh bùng phát không kiểm soát được.

NĐT: Trong năm mới 2022, theo ông điểm mấu chốt là gì để có thể đảm bảo “mục tiêu kép” vừa thích ứng an toàn, vừa phát triển kinh tế và đời sống xã hội?

Điểm mấu chốt và quan trọng nhất vẫn là tiêm vắc-xin.

PGS.TS Trần Đắc Phu: Trong năm nay, điểm mấu chốt và quan trọng nhất vẫn là tiêm vắc-xin. Chính phủ nên chỉ đạo tiêm vắc-xin nhắc lại hay là tiêm vắc-xin cho trẻ em, đó là điều quan trọng nhất hiện nay. Thuốc điều trị Covid-19 cũng là vấn đề quan trọng vì sẽ giảm được các ca bệnh nặng, giảm tử vong.Tiếp nữa, làm sao nâng cao năng lực của y tế cơ sở, y tế dự phòng tại các địa phương, làm sao để kiểm soát các ca nhiễm, không để các ca bệnh nặng. Một trong những yếu tố quan trọng nữa là y tế địa phương, cơ sở tiếp cận được ca nhiễm để tư vấn, điều trị, hạn chế các trường hợp diễn biến nặng và giúp đánh giá diễn biến của dịch bệnh.

Tôi vẫn luôn khuyến cáo, nhắc đi nhắc lại là không bao giờ chủ quan và luôn chủ động phòng chống dịch bệnh. Hiện nay, đã xuất hiện những biến chủng mới nhưng chúng ta vẫn có thể kiểm soát được, tuy nhiên tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp và mọi người dân luôn luôn phải đề phòng.

NĐT: Xin cảm ơn chia sẻ của ông!

Cơ hội cho tăng trưởng và phát triển toàn diện

Trao đổi thêm với Người Đưa Tin dưới góc nhìn kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng điểm mấu chốt trong năm 2022 đó là làm sao để sống chung an toàn với dịch bệnh. Khi dịch bệnh không bùng phát, vừa trực tiếp sản xuất kinh doanh vừa sống chung với đại dịch thì mới có hy vọng tăng trưởng kinh tế khá hơn: “Việc đầu tư vào trang thiết bị y tế cũng như thuốc, vắc-xin phòng chống biến thể của Covid-19 là điều quan trọng nhất, từ đó chúng ta mới có thể mở cửa toàn diện nền kinh tế và sống chung được với đại dịch. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5%, tôi cho rằng phải thực hiện sống chung an toàn, vắc xin + 5K và mở cửa toàn diện nền kinh tế. Đồng thời, cải thiện chi phí giúp cho các chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh lưu thông một cách tốt nhất, từ đó nền kinh tế mới quay trở lại bình thường, chi phí mới giảm thấp, hàng hóa đáp ứng đầu ra đầu vào thì lúc đó sản xuất sẽ có cơ hội tăng trưởng. Bên cạnh đó, năm 2022 chúng ta cũng cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, sẽ thúc đẩy các ngành nghề kinh tế khác tăng trưởng và phát triển. Nếu chúng ta sống chung an toàn với đại dịch, sản xuất kinh doanh tốt thì việc người dân quay trở lại tiêu dùng là điều đương nhiên vì trong năm 2021 tiêu dùng trong nước của chúng ta giảm sút, người dân tiêu tiết kiệm. Vì vậy, đẩy mạnh tiêu dùng trong nước cũng là một trong các yếu tố quan trọng, là cơ hội để tăng trưởng và phát triển”.

Tác giả: Hoàng Bích - Thu Lan

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến