Điểm nhanh những “đại án” tham nhũng, kinh tế
09/09/2014 14:00:33
ANTT.VN - Khám phá những vụ án kinh tế lớn, gây thiệt hại hằng trăm tỷ không chỉ đơn thuần là bắt các đối tượng vi phạm đền tội trước pháp luật. Quan trọng hơn, từ các vụ án này, đã phát hiện ra những "lỗ hổng" trong quản lý của các lĩnh vực kinh tế.
Đại án tham nhũng Vinalines, Dương Chí Dũng bị tuyên án tử

Trong thương vụ ụ nổi 83M, Dương Chí Dũng - nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam, đóng vai trò chủ mưu - đạo diễn việc rút ruột 1,666 triệu USD. Tòa án nhân dân Tp. Hà Nội đã chính thức tuyên án đối với bị cáo Dương Chí Dũng và các đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản tại Công ty Hàng Hải Vinalines. Đối với bị cáo Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng cục hàng hải Việt Nam bị tử hình về tội tham ô tài sản, 18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp cho 2 hình phạt là tử hình.

Dương Chí Dũng và vụ án tham nhũng tại Vinalines

Huyền Như và cú lừa hơn 4.000 tỷ đồng

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.000 tỷ đồng xảy ra tại Vietinbank là vụ án lớn nhất trong lịch sử ngành Ngân hàng. Giăng bẫy siêu lãi suất là chiêu trò hiệu quả nhất mà người đàn bà có “gan thép” này đã tung ra để “nuốt trọn” hàng nghìn tỷ đồng một cách dễ dàng đến khó tin.

Huyền Như tại tòa

Bản thân Huỳnh Thị Huyền Như trước khi bị bắt là phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - chi nhánh TP.HCM (Vietinbank TP.HCM). Đồng thời, Huyền Như cũng là thành viên HĐQT Công ty CP chứng khoán Phương Đông (ORS). Huyền Như từng sở hữu những chiếc xe hơi đắt tiền, là chủ của hàng loạt lô đất, biệt thự cho đến các căn hộ cao cấp ở nhiều tỉnh thành và nhiều dự án “khủng”.

Bầu Kiên đại gia “ngã ngựa”

Nguyễn Đức Kiên (SN 1964, biệt danh "bầu Kiên"), nguyên phó chủ tịch Tập đoàn ACB. Ông Kiên là 1 trong 7 bị can bị truy tố liên quan vụ án gây thiệt hại kinh tế lớn xảy ra tại Ngân hàng ACB với 4 tội danh: "Kinh doanh trái phép"; "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Trốn thuế”.

Hình ảnh đầu tiên về Bầu Kiên trong trại giam

Trước khi bị bắt, bầu Kiên được cho là sở hữu khối tài sản khiến nhiều người kính nể, riêng hai siêu xe Bentley Continental Flying Spur và Rolls-Royce Phantom phiên bản Rồng vị đại gia này sở hữu cũng đã có tổng trị giá lên tới gần 50 tỷ đồng.

Vụ án ALC II và “chiêu” rút trên 500 tỉ đồng

Vụ án ALC II xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (ALC II, thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank). Công ty ALCII có chức năng cho thuê tài chính, không có nghiệp vụ cho vay. Năm 2008, Công ty ALCII chuẩn bị cổ phần hóa doanh nghiệp, thời điểm này công ty có nhiều đơn vị khách hàng đang nợ xấu. Lấy lý do giảm nợ xấu, có tiền chuyển cho các doanh nghiệp và tiêu xài cá nhân, Vũ Quốc Hảo - Nguyên thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng cho thuê Công ty ACL II cùng đồng bọn đã rút ruột 531 tỷ đồng chỉ trong thời gian cực ngắn.

Vifon và “kĩ nghệ” rút tiền của kế toán trưởng

Công ty Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam được thành lập năm 1993, là doanh nghiệp nhà nước, hạch toán độc lập do ông Nguyễn Bi (SN 1949, Quảng Bình) làm Tổng giám đốc đứng tên chủ tài khoản; ông Nguyễn Văn Bên làm Phó Tổng giám đốc và Nguyễn Thanh Huyền (SN 1955, TP.HCM) làm Kế toán trưởng.

Các bị cáo trước tòa

Nguyễn Thanh Huyền đóng vai trò chủ mưu, tổ chức thực hiện, lợi dụng trách nhiệm của mình để chỉ đạo thực hiện hạch toán sai tài khoản, sai nguồn vốn để chiếm đoạt gần 9,9 tỷ đồng của nhà nước, gần 1,4 tỷ đồng vốn tư nhân. Huyền cũng là đồng phạm với Bi chiếm đoạt gần 2,3 tỷ đồng vốn tư nhân.

Đồng thời, Bi còn cố ý làm trái khi tự ý lấy 290.000 USD từ quỹ khen thưởng chi cho bản thân và một số cán bộ lãnh đạo của công ty, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 4,7 tỉ đồng. Ngoài ra, Bi còn có hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước khi ký quyết định chi thưởng khống gây thiệt hại hơn 3,5 tỉ đồng cho nhà nước.

Dũng "mặt sắt": Ông trùm buôn lậu siêu xe số 1

Dũng "mặt sắt" và siêu xe

Dũng "mặt sắt" tên thật là Hà Tuấn Dũng, vốn là Giám đốc Công ty Tuấn Đông, trụ sở đặt tại TP Móng Cái. Chỉ trong thời gian ngắn, tham gia vào các đường dây buôn lậu quốc tế, Hà Tuấn Dũng (SN 1974, biệt danh Dũng “mặt sắt”) nhanh chóng vươn lên hàng “đại gia” vùng biên Móng Cái, Quảng Ninh. Để chứng tỏ sự giàu có, thừa thãi của mình, đại gia này thường xuyên đi lại bằng “siêu xe” Rolls-Royce Phantom. Cũng từ chuyên án này, hàng loạt thủ đoạn phạm tội của ông trùm vùng biên một thời đã bị lộ sáng.

Công Motor

Công Motor tên thật là Huỳnh Văn Xuân, 38 tuổi, quê ở tỉnh Long An. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can về hành vi cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3, Chi cục QLTT tỉnh Hải Dương và Phòng Tài chính - Kế hoạch H.Ninh Giang, Hải Dương. Trong số này có Công Motor.

Trước khi bị CA bắt giữ, tên tuổi Công Motor nổi như cồn với hàng loạt chức danh: TGĐ Cty TNHH dịch vụ thương mại Thành Công Sài Gòn; Nhà phân phối chính thức của hãng xe máy danh tiếng CPR tại Việt Nam; TGĐ điều hành tạp chí Motor Việt Nam; GĐ một Cty vệ sĩ nổi tiếng tại TP HCM.

Thu Thủy (Tổng hợp)
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến